Công bố Bảng xếp hạng VNR500-Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đây là năm thứ 14 liên tiếp Bảng xếp hạng VNR500 được nghiên cứu và công bố nhằm tôn vinh những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Tôn vinh các doanh nghiệp thuộc top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (Ảnh: Thạch Huê/TTXVN)
Tôn vinh các doanh nghiệp thuộc top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (Ảnh: Thạch Huê/TTXVN)


Ngày 10/11, tại Hà Nội, Vietnam Report phối hợp cùng Báo điện tử VietNamNet công bố Bảng xếp hạng VNR500-Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2020.

Đây là năm thứ 14 liên tiếp Bảng xếp hạng VNR500 được nghiên cứu và công bố nhằm tôn vinh những doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng với Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2020, Vietnam Report cũng công bố Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2020.

Trong số các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2020 phải nhắc tới những doanh nghiệp như: Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư thế giới di động...

Bảng xếp hạng VNR500 năm nay tiếp tục ghi nhận sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong nhóm ngành dịch vụ và công nghiệp, chiếm hơn 97,3% tỷ trọng doanh thu năm 2019, nhóm ngành nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng doanh thu khiêm tốn với 2,7%.

Trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2020, nhìn chung các ngành hàng đều có sự tăng trưởng doanh thu với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của toàn bộ khối doanh nghiệp đạt 12,52%; trong đó, có nhiều ngành đạt mức tăng trưởng doanh thu hai con số, cao vượt trội so với mức trung bình của toàn bộ khối doanh nghiệp như ngành cơ khí, ngành xây dựng-vật liệu xây dựng-bất động sản, ngành tài chính, ngành vận tải-logistics, ngành viễn thông-tin học-công nghệ thông tin.

Một số ngành hàng chính vẫn tiếp tục giữ vững được vị thế trong Bảng xếp hạng, nhiều ngành có tiềm năng tăng trưởng và tỷ trọng doanh thu lớn.

Xét về các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR500 năm nay đều có sự chuyển biến tích cực so với Bảng xếp hạng năm 2019.

Cụ thể, hiệu suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân của các doanh nghiệp VNR500 đạt 5,73%, chỉ số này đã cải thiện đáng kể so với mức 2,78% trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019. Hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân đạt 16,24% - tăng thêm 2,44% so với Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019.

Ngoài ra, chỉ số hiệu suất sinh lời trên doanh thu (ROS) cũng tăng từ 6,32% trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2019 lên mức 6,58% trong năm 2020.

Điểm đáng chú ý là trong các chỉ số trên, ngành thực phẩm-đồ uống đứng đầu về hiệu quả sử dụng tài sản và vốn chủ sở hữu (đạt ROA và ROE cao nhất, tương ứng đạt 10,43% và 21,97%). Mặt khác, trong Bảng xếp hạng VNR500 năm nay, ngành tài chính vẫn giữ vị thế dẫn đầu về chỉ số ROS, đạt 13,01% (năm 2019 đạt 9,28%).

Lễ công bố và tôn vinh chính thức Bảng xếp hạng VNR500 năm 2020 dự kiến được tổ chức vào ngày 8 tháng 1 năm 2021 tại thành phố Hà Nội.

Theo Trần Thị Ngọc Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.