Có phải khắp 5 châu đều cuồng nhiệt với trái bóng World Cup?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nước Đức vẫn tưng bừng dù đội tuyển phải xách vali rời Nga, người Hàn Quốc rầm rộ cổ vũ với niềm tự hào đội tuyển "là một phần tất yếu của World Cup".

Đã gần nửa tháng "ăn bóng đá, ngủ bóng đá", cùng xem người Việt tại nhiều quốc gia chia sẻ về không khí bóng đá, và chờ đón những trận cầu hấp dẫn trong vòng loại trực tiếp của World Cup 2018.

 

Người Hàn Quốc tập trung ở fanzone trung tâm Seoul chuẩn bị theo dõi trận đấu đội nhà biến đương kim vô địch Đức thành cựu vô địch ngày 27-6
Người Hàn Quốc tập trung ở fanzone trung tâm Seoul chuẩn bị theo dõi trận đấu đội nhà biến đương kim vô địch Đức thành cựu vô địch ngày 27-6



Seoul (Hàn Quốc): Fanzone bùng nổ và rực rỡ

Gia đình anh Ngô Quang Huy sang Seoul công tác đã hơn 2 năm. World Cup này, anh không xem nhiều, vì giờ đá thường vào rạng sáng tại Hàn Quốc, dễ ảnh hưởng đến chất lượng công việc hôm sau. Tuy nhiên vào những hôm cuối tuần, anh thường đi xem cùng với một số người bạn Hàn Quốc.

"Người Hàn Quốc rất quan tâm đến World Cup 2018, dù đa số mê bóng chày hơn bóng đá. Từ bà chủ quán thịt nướng cho đến ông taxi đều mong ngóng Ki Ki Sung Yueng (16) với Son Heung Min (7) thi đấu bùng nổ, để khẳng định Hàn Quốc đã là một phần tất yếu của World Cup.

Họ đều tin các cầu thủ trên đã đạt đến đẳng cấp thế giới. Còn anh thủ môn thực sự đã là Idol của các bạn trẻ", anh Huy chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sau khi phải lái xe đi vòng qua quảng trường Trung tâm để về nhà, do mọi người tập trung ăn mừng khi trận đấu giữa Hàn Quốc và Đức kết thúc.

Munich (Đức): Không khí World Cup rầm rộ

Vốn không phải fan bóng đá, nhưng từ khi sang Đức sống, được ảnh hưởng từ chồng và hàng xóm, đồng nghiệp, chị Emily Nga trở thành một fan của tuyển Đức và… U23 Việt Nam.

Chị Nga kể, ở nơi chị sống, không khí bóng đá rất rầm rộ, từ quảng cáo trên truyền hình, báo, internet… Nhà hàng nào cũng đặt TV có khách xem. Cờ Đức rực rỡ khắp nơi. Từ trẻ con đến người già, ai ai cũng quan tâm, nhắc đến từ World Cup hoặc Weltmeister.

Sau khi Đức bị loại vì không qua được vòng bảng, không khí vẫn rộn ràng, chỉ khi nói chuyện riêng với người Đức, họ mới thể hiện sự tiếc nuối. Bản thân chị Nga cũng khá thất vọng về 3 trận đấu của Đức mùa này, nhất là trận thua Hàn Quốc.

"Cả ngày hôm sau, nghĩ tới tôi vẫn thấy buồn và xót xa. Là người Việt mà đã buồn như vậy, không biết những người trong cuộc và người dân Đức còn cảm thấy thế nào", chị Nga chia sẻ.

Paris (Pháp): không tổ chức fanzone vì sợ khủng bố


 

 



Anh Hoàng Năng Thắng sống tại Paris, là fan của đội tuyển Pháp. Anh cho biết, các trận đấu World Cup thường rơi vào khoảng 14h, 17h, 20h giờ địa phương. Người đi làm mê bóng đá tranh thủ coi lén ở công ty, tối phải chạy tàu metro rất nhanh về mới kịp xem trận 20h. Anh hay "xem cố", nên nhiều hôm đón con muộn ở nhà trẻ.

