Cô giáo tâm huyết với giáo dục vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gương mẫu, trách nhiệm, tâm huyết và sáng tạo trong công việc là nhận xét của nhiều người dành cho cô Phạm Thị Ánh Ngọc-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Đê Ar (xã Đê Ar, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). 23 năm công tác trong ngành, trong đó có hơn 21 năm giữ vai trò “thủ lĩnh”, cô Ngọc đã góp phần điểm tô cho bức tranh giáo dục vùng khó những gam màu tươi sáng.

Cách trung tâm huyện Mang Yang khoảng 40 km, Trường Mẫu giáo Đê Ar có 1 điểm trung tâm và 6 điểm trường lẻ. Cơ sở vật chất của trường tương đối khang trang, có đủ phòng phục vụ học tập, thiết bị dạy học, sân chơi, đồ chơi ngoài trời và có nhà bếp phục vụ học sinh bán trú. Năm học này, toàn trường có 9 lớp với 345 trẻ (99% học sinh người Bahnar). Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt 93% (cao nhất trong số các trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện); tỷ lệ duy trì sĩ số luôn đạt 95-100%.

 Cô Phạm Thị Ánh Ngọc và các bé Trường Mẫu giáo Đê Ar (huyện Mang Yang). Ảnh: Mộc Trà
Cô Phạm Thị Ánh Ngọc và các bé Trường Mẫu giáo Đê Ar (huyện Mang Yang). Ảnh: Mộc Trà



Năm 2020, Trường Mẫu giáo Đê Ar được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Nhiều năm qua, đơn vị cũng là điểm sáng của ngành Giáo dục về nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ ở vùng khó, nhất là công tác xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn và tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Thế nhưng, ít ai biết rằng, cách đây 6 năm, ngôi trường này từng xếp vị trí gần như cuối bảng bậc học mầm non ở Mang Yang về nhiều mặt. Và chính cô Phạm Thị Ánh Ngọc đã đưa ra những đổi mới, sáng tạo để cùng tập thể sư phạm nhà trường chèo lái con thuyền lội ngược dòng với những thành tích đáng khích lệ.

Năm 1998, cô Ngọc tốt nghiệp ngành Giáo dục Mầm non tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Một năm sau đó, cô trúng tuyển viên chức và được phân công về giảng dạy tại xã Lơ Pang, huyện Mang Yang. “Thời gian đầu, thử thách lớn nhất mà tôi phải đối mặt là sự bất đồng ngôn ngữ. Để tháo gỡ vướng mắc đó, tôi quyết định xin đến tá túc tại nhà dân “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” như một thành viên trong gia đình để học tiếng Bahnar. Sau 2 năm, khả năng giao tiếp bằng tiếng Bahnar của tôi đã được cải thiện đáng kể. Không những thế, tôi còn tạo được lòng tin của người dân địa phương trong việc đưa con đến trường học chữ”-cô Ngọc nhớ lại.

Tháng 8-2001, Trường Mẫu giáo Lơ Pang thành lập, cô Ngọc được cấp trên tín nhiệm giao giữ chức Hiệu trưởng. Sau 12 năm công tác, năm 2013, cô chuyển về Trường Mẫu giáo Đak Djrăng và đến năm 2016 thì trở thành “đầu tàu” của Trường Mẫu giáo Đê Ar cho đến nay. Từ những kiến thức và kinh nghiệm có được, cô Ngọc đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong suốt hơn 20 năm công tác, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục mầm non vùng khó không ngừng phát triển.

 Hơn 21 năm giữ vai trò “thủ lĩnh”, cô Ngọc luôn dành nhiều tâm huyết trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non vùng khó. Ảnh: Mộc Trà
Hơn 21 năm giữ vai trò “thủ lĩnh”, cô Ngọc luôn dành nhiều tâm huyết trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mầm non vùng khó. Ảnh: Mộc Trà



