Cô gái Jrai với tình yêu t'rưng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại thị xã Ayun Pa và huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai), người xem đều bị lôi cuốn bởi tiếng đàn t'rưng trong trẻo của cô gái dân tộc Jrai nhỏ nhắn với nụ cười tươi Rmah H’Thu (SN 2002, thôn Plơi Apa Ơi H'Trông, xã Chư Mố, huyện Ia Pa). Cháy hết mình trên sân khấu, H’Thu đã khơi dậy đam mê âm nhạc dân tộc cho nhiều bạn trẻ.
Qua bàn tay khéo léo, điêu luyện của mình, Rmah H’Thu đã biến những giai điệu mộc mạc trở nên mới mẻ, đắm say. Ảnh: V.C

Qua bàn tay khéo léo, điêu luyện của mình, Rmah H’Thu đã biến những giai điệu mộc mạc trở nên mới mẻ, đắm say. Ảnh: V.C

Ngay từ nhỏ, H’Thu đã có cơ hội theo ba tham gia các lễ hội của buôn làng, được nghe các nghệ nhân biểu diễn âm nhạc truyền thống. Giai điệu, âm thanh từ chiếc đàn t'rưng lúc êm dịu, nhẹ nhàng, lúc rộn ràng, vang xa cuốn hút biết bao chàng trai, cô gái Jrai, trong đó có H’Thu. Vậy nên, H’Thu luôn mơ ước một ngày nào đó được đứng trên sân khấu, biểu diễn với cây đàn t'rưng trong sự tán dương của mọi người.

Hiểu được nguyện vọng của con gái nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi H’Thu bước vào lớp 6, gia đình quyết định gửi em vào Giáo xứ Phú Bổn nhờ các xơ nuôi dưỡng để có điều kiện học tập tốt hơn. Đây cũng là khoảng thời gian khó khăn với H’Thu, nhưng nhờ đó, em rèn được tính tự lập từ sớm. Mỗi tháng 1 lần, H’Thu tự đạp xe về thăm nhà. Khi nghe H’Thu chia sẻ về dự định theo con đường nghệ thuật, mẹ em đã phản đối gay gắt bởi với bà, đó là điều viển vông, mơ hồ, không thích hợp với một cô gái con nhà nghèo. Nhưng thật may mắn, H’Thu nhận được sự hậu thuẫn từ cha và sự cổ vũ của các xơ. Sau đó, em đã thuyết phục được mẹ cho mình theo học tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai).

3 năm học chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống đàn trưng tại trường, có thời điểm, H’Thu muốn bỏ cuộc bởi vấp phải khó khăn khi thiếu tiền đóng học phí và không có đàn riêng để tập luyện. Hiểu được khó khăn của học trò, thầy cô trong trường đã tạo điều kiện cho H’Thu tham gia biểu diễn tại một số nhà hàng truyền thống, homestay trên địa bàn TP. Pleiku, giúp em có thu nhập để trang trải cuộc sống.

H’Thu vẫn nhớ như in lần đầu biểu diễn đã lo sợ đến vã mồ hôi, nhưng sau đó tự tin hoàn thành tiết mục, được khán giả vỗ tay khen ngợi. Dần dần, em hình thành được phong thái tự tin, nhận show nhiều hơn. Thù lao có được không những giúp H’Thu tự lo chi phí học tập mà còn tiết kiệm gửi về phụ giúp ba mẹ. Hạnh phúc nhất là em tự mua được cây đàn t'rưng cho mình, mặc dù đó chỉ là cây đàn cũ được người khác bán lại.

Theo H’Thu, t'rưng là một trong những nhạc cụ có khả năng diễn tấu đa dạng, phong phú. Âm thanh của đàn t'rưng khi êm dịu, nhẹ nhàng lúc rộn ràng, vang xa làm say đắm lòng người. Đàn t'rưng có thể độc tấu cũng có thể kết hợp hòa tấu với nhiều loại nhạc cụ khác tạo nên bản hòa âm vô cùng ấn tượng. Biết đánh t'rưng không khó nhưng để đánh hay thì không phải ai cũng làm được. Chơi t'rưng hay chủ yếu phụ thuộc vào sự linh hoạt của cổ tay. Muốn được như vậy phải tập luyện thường xuyên, phải biểu diễn bằng cả kỹ năng và tâm hồn thì mới thành công.

“Em yêu thích tiếng đàn trưng. Âm thanh của tiếng đàn mộc mạc, tự nhiên như chính con người Tây Nguyên, rộn ràng hơi thở cuộc sống. Em mong ước mình sẽ mang được tiếng đàn t'rưng đến gần hơn với công chúng như một cách giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình”-H’Thu trải lòng.