Ở Pháp, khán giả muốn coi đầy đủ các trận thì phải trả tiền cho các kênh truyền hình, chứ không được miễn phí như ở Việt Nam. Không khí ngoài đường năm nay có vẻ không sôi động như các kỳ World Cup khác, do các trận đều vào buổi chiều giờ làm việc, tình hình kinh tế xã hội Pháp đang ảm đạm.

Đây cũng đang làm đợt đình công lớn nhất từ trước tới nay của giới công đoàn Đường sắt và Hàng không pháp phản đối luật lao động.

Chính phủ Pháp cấm tổ chức các khu vực fanzone đông người, do tình trạng báo động khủng bố vẫn ở mức cao. "Mong Pháp vào sâu để có không khí hơn chút nữa", anh Thắng hi vọng.

Còn chị Juliette Phan nhận xét, World Cup năm nay không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và giờ làm việc. Chị lý giải, người Pháp không muốn thương mại hóa các hoạt động thể thao, trừ chút chút thay đổi trong thói quen sinh hoạt gia đình vì các trận đấu thường rơi vào… giờ ăn cơm tối. Chồng con chị "phá lệ" vừa ăn vừa xem, còn bình thường gia đình chị không mở TV khi ăn cơm.

Philadelphia (Mỹ): Việt kiều tranh thủ xem ngoài giờ

Chị Đoàn Minh Huệ (cựu phóng viên VTV) cho biết, chị cổ vũ Argentina qua một kênh truyền hình phát bằng tiếng Tây Ban Nha. Cộng đồng Việt kiều ở đây thích xem bóng đá hơn người gốc Mỹ , tuy nhiên chỉ tranh thủ xem các trận ngoài giờ làm việc. Đọc báo online về các trận đấu cũng được nhiều người lựa chọn.

"Một bộ phận dân Mỹ trẻ bắt đầu quan tâm đến bóng đá. Môn này cũng được đưa vào dạy trong trường, nhưng chắc còn lâu nữa bóng đá và World Cup mới trở thành sự kiện thể thao số 1 ở Mỹ như ở Việt Nam, châu Âu và Nam Mỹ".

Chị Huệ cũng cho biết, quanh chị mọi người chưa bàn tán gì về việc Mỹ được chọn là đồng quốc gia chủ nhà World Cup 2026.

Vancouver (Canada): Rất ít tin tức về World Cup

Chị Nguyễn Thái Thanh là fan đội Đức, nhưng năm nay rất ít theo dõi, vì World Cup 2018 trùng giờ đi làm tại Canada. "Năm nay đội tuyển Canada không có mặt ở World Cup (thực ra họ chỉ được góp mặt một lần năm 1986), nên xung quanh chỗ chị sống và làm việc, không ai bàn tán gì.

"Tờ báo quốc dân của Canada là cbc.ca chỉ có một góc tin rất nhỏ về World Cup ở gần dưới cùng, so với mật độ tin tức trên Tuổi Trẻ Online thì kém xa", chị Thanh so sánh vui.

Người Việt ở Canberra (Úc): Xin sếp vào làm muộn cả tháng

Anh Vũ Long Thành là fan của các đội Đức và Úc, nhưng "hai đội có vẻ không hợp với đồ ăn của Nga, nên quyết định về sớm rồi". Tuy vậy, anh vẫn theo dõi các trận còn lại. Do múi giờ Úc lệch khá nhiều so với Nga, dự kiến ngày nào cũng xem bóng đá đến 2-3h sáng, anh đã báo sếp trước, xin vào làm muộn nguyên tháng.

Ở Úc, bóng đá không phải môn thể thao vua, nhưng là quốc gia đa sắc tộc nên ngoài ủng hộ Úc, họ cổ vũ thêm đội của quốc gia mình. Không khí nhờ vậy tuy không quá sôi động nhưng vẫn phong phú và đầy màu sắc.

Văn phòng anh Thành còn tổ chức một hoạt động vui, 32 người mỗi người chọn một đội, tùy vào số trận thắng mà nhận thưởng. Ngoài ra có cá cược mỗi trận cá vui vẻ, chừng 5 - 10 đô la Úc để mọi người thêm hào hứng với giải bóng đá lớn nhất hành tinh.

Thùy Mai (TTO)

Có thể bạn quan tâm