Công ty An Phú Hưng Gia Lai cung ứng giải pháp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu để phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững. Nắm bắt xu thế đó, Công ty cổ phần An Phú Hưng Gia Lai (TP. Pleiku) đã tham gia vào thị trường cung ứng các giải pháp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân, doanh nghiệp nhằm giúp khách hàng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Anh Trần Tiến Sỹ-Giám đốc Công ty An Phú Hưng Gia Lai-cho biết: “Trong quá trình tham gia xuất khẩu rau củ quả sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Úc… chúng tôi nhận thấy đối tác nước ngoài luôn đòi hỏi các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe về chất lượng sản phẩm. Để đáp ứng nhu cầu của đối tác, Công ty đã xây dựng mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao, đồng thời liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn trồng rau tía tô Nhật, ớt chuông, cà chua ruby, cải bó xôi. Sau mỗi vụ thu hoạch, Công ty thu mua và tiến hành sơ chế, đóng gói để xuất khẩu. Bên cạnh xuất khẩu rau củ quả, Công ty còn xuất khẩu thêm mặt hàng hồ tiêu và cà phê. Hiện nay, sản lượng hàng xuất khẩu của Công ty trung bình mỗi tháng đạt 50-70 tấn”.
 Mô hình nhà kính của Công ty cổ phần An Phú Hưng Gia Lai. Ảnh: V.T
Mô hình nhà kính của Công ty cổ phần An Phú Hưng Gia Lai. Ảnh: V.T
Cũng theo anh Sỹ, hiện nay, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang dần phổ biến trên nhiều loại cây trồng. Đặc biệt, nhiều hộ dân, doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất nông nghiệp trong nhà kính. Thiết bị, vật tư lắp đặt nhà kính khá tốn kém do phần lớn đều nhập từ nước ngoài. Nếu người dân trong tỉnh muốn lắp đặt thì phải mua về từ nơi khác, tốn thêm chi phí vận chuyển. Nắm bắt được nhu cầu này, Công ty bắt đầu nhập các thiết bị nhà kính từ Nhật Bản để cung cấp ra thị trường phục vụ cho nhu cầu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn. Bên cạnh việc triển khai lắp đặt nhà kính, Công ty còn cung cấp thêm thiết bị hệ thống tưới tiết kiệm, phun sương, hệ thống nhiệt, giàn trồng… cho khách hàng. Ngoài ra, Công ty còn tổ chức tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cho các hộ dân. 
Tùy loại cây trồng mà nhà kính thường có diện tích từ vài trăm mét vuông đến tối đa là 1.000 m2. Hiện Công ty đã lắp đặt 1.000 m2 nhà kính, qua đầu năm sau sẽ tiếp tục lắp đặt thêm khoảng 7.000 m2 nữa. “Chúng tôi mong muốn đem những giải pháp về nông nghiệp công nghệ cao tốt nhất, hiện đại nhất đến với người sản xuất nhằm gia tăng giá trị cho mặt hàng rau củ quả, góp phần tăng tính cạnh tranh của các mặt hàng nông sản trên thị trường”-anh Sỹ nói. Anh Sỹ cũng dẫn chứng, nếu trồng rau củ trong nhà kính, năng suất sẽ cao hơn 30-40% so với trồng ở môi trường bên ngoài. Bởi trồng trong nhà kính sẽ giúp người sản xuất chủ động hơn trong các khâu sản xuất, hạn chế ảnh hưởng của các tác nhân ở môi trường bên ngoài như côn trùng, vi sinh vật, dịch bệnh. Đặc biệt, môi trường nhà kính giúp điều hòa nhiệt độ, ánh sáng, giữ ẩm cho cây trồng, tạo ra một môi trường đồng nhất, thích hợp cho từng loại cây sinh trưởng và phát triển.
Mô hình trồng rau củ quả trong nhà kính hiện chưa phát triển mạnh ở Gia Lai. Tuy nhiên, với những hộ đã triển khai thì mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Anh Nguyễn Đình Thanh (thôn Hồ Nước, thị trấn Chư Sê) cho biết, gia đình anh đã đầu tư lắp đặt nhà kính có diện tích 1.000 m2 để trồng dưa lưới. Toàn bộ thiết bị lắp đặt hệ thống nhà kính này, anh đều đặt từ một công ty ở TP. Hồ Chí Minh với giá 300 triệu đồng. Vụ vừa rồi, gia đình anh thu hoạch được 2 tấn dưa lưới, sản phẩm đạt chất lượng cao, giá bán cao hơn hẳn so với dưa trồng ngoài ruộng. “Từ khi biết Công ty An Phú Hưng Gia Lai cung cấp thiết bị lắp đặt hệ thống nhà kính với giá rẻ hơn 20% so với thị trường TP. Hồ Chí Minh, tôi dự định sẽ mở rộng diện tích nhà kính lên 3.000-5.000 m2 để trồng dưa lưới”-anh Thanh cho hay.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn, đồng thời phải nắm chắc kỹ thuật. Vì vậy, không phải hộ dân, doanh nghiệp nào cũng có điều kiện để áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, xu hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là tất yếu trong tương lai. Do đó, việc cung cấp các giải pháp về nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi đúng, hoàn toàn có thể mang lại hiệu quả cho Công ty An Phú Hưng Gia Lai; đồng thời tăng thêm sự lựa chọn nhà cung cấp cho người sản xuất trong tỉnh.
THẢO NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.