Chuyện về vợ chồng nghệ nhân tài hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Họ đến với nhau hơn 40 năm trước khi cả hai hội đủ những tiêu chuẩn cơ bản theo truyền thống của người Bahnar: ông giỏi đan lát, bà biết dệt vải. Không dừng lại ở đó, họ thực hành di sản văn hóa cha ông đạt đến trình độ cao về kỹ thuật và nghệ thuật, đồng thời có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc.
Họ chính là vợ chồng nghệ nhân Đinh Bi-Đinh Thị Hiền (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Hai ông bà đều có tên trong danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú ở lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể năm 2021 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch.
Mến nhau vì tài
Ngôi nhà của vợ chồng nghệ nhân Đinh Bi không có gì nổi bật so với những nóc nhà của người Bahnar, nhưng bên trong thì như một bảo tàng văn hóa sống. Bên bếp lửa nồng đượm, nghệ nhân Đinh Bi đang đan một chiếc gùi. Ông thay đổi tư thế liên tục, khi co, khi duỗi chiếc chân đau khiến ông khó đi lại đã hàng chục năm nay. Vợ ông chăm chú xe sợi trên dụng cụ làm bằng gỗ hết sức thô sơ. Hình ảnh bình dị của vợ chồng nghệ nhân già mang đến cảm giác thanh bình giữa chốn núi rừng Đông Trường Sơn.
Nghệ nhân Đinh Bi chia sẻ, người Bahnar vốn tài hoa, khéo tay nên đàn ông thường đan được các vật dụng phục vụ sinh hoạt, từ chiếc giỏ đựng cá đến cái nong, cái nia, rổ, rá, gùi đựng. Vốn yêu thích đan lát lại ham học hỏi, ông không chỉ đan những vật dụng thông thường mà học cách tạo hoa văn truyền thống, trang trí cho vật dụng thêm đẹp mắt, đậm đà tính dân tộc. Ông biết đan lát thành thạo rất sớm nên thời trẻ được nhiều cô gái trong làng để mắt tới. Đến nay đã hơn 40 năm thực hành tri thức dân gian, ông không ngừng sáng tạo và đạt đến trình độ cao về kỹ thuật, nghệ thuật trong nghề.
Vợ chồng nghệ nhân Đinh Bi-Đinh Thị Hiền. Ảnh: Hoàng Ngọc
Vợ chồng nghệ nhân Đinh Bi-Đinh Thị Hiền. Ảnh: Hoàng Ngọc
Bà Trần Thị Bích Ngọc-công chức Văn hóa-Xã hội xã Kông Lơng Khơng: “Các sản phẩm thủ công của vợ chồng nghệ nhân Đinh Bi luôn được chú ý tại các sự kiện văn hóa bởi sự tinh tế, sắc sảo, mang đậm dấu ấn và tinh thần dân tộc Bahnar. Họ nắm giữ cả kho tàng tri thức dân gian và luôn có ý thức truyền dạy cho các thế hệ để nguồn mạch văn hóa không bị mai một. Chúng tôi đã cố gắng xây dựng hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho cả hai, góp phần tôn vinh đóng góp quan trọng của họ cho văn hóa dân tộc”.
Trước đây, ông Đinh Bi đều đặn lên nương, lên rừng tìm mây, tre, lồ ô về làm nguyên liệu đan lát. Sau khi đã phơi khô, chống mối mọt, ông chia nhỏ nguyên liệu chuốt sợi để đan. Nhìn đôi tay tài hoa của nghệ nhân già chi chít những vết cứa cũ mới, càng trân trọng sức lao động đằng sau những sản phẩm thủ công được làm ra. Miết nhẹ ngón tay lên thân chiếc gùi vừa đan xong có thể cảm nhận chính xác độ bóng của từng sợi nan, độ chắc bền của từng mối đan, sợi buộc. Những hoa văn được ông tạo nên từ mặt trái, mặt phải của sợi nan đan xen, mang vẻ đẹp thật trang nhã, hài hòa.
