Đồng chủ trì hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Tố Hải-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của tỉnh. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút-Phó Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành.
Hội nghị được kết nối đến tất cả điểm cầu cấp huyện, xã với sự tham dự của Thường trực các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy và Đảng ủy các xã, phường, thị trấn; các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở của huyện, thị xã, thành phố và các xã, phường, thị trấn; đại diện các phòng, ban chuyên môn cấp huyện và cán bộ, công chức phụ trách công tác dân vận cấp xã.
Toàn tỉnh có 564 mô hình “Dân vận khéo”
Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thái Bình nêu rõ: 6 tháng đầu năm, các cấp ủy tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận. Nội dung, phương thức công tác dân vận có nhiều đổi mới, triển khai có trọng tâm, trọng điểm gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp được chú trọng, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Phương Dung |
Các đơn vị lực lượng vũ trang tăng cường công tác tuyên truyền, bám địa bàn, tham mưu xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp nảy sinh. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và hội quần chúng tập trung hướng về cơ sở, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Qua đó, nhiều mô hình, điển hình được nhân rộng, lan tỏa trong xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 139 nông hội với 4.117 thành viên; xây dựng 564 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực.
Đặc biệt, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào theo tôn giáo luôn được các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các chức sắc, tín đồ tôn giáo luôn phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền địa phương, chủ động phối hợp vận động tín đồ tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh trật tự, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới.
Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở các cấp hoạt động ngày càng nền nếp, hiệu quả. Ngay từ đầu năm, ban chỉ đạo các cấp đã xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc cơ sở triển khai thực hiện. Các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với công tác dân vận chính quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo tính công khai, minh bạch; nêu cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ người dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân được duy trì, kịp thời giải quyết nhiều vấn đề đặt ra ở địa phương, cơ sở, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động. Các cơ quan, đơn vị, địa phương duy trì và thực hiện có hiệu quả việc tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, ý kiến kiến nghị của người dân. Nhờ đó, tình trạng bức xúc khiếu kiện đông người, kéo dài, vượt cấp giảm rõ rệt. Cụ thể, toàn tỉnh đã tiếp 1.202 lượt công dân đến phản ánh, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị (giảm 108 lượt công dân so với cùng kỳ năm 2022); đã xác minh, giải quyết xong 33/37 vụ khiếu nại, tố cáo, còn 4 vụ đang xác minh.
Thực hiện QCDC ở cơ sở đảm bảo đồng bộ, thực chất
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chỉ rõ những hạn chế trong công tác dân vận và thực hiện QCDC ở cơ sở. Đó là việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại của người dân còn chậm, chưa dứt điểm; một số địa phương, đơn vị giải quyết hồ sơ của người dân, doanh nghiệp còn chưa đúng hạn; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nạn tự tử còn xảy ra; một số doanh nghiệp còn nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và một số quyền lợi khác đối với người lao động...
Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, tăng cường công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào theo tôn giáo, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đak Đoa Lưu Thị Kim Liên đề xuất: Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, trong đó chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội vào công tác tuyên truyền. Xác định rõ công tác dân vận không phải làm theo đợt vận động, khi có việc mới làm, mà phải làm thường xuyên, hàng ngày, chủ động. Cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” vào thực tế, nhất là việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án có liên quan trực tiếp đến người dân.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy. Ảnh: Phương Dung |
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thị Tố Hải đề nghị Ban Dân vận các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân; thường xuyên theo dõi, đôn đốc thực hiện các văn bản của Ban Dân vận Tỉnh ủy; triển khai và tham mưu cho cấp ủy sơ, tổng kết kịp thời, đảm bảo hiệu quả. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy tăng cường công tác kiểm tra về hiệu quả hoạt động của các mô hình nông hội; xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” tại cơ sở.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung nhấn mạnh: Công tác dân vận là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Do đó, cấp ủy các cấp cần nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm về công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức Đảng. Các cấp, các ngành tiếp tục rà soát, đánh giá, kịp thời có những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những mặt còn hạn chế, tồn tại; phát huy vai trò công tác dân vận trong tham gia xây dựng xã nông thôn mới, làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số và tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc, nảy sinh ở cơ sở. Tăng cường đối thoại, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với thực hiện QCDC ở cơ sở.
Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu Ban Dân vận các cấp phối hợp với các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình cơ sở, chủ động tham mưu giải quyết các vấn đề, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Hàng tuần có 4 ngày làm việc ở cơ quan, 1 ngày làm việc ở cơ sở”, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng, điều kiện và thời điểm cụ thể. Thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nhất là tập trung giám sát việc thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư về giám sát MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở một cách đồng bộ, đảm bảo thực chất. Ban Dân vận Tỉnh ủy căn cứ Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản có liên quan rà soát, đánh giá các văn bản của cấp ủy và Ban Chỉ đạo tỉnh để kịp thời tham mưu chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn các địa phương, đơn vị, ban chỉ đạo các cấp triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công, tích cực tham gia ý kiến đối với việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở trong toàn tỉnh.