Những kết quả tích cực
Thực hiện Chương trình hành động số 76-CTr/TU ngày 16-9-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Ban Dân vận Tỉnh ủy nghiêm túc quán triệt, triển khai các nội dung của Nghị quyết gắn với cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị, chương trình công tác của cơ quan; phối hợp với các cơ quan, ban ngành tăng cường bám sát địa bàn để tham mưu cấp ủy, chính quyền các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, an ninh biên giới; đấu tranh, ngăn chặn hoạt động móc nối, phục hồi FULRO, “Tin lành Đê ga”. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hàng năm, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức các hội nghị ký kết chương trình phối hợp với các cơ quan, ban ngành của tỉnh về triển khai công tác dân vận. Bên cạnh đó, Ban Dân vận Tỉnh ủy tích cực tham mưu giúp Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng, củng cố lực lượng nòng cốt và các tổ chức tự quản của quần chúng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở; xây dựng và phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, lực lượng cốt cán phong trào trong các tôn giáo. Phối hợp đẩy mạnh công tác vận động người dân tham gia phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; đấu tranh, ngăn chặn hoạt động phục hồi FULRO, “Tin lành Đê ga”, vượt biên. Phối hợp xây dựng, củng cố, phát huy hiệu quả hoạt động của 77 mô hình và 2.713 tổ chức quần chúng tự quản về an ninh trật tự với gần 30 ngàn lượt người dân tham gia. Xây dựng, phát huy 76 mô hình tập thể và 34 cá nhân điển hình “Dân vận khéo” về lĩnh vực quốc phòng-an ninh, góp phần ngăn chặn hiệu quả các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; đề xuất cấp ủy, chính quyền xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ việc phức tạp ở cơ sở.
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Bộ binh 2 (Quân khu 5) giúp người dân xã Kon Pne (huyện Kbang) đắp kè đập dân sinh dẫn nước về cánh đồng. Ảnh: Minh Nguyễn |
Công tác dân vận chính quyền trên địa bàn tỉnh cũng chuyển biến tích cực gắn với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của địa phương. Việc tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân được thực hiện khá tốt. Qua đối thoại, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc mà người dân quan tâm đã được lắng nghe và giải quyết kịp thời. Công tác cải cách hành chính được quan tâm triển khai thực hiện, hướng dẫn cụ thể, rút ngắn thời gian giải quyết. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn bình quân hàng năm đạt trên 98%. Công tác tiếp công dân được thực hiện đầy đủ, đúng định kỳ; giải quyết kịp thời các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở, không để vụ việc phức tạp kéo dài, khiếu kiện đông người, vượt cấp, phát sinh thành “điểm nóng”.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các cuộc vận động như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”…
Các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động ngày càng đi vào thực chất. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cũng đã thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nội dung, chất lượng giám sát đã có chiều sâu, tập trung vào các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và người dân.
Công tác dân vận, vận động quần chúng của các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh cũng đạt được những kết quả quan trọng. Hàng năm, căn cứ tình hình ở địa phương, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp xây dựng kế hoạch phân công 17 đơn vị quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 đứng chân trên địa bàn tỉnh đảm nhận làm công tác dân vận, gắn với tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại 74 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Các đơn vị đã tích cực phối hợp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và nhiệm vụ chính trị của địa phương; tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trên địa bàn; phối hợp đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Tham gia giúp địa phương xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Theo đó, các đơn vị như: Quân đoàn 3, Sư đoàn Bộ binh 2 (Quân khu 5) đã triển khai nhiều đợt ra quân phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương giúp dân khai hoang làm lúa nước; di dời, xây dựng mới nhà ở, dựng hàng rào, sửa chữa đường giao thông, kênh mương cho các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Quân đoàn 3 giúp địa phương hơn 2.000 ngày công lao động làm đường giao thông từ tỉnh lộ 666 đến làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang… Qua đó, tạo chuyển biến rõ nét trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa kinh tế-xã hội của tỉnh ngày càng phát triển, quốc phòng-an ninh được giữ vững, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận
Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra, Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu giúp Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo hệ thống chính trị đẩy mạnh, tăng cường công tác dân vận, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Theo đó, tiếp tục phối hợp với các ban, ngành và lực lượng vũ trang quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; phát huy và nâng cao vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác vận động quần chúng nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.
Tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đấu tranh, tố giác tội phạm, chống xâm nhập, vượt biên, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương; phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo và chính sách hậu phương quân đội.
Tham mưu cấp ủy, chính quyền nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp xúc, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tập trung xử lý kịp thời và dứt điểm các vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, các vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.