Nghệ nhân Đinh Bi chia sẻ, hàng chục năm nay, vì chân đau, ông không thể đi lại nên nhiều việc phải nhờ con cái. Các con rất tự hào trước khả năng đan lát của cha nên sẵn sàng mỗi khi ông cần đến. “Nhờ thường xuyên đi tìm nguyên liệu, giúp mình việc này việc khác mà con cái cũng yêu thích nghề truyền thống này. Mình không đi lại được nhưng ngày nào cũng đan và dạy cho người khác. Nhiều người trong làng được mình truyền dạy giờ đã biết làm ra một số sản phẩm có hoa văn rất đẹp”-ông Đinh Bi vui vẻ cho biết. Theo nghệ nhân, kỹ thuật của nghề còn có thể áp dụng khi tạo hoa văn vách nhà rông, nhà sàn, trên mái nhà mồ… Đó không chỉ là hoa văn, họa tiết hình học trang trí mà còn phản ánh sinh động thế giới tinh thần phong phú của người Bahnar với những quan niệm về con người, thiên nhiên, vũ trụ. 
Nghệ nhân Đinh Bi cho hay, ông và vợ đến với nhau một phần cũng vì người này mến tài của người kia. Trong khi ông giỏi đan lát thì bà rất giỏi nghề dệt vải. Kể về chuyện tình cách đây gần nửa thế kỷ, họ đều nhắc đến sợi dây kết nối 2 người, đó chính là tình yêu với nghề truyền thống. Vì lẽ đó, sống với nhau dưới một mái nhà, hàng ngày thực hành các tri thức dân gian, ông bà luôn gắn kết bền chặt. Thỉnh thoảng ngẫu hứng, ông đưa những sợi chỉ màu của bà vào chiếc gùi đan để tạo điểm nhấn. “Mình cũng có lúc cãi nhau, tránh làm sao được. Nhưng ông ấy luôn làm lành trước. Mình thấy ông ấy đưa sợi chỉ vào gùi đan là sáng tạo rất lạ, làm chiếc gùi trông đẹp hơn, nổi bật hơn”-nghệ nhân Đinh Thị Hiền chia sẻ.
Đóng góp cho văn hóa
Khi hầu hết phụ nữ làng Kgiang mua chỉ công nghiệp để giản lược các công đoạn làm ra một tấm thổ cẩm thì nghệ nhân Đinh Thị Hiền vẫn giữ cách làm cũ, tự trồng bông dệt vải, kéo sợi, nhuộm màu. Bà chia sẻ: “Cây bông trồng 1 năm mới thu hoạch (thường từ tháng 3 năm này sang tháng 3 năm sau). Loại cây này có thể thu hoạch trong 5 năm mới phải trồng lại. Sau mỗi lần thu hoạch bông, mình thường cất hạt để trồng vụ mới”. Theo nghệ nhân Đinh Thị Hiền, trong làng giờ không còn mấy người làm như vậy. Mục đích của bà tất cả cũng vì duy trì nghề dệt thổ cẩm truyền thống đúng nghĩa để truyền lại cho các thế hệ con cháu bởi nếu thất truyền sẽ rất khó khôi phục.
Dụng cụ xe sợi rất thô sơ nhưng đã gắn bó với nữ nghệ nhân Đinh Thị Hiền nhiều chục năm. JPG
Dụng cụ xe sợi đã gắn bó với nghệ nhân Đinh Thị Hiền nhiều năm. Ảnh: Hoàng Ngọc
Cũng vì tâm niệm đó mà sau khi lập gia đình và sinh liên tiếp 4 đứa con, nghệ nhân Đinh Thị Hiền vẫn luôn dành thời gian cho nghề dệt. Các con gái lớn lên và cả con dâu đều được bà truyền nghề. Ngoài ra, bà còn dạy cho nhiều người trong làng và vùng lân cận. Các sản phẩm của bà làm ra đều đạt đến độ tinh xảo, thể hiện trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao. Các đoàn tham quan, nghiên cứu về nghề thủ công truyền thống của người Bahnar thường tìm đến gia đình vợ chồng nghệ nhân như một địa chỉ tin cậy. Đóng vai trò nòng cốt nên ông bà thường xuyên góp mặt tại các sự kiện văn hóa quan trọng của xã, huyện Kbang và tỉnh. Năm 2018, ông bà vinh dự được chọn là nghệ nhân tiêu biểu tham gia hoạt động trình diễn dệt thổ cẩm, đan lát tại Bảo tàng tỉnh nhân kỷ niệm 15 năm “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO vinh danh.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.