Cách đây 2 tháng, H’Thu vui mừng nhận bằng tốt nghiệp chuyên ngành Biểu diễn nhạc cụ t'rưng. Cũng từ niềm yêu mến âm nhạc dân tộc, H’Thu còn say mê tập luyện và chơi thành thạo đàn krông pút, cồng chiêng. Bạn bè rủ H’Thu ở lại TP. Pleiku nhận show biểu diễn nhưng em chọn quay trở về với buôn làng, nơi em sinh ra và giúp em nuôi dưỡng ước mơ. H’Thu dạy đàn t'rưng cho các em nhỏ trong giáo xứ vào các ngày trong tuần và dành riêng thứ bảy, chủ nhật về nhà dạy cho các em nhỏ trong làng.

“Trung thu sắp đến, các bạn có nhiều cơ hội biểu diễn nên đều hăng say luyện tập. Góp phần lan tỏa tình yêu nhạc cụ truyền thống đến với mọi người, nhất là các em nhỏ chính là sự tri ân của em với những người đã luôn cổ vũ, động viên em. Kế hoạch của em trong tương lai là sẽ học liên thông lên đại học để có thể nâng cao kỹ năng và có thể tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật”-H’Thu tâm sự.

Được cùng chị H’Thu học đàn trưng mỗi ngày, em Ksor H’Milê (tổ 8, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) hào hứng chia sẻ: “Lúc đầu, em thấy học nhạc cụ dân tộc rất khó. Nhưng nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của chị H’Thu, em đã biết đánh một số bài nhạc đơn giản. Em đang cùng các bạn tập luyện bài “Cảm xúc Tây Nguyên” để biểu diễn trong dịp Trung thu sắp tới. Mọi người ai cũng yêu quý và ngưỡng mộ chị H’Thu”.

Trở về với buôn làng, H’Thu tranh thủ nhận biểu diễn tại một số sự kiện văn hóa. Với tài năng vốn có, với ngón đàn điêu luyện, H’Thu khiến cho giai điệu những ca khúc như: “Suối đàn trưng”, “Cô gái vót chông”, “Cảm xúc Tây Nguyên”, “Bóng cây kơ nia”, “Tây Nguyên chào mặt trời”… trở nên mới mẻ, lôi cuốn, đắm say.

Ông Nguyễn Hùng Linh-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ia Pa-nhìn nhận: Những nhạc cụ của đồng bào Tây Nguyên với âm thanh mộc mạc, gần gũi đã đi vào đời sống và gắn bó với bà con như một báu vật không thể thiếu. Bên cạnh những nghệ nhân gạo cội, văn hóa truyền thống rất cần những người trẻ như H’Thu. Say mê, miệt mài nâng niu tiếng đàn t'rưng, H’Thu đã góp phần khơi dậy tình yêu nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ cũng như chắp cánh cho tiếng đàn t'rưng bay cao, bay xa đến gần hơn với công chúng.

Có thể bạn quan tâm

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

(GLO)- Việc tìm thấy kim loại sắt đã giúp loài người tiến một bước dài trong lịch sử. Cũng vì thế mà người chế tác sắt-thợ rèn được nhiều tộc người trên thế giới tôn vinh. Riêng với người Tây Nguyên, thợ rèn được coi là người sáng thế, người tạo ra con người.
Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

(GLO)- Hàng năm, cứ đến ngày 28-5 âm lịch, dân làng Phú Cần xưa (nay thuộc thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) lại tập trung về ngôi đền thờ tiền hiền của làng để tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có công xây dựng, phát triển làng xã.
Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

(GLO)- Khởi đi từ đời sống, nghệ thuật dân gian chạm vào đời sống và có sức sống bền lâu. Điều đó thêm một lần thể hiện tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc tỉnh Gia Lai năm 2024 qua phần trình diễn của các nghệ sĩ “chân đất”.
Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

(GLO)- Các nghệ nhân ưu tú trong cộng đồng Bahnar, Jrai đã cùng gặp nhau tại phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) để truyền dạy văn hóa phi vật thể cho thế hệ kế cận. Thay đổi không gian thực hành quen thuộc nhưng các nghệ nhân và truyền nhân vẫn đầy đam mê, luôn giữ lửa tình yêu với văn hóa dân tộc.
Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước hay còn gọi là lễ cúng bến hồ là một trong những lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc M’nông huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Hoa tai bạc của người Bahnar

Hoa tai bạc của người Bahnar

(GLO)- Hoa tai bạc hay ngà voi là trang sức đặc trưng của phụ nữ Bahnar ở huyện Kông Chro. Nếu hoa tai ngà voi gần như biến mất cùng với tục căng tai thì hoa tai bạc vẫn tồn tại trong đời sống của người Bahnar như một tiêu chí của cái đẹp, của truyền thống văn hóa.
Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Trước ngày tổ chức lễ cúng sức khỏe, người dân trong buôn cùng nhau góp một ít gạo cho chủ nhà nấu rượu phục vụ lễ cúng. Qua đó, thể hiện sự gắn kết, sẻ chia trong cuộc sống, tình đoàn kết cộng đồng dân tộc.