Cơ hội giao lưu, giáo dục di sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù những cuộc hội tụ bản sắc liên tục diễn ra nhưng chưa khi nào người dân và du khách thôi ngạc nhiên về những giá trị văn hóa mà vùng đất Gia Lai dung chứa. Con số 24 ngàn lượt khách tham gia trải nghiệm “Ngày hội di sản văn hóa năm 2023” do Bảo tàng tỉnh tổ chức thêm một lần nữa khẳng định chỗ đứng của di sản văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân.

Gặp mọi miền giữa cao nguyên

Với mục tiêu bảo tồn, quảng bá và phát huy di sản văn hóa của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và của đất nước nói chung, từ ngày 20 đến 22-10, “Ngày hội di sản văn hóa năm 2023” mang đến không chỉ cho người dân mà cả nghệ nhân và du khách sự thích thú khi được gặp gỡ, giao lưu với nhiều vùng văn hóa đa dạng của cả nước.

Tại sân khấu trình diễn bố trí dưới những tán cây xanh mát, ngoài thưởng thức diễn tấu cồng chiêng độc đáo của dân tộc Jrai bản địa, người dân và du khách còn được thưởng thức tiết mục đờn ca tài tử Nam Bộ; xem trình diễn các loại hình rối nước, rối cạn, rối điện của Nhà hát Múa rối cố đô Huế; xem cách múa khèn, thổi sáo của người Hmông; múa xòe của người Mường; hát then, đàn tính của đồng bào Tày, Nùng… Nghệ nhân Đinh Thị Kiều (thôn Pắc Bó, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông), thành viên Câu lạc bộ Then tính Bằng Lăng rất hào hứng khi giúp khách tham quan mặc thử trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Tày cũng như hướng dẫn cách biểu diễn đàn tính. Bà Kiều trải lòng: “Tôi tham gia các hoạt động như thế này nhiều lần rồi, nhưng lần nào cũng thấy rất vui”.

Du khách trải nghiệm cách thổi khèn Hmông tại Ngày hội. Ảnh: Phương Duyên

Du khách trải nghiệm cách thổi khèn Hmông tại Ngày hội. Ảnh: Phương Duyên

Tại khu vực được bố trí riêng cho từng đoàn nghệ nhân, du khách cũng được tạo cơ hội để trải nghiệm nghề đan lát, dệt thổ cẩm và ẩm thực. Anh Rmah Kuba-thành viên đoàn nghệ nhân thị trấn Chư Sê-cho hay: “Đoàn tham gia trình diễn hát dân ca, dân vũ, phục dựng lễ bỏ mả của người Jrai, giới thiệu ẩm thực truyền thống. Du khách rất thích thú khi được trải nghiệm các hoạt động văn hóa cùng với đoàn, được tìm hiểu cách chế biến các món ăn ngay tại chỗ và thưởng thức cơm lam, gà nướng, cà đắng xào, măng giã cua gác bếp, cà nướng lá é, các loại muối truyền thống… Ai cũng khen tấm tắc. Chúng tôi thấy thật tự hào vì văn hóa của dân tộc mình được đón nhận”.

Lần đầu nhận lời tham gia một hoạt động văn hóa tại Gia Lai, các thành viên nhóm Tài tử Bông Sen Vàng (TP. Hồ Chí Minh) không khỏi xúc động trước sự tán thưởng của khán giả khi biểu diễn những tiết mục đặc sắc: Non sông thanh bình, Vang khúc ca xuân, Tìm đường cứu nước cứu dân, Bông bồn bồn, Âm vang vọng cổ… Anh Nguyễn Văn Thi-Trưởng nhóm-chia sẻ: “Đến với Gia Lai lần này, chúng tôi mong muốn giới thiệu đến bà con nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Ngược lại, chúng tôi cũng lần đầu tiên được xem diễn tấu cồng chiêng; đặc biệt là ngay tại Tây Nguyên được ăn những món của rừng núi Tây Bắc như mèn mén, thắng cố… Trước giờ, chúng tôi chỉ toàn biết đến những điều lý thú này qua internet thôi”.

Ngày hội mang đến những trải nghiệm văn hóa đáng quý với những người tham gia. Ảnh: Phương Duyên

Ngày hội mang đến những trải nghiệm văn hóa đáng quý với những người tham gia. Ảnh: Phương Duyên

Những bãi cỏ xanh non trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh trở thành nơi tổ chức nhiều gian hàng đầy sức hút nhờ nét mộc mạc với mái tranh, liếp tre. Đó là gian hàng thời bao cấp, gian trưng bày nhạc cụ truyền thống của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih, khu vực nặn tò he, trà đạo, thư pháp… Cùng với sự sôi động của ngày hội, 3 triển lãm được tổ chức gồm: “Không gian di sản văn hóa TP. Hồ Chí Minh”, triển lãm mỹ thuật “Về miền đất đỏ” và triển lãm tem của Hội Tem tỉnh Gia Lai góp phần bổ sung thêm nội dung và ý nghĩa của sự kiện. Tất cả mang đến trải nghiệm khó quên cho người dân, du khách và nghệ nhân về những mảng màu văn hóa đan xen.