Có lẽ thành công lớn nhất của cô Ngọc chính là cùng tập thể sư phạm nhà trường giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về sự quan trọng của việc học. Riêng ở Đê Ar, từ năm 2019 đến nay, phụ huynh đã biết tìm tới trường xin cho con nhập học, điều mà trước kia chưa từng có; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp hàng năm luôn đạt cao (trẻ 5 tuổi đạt 100%, trẻ 4 tuổi đạt 93,18% và 3 tuổi là 48,38%); tỷ lệ trẻ học chuyên cần trên 98%. Tất cả các lớp đều học 2 buổi/ngày; trong đó, 70% trẻ được ăn bán trú do nhà trường tổ chức, 30% trẻ ăn trưa tại lớp do cha mẹ mang cơm đến. Ngoài ra, cô Ngọc cũng tranh thủ được nguồn lực từ các cấp, ngành cũng như vận động từ nhiều nơi để đầu tư xây dựng bổ sung cơ sở vật chất, sân chơi, mua sắm thêm đồ dùng, đồ chơi; từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Trung bình mỗi năm học, các Mạnh Thường Quân hỗ trợ nhu yếu phẩm, đồ dùng thiết yếu, quần áo, đồ chơi ngoài trời… cho trẻ với tổng giá trị từ 100 đến 300 triệu đồng.

Dưới sự quản lý, điều hành của người hiệu trưởng tâm huyết, các giáo viên trong trường đã không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy; tích cực làm đồ dùng, đồ chơi và triển khai bài giảng điện tử qua màn hình vi tính, ti vi… giúp trẻ hứng thú, tham gia tích cực vào các hoạt động. Cô Mạc Thị Thu Nhung-giáo viên tại điểm trường làng Ar Tơmăn-cho hay: “Tôi đã công tác tại trường 11 năm và có 6 năm gắn bó với cô Ngọc. Trong quá trình làm việc, tôi đã học hỏi từ cô Ngọc rất nhiều điều, nhất là cách sáng tạo trong xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ, tình cảm xã hội”.

 

Với những đóng góp của mình, cô Ngọc được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020; Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước từ năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2020 và có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” năm học 2021-2022.

Còn anh Trưk (làng Ar Btôk, xã Đê Ar) thì chia sẻ: “Con gái tôi đang theo học tại Trường Mẫu giáo Đê Ar. So với những năm trước, cảnh quan trường bây giờ khang trang, sạch đẹp hơn nhiều. Các cô giáo chăm sóc, dạy dỗ học sinh rất tận tâm. Riêng cô Ngọc rất gần gũi, thân thiện. Mỗi lúc chúng tôi đưa đón con, cô thường dành thời gian đến trò chuyện và trao đổi tình hình để cùng nhà trường chăm sóc, giáo dục con em tốt nhất. Chúng tôi rất tin tưởng khi cho con theo học tại trường”.

Trăn trở hiện tại của cô Ngọc là trường vẫn còn 6 lớp ghép 3 độ tuổi ở các điểm làng, dẫn đến chất lượng dạy và học chưa đạt như mong muốn. “Trường có 12 giáo viên, trong đó có 2 hợp đồng. So với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường còn thiếu 9 giáo viên. Trong khi hàng năm, số trẻ trong độ tuổi được huy động ra lớp khá cao, có lớp lên tới 49 học sinh. Vì thế, nhà trường mong muốn cấp trên quan tâm bổ sung thêm giáo viên để có thể tách lớp nhằm chăm sóc, giáo dục phù hợp theo từng độ tuổi”-cô Ngọc đề xuất.

Bà Nguyễn Thị Phương Huệ-Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo) nhận xét: “Về góc độ quản lý chuyên môn, cô Ngọc có cả tâm lẫn tầm, nói ít làm nhiều. Dù công tác ở đâu, cô cũng luôn hết mình với nghề, với trẻ; không ngừng sáng tạo, góp sức xây dựng và phát triển đơn vị, nhất là xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tại những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn”.


 

 HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Bỏ thi thăng hạng giáo viên từ tháng 12

Thay thi bằng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên với những quy định mới; hướng dẫn phương pháp tính giá dịch vụ GD-ĐT là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 12 năm nay.

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

Phát động dự án “Đến trường an toàn” năm học 2024-2025

(GLO)- Sáng 25-11, Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai phối hợp với tổ chức AIP Foundation, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phát động dự án “Đến trường an toàn”, năm học 2024-2025 tại các Trường Tiểu học: Phan Chu Trinh, Lê Lợi và Nguyễn Trãi (huyện Phú Thiện).