(GLO)- Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm nông-lâm-thủy sản và sản phẩm phi nông nghiệp đặc trưng của địa phương là một trong những giải pháp quan trọng trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Đa dạng sản phẩm
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được hiểu là mỗi làng, xã tùy theo điều kiện và lợi thế của địa phương lựa chọn những sản phẩm đặc trưng để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức 2 lớp tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, công chức cấp huyện và các xã xây dựng đề án OCOP trong giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo.
|
Trà là một trong 46 sản phẩm chủ lực của tỉnh. Ảnh: B.T |
Song song với tập huấn, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập 3 đoàn thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ xây dựng đề án OCOP. Qua khảo sát sơ bộ của các đoàn, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 46 sản phẩm ở 6 nhóm chủ lực gồm: thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; đồ lưu niệm; dịch vụ du lịch nông thôn. Hầu hết các sản phẩm này đều có địa chỉ và nguồn gốc rõ ràng. Đặc biệt, nhiều sản phẩm đã có thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, như: rau, củ, quả VietGAP, bò một nắng, hồ tiêu, rượu ghè, các loại thảo dược, thổ cẩm, các mặt hàng lưu niệm, đồ gỗ mỹ nghệ, ẩm thực du lịch nông thôn… Đây là những sản phẩm đặc trưng do người dân ở khu vực nông thôn sản xuất và đưa ra thị trường từ nhiều năm nay.
Nâng tầm sản phẩm đặc trưng
Rau, củ, quả VietGAP, cơm lam gà nướng (TP. Pleiku), măng khô, mật nhân, sâm cau (huyện Kbang), bò khô (huyện Đak Đoa), nấm linh chi (huyện Chư Pah), đồ gỗ mỹ nghệ… là các sản phẩm đã tạo dựng được thương hiệu. Người dân nông thôn đang hy vọng OCOP sẽ mở ra triển vọng xây dựng và phát triển những sản phẩm đặc trưng này để cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Mới đây, Chi cục PTNT đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh phê duyệt đề án chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. |
Để OCOP đạt kết quả, bên cạnh việc đào tạo kiến thức chuyên môn quản lý, sản xuất kinh doanh cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia chương trình, hàng năm, tỉnh ta sẽ xây dựng quy trình triển khai nhằm phát triển 24 sản phẩm nông-lâm-thủy sản, dược liệu; 17 sản phẩm phi nông nghiệp đặc trưng có lợi thế so sánh gắn với 5 sản phẩm du lịch. Các sản phẩm tạo ra phải đảm bảo đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu. Trong đó, giai đoạn 2018-2020, mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 1-2 sản phẩm/năm được hỗ trợ thực hiện theo OCOP, đồng thời lựa chọn 5-10 sản phẩm cấp huyện để tập trung đầu tư đạt tiêu chí sản phẩm cấp tỉnh. Trong giai đoạn tiếp theo, các sản phẩm được lựa chọn sẽ tăng thêm.
Trao đổi với P.V, ông Văn Phú Bộ-Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh-cho biết: “OCOP là chương trình kinh tế lớn, vì vậy, cần lựa chọn những sản phẩm đặc trưng để đầu tư phát triển theo đúng quy luật thị trường. Trong đó, người dân là nhân tố chính, sáng tạo những ý tưởng để nâng tầm chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh, từ đó nâng cao thu nhập; Nhà nước chỉ hỗ trợ về tập huấn, hướng dẫn xây dựng xuất xứ nguồn gốc sản phẩm, xúc tiến thương mại…”.
Như vậy, OCOP là cơ hội để các xã trên địa bàn tỉnh giới thiệu, quảng bá, nâng tầm những sản phẩm thế mạnh của địa phương mình. Đây cũng là cơ hội lớn để phát triển các tổ chức sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng lợi ích cộng đồng…
Bảo Trang