Cơ hội giáo dục di sản

Không chỉ là chương trình hấp dẫn trong chuỗi hoạt động văn hóa-du lịch tại Gia Lai thời điểm cuối năm, “Ngày hội di sản văn hóa năm 2023” còn là cơ hội để giáo dục di sản. Đón một lượng lớn các đoàn học sinh đến từ 24 đơn vị trường học trong tỉnh đến tham quan và trải nghiệm, chương trình đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu đề ra trong “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” của Chính phủ. Đó là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục di sản văn hóa trong và ngoài nhà trường bằng việc đa dạng hóa mô hình, phương thức, quy mô; tăng cường xã hội hóa hoạt động giáo dục di sản.

Học sinh hào hứng trải nghiệm đi cầu khỉ tại Ngày hội. Ảnh: P.D

Học sinh hào hứng trải nghiệm đi cầu khỉ tại Ngày hội. Ảnh: P.D

Vừa hoàn thành thử thách vượt cầu khỉ, em Đỗ Hà Văn Nhật (lớp 8/3, Trường THCS Nguyễn Viết Xuân, TP. Pleiku) phấn chấn cho hay: “Em thấy ngày hội rất vui và sôi động, có nhiều trò chơi dân gian như đi cầu khỉ, ném vòng cổ vịt. Em còn được xem rối nước, cồng chiêng, nhảy sạp. Đây là cơ hội trải nghiệm lý thú, bổ trợ kiến thức từ thực tế để học tốt hơn môn Giáo dục địa phương”.

Ban Giám hiệu Trường THPT Pleiku cũng tích cực quảng bá để học sinh đến tìm hiểu, học hỏi. Cô Nguyễn Thị Đông Hải-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Gần 1.000 học sinh của trường đã đến với chương trình. Có thể nói, chương trình là sân chơi bổ ích, mang đến trải nghiệm thực tế phong phú, giúp các em nhận thức rõ hơn về giá trị của các di sản văn hóa để tôn vinh, gìn giữ”.

Với nhiều hoạt động ý nghĩa, ngày hội còn thu hút một nhóm khách tham quan rất đặc biệt đến từ Cơ sở giáo dục trẻ khuyết tật Kim Yến Cao Nguyên (hẻm 106 Lý Thường Kiệt, thôn 5, xã Trà Đa, TP. Pleiku). Đưa các em học sinh khiếm thính đến ngắm tranh tại triển lãm mỹ thuật “Về miền đất đỏ” của các nữ họa sĩ Gia Lai, cô giáo Ngô Từ Vy (cũng là một người khiếm thính) chia sẻ suy nghĩ bằng ngôn ngữ ký hiệu: “Tôi dẫn các em đến đây để học hỏi, giúp các em nhận biết các thể loại tranh với nhiều chất liệu khác nhau. Hy vọng quá trình học vẽ sau này của các em sẽ thêm phần tiến bộ, sáng tạo”.

Tại ngày hội, trò chơi dân gian nhảy sạp thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách. Ảnh: P.D

Tại ngày hội, trò chơi dân gian nhảy sạp thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách. Ảnh: P.D

Ông Lê Thanh Tuấn-Giám đốc Bảo tàng tỉnh: “Ngày hội di sản văn hóa là hoạt động thiết thực giúp nhận thức rõ hơn về ý nghĩa, giá trị của di sản văn hóa Việt Nam, từ đó có ý thức kế thừa, bảo tồn và phát huy. Chương trình được xây dựng theo hướng đổi mới, đa dạng và phong phú, kết hợp hoạt động trình diễn và trải nghiệm các hình thức nghệ thuật, trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực... các dân tộc nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của Nhân dân, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh về vùng đất và con người Gia Lai”.

Với 2 cô gái trẻ La Thị Thu Hà và Lý Thị Canh Thiên (làng Mông, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ), triển lãm tem giúp họ mở mang nhiều kiến thức. Ngắm 40 khung tem được trưng bày, nổi bật là chủ đề về các di sản văn hóa Việt Nam, các em lần đầu mới biết các di sản đã từng xuất hiện trên tem bưu chính như: vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang, di tích Mỹ Sơn, Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đờn ca tài tử Nam Bộ... Hà thổ lộ: “Xem triển lãm, em càng tự hào về vùng đất mình đang sống, tự hào về giá trị văn hóa của địa phương và đất nước giàu đẹp của mình”.

Nhiều phụ huynh cũng dành thời gian cuối tuần đưa con trẻ đến với ngày hội. Anh Hoàng Vĩnh Thuận (Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Meur, huyện Chư Prông) bày tỏ: “Trẻ con bây giờ ngoài việc học thì thời gian trải nghiệm văn hóa là rất hạn hẹp, hầu như chỉ qua ti vi, sách báo. Vì thế, tôi đưa 2 con ra đây để các con có nhận thức đầy đủ hơn về văn hóa Việt. Đúng là sách vở không bao giờ bằng thực tế. Tôi mong những hoạt động như thế này diễn ra thường xuyên hơn nữa”.

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.