Chuyện về phi công người Bahnar Đinh Văn Đưới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo lời hẹn với chị Đinh Ly An (con gái của phi công Đinh Văn Đưới), anh em ở Phòng Nghiệp vụ (Bảo tàng tỉnh) đến thăm nhà (số 46A Nguyễn Đức Cảnh, TP. Pleiku) để tìm hiểu về những chiến công của ông ở Đoàn bay 919.

Trong căn nhà nhỏ, chị Đinh Ly An niềm nở tiếp đón chúng tôi, rồi lấy ra một tập hồ sơ cán bộ, huân-huy chương, di ảnh... của cha mình được cất giữ cẩn thận trong bì ni lông cho chúng tôi xem. Mỗi lần nhìn những kỷ vật của cha, chị lại rưng rưng xúc động.

1a.jpg
Chị Đinh Ly An giới thiệu những kỷ vật của ba với mọi người­­. Ảnh: N.A.M

Theo hồ sơ lý lịch cán bộ, phi công Đinh Văn Đưới sinh năm 1936, tại làng Xu Nua, xã Bắc, huyện An Khê, tỉnh Gia Lai-Kon Tum cũ (nay là xã Kông Bơ La, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Năm 1947, ông theo cách mạng làm liên lạc viên, hỗ trợ bà con tiếp tế lương thực cho bộ đội đóng quân ở trong rừng. Năm 1950, khi mới 14 tuổi, chàng trai Đinh Văn Đưới đã xin cấp trên cho tham gia đội du kích xã Bắc.

Đầu năm 1952, ông Đưới bị giặc Pháp bắt vì bị tình nghi tham gia cách mạng và gia đình có 2 người anh (con bác ruột) đi kháng chiến. Dù bị tra tấn, ông Đưới cũng không khai mình là du kích. Ông được bà con dân làng thương tình góp trâu, heo, gà và 50 đồng Đông Dương để lo chuyện ra tù. Về nhà, ông vận động gia đình và dân làng di cư vào vùng tự do. Đến ngày 20-9-1953, ông xin gia nhập bộ đội chủ lực và được biên chế vào Đại đội 88, Trung đoàn 96.

1b.jpg
CMND Cục Không quân cấp cho phi công Đinh Văn Đưới. Ảnh: N.A.M

Năm 1954, ông Đưới được cấp trên điều chuyển qua nhiều đơn vị thuộc Trung đoàn 120. Ở đơn vị nào, ông cũng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ngày 20-9-1959, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Năm 1961, ông được tổ chức điều động ra miền Bắc, học tại Trường Hàng không (Trung đoàn 910) với cấp bậc hạ sĩ. Ngày 1-10-1961, Cục trưởng Cục Không quân đã quyết định thăng quân hàm thượng sĩ cho ông Đinh Văn Đưới (khi ấy ông ở Đại đội cơ giới, Trung đoàn 919).

Trung đoàn 919 (thành lập ngày 1-5-1959) là trung đoàn không quân đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (nay là Đoàn bay 919). Từ khi thành lập đến nay, Đoàn bay 919 đã lập nên nhiều chiến công chói lọi. Và ông Đưới là người Bahnar ghi danh trong những trang sử vẻ vang của đơn vị.

Theo như chúng tôi tìm hiểu từ Phòng Truyền thống của Đoàn bay 919, Bảo tàng Phòng không-Không quân, ông Đinh Văn Đưới là phi công đầu tiên và có thể là duy nhất người dân tộc Bahnar tham gia Đoàn bay 919 Anh hùng.

1c.jpg
Từ trái qua: Phi công Đinh Văn Đưới, Trần Hanh và Nguyễn Văn Bảy chụp ảnh lưu niệm (Bà Hyeo đã xác nhận). Ảnh: N.A.M

Bà Rơ Chăm H’Yéo-Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh-cho biết: Năm 2012 (lúc đó bà là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh), trong một chuyến công tác tại Hà Nội, bà được Trung tướng Trần Hanh (lúc đó là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam) đưa đi thăm Phòng Truyền thống của Đoàn bay 919.

“Thủ trưởng Hanh chỉ vào một tấm ảnh và giới thiệu với mọi người: Đây là tôi, đây là anh Cốc, còn đây là anh Đức, hình như đồng hương với em đấy”-bà H’Yéo nhớ lại.

Lật xem hồ sơ, giấy tờ của phi công Đinh Văn Đưới, chúng tôi thấy ông có nhiều tên, bí danh và Đức là một trong số đó. Chị Đinh Ly An lý giải: “Lúc còn sống, ba tôi kể rằng: khi ông mới ra miền Bắc học tập, nói tiếng phổ thông chưa rõ, tên Đưới lại khó đọc nên cấp trên và đồng đội đã quyết định gọi ông bằng tên Đức cho dễ nhớ. Do đó, một số giấy tờ của ông mang tên Đức. Ngoài ra, khi nhận nhiệm vụ chiến đấu, ông còn có bí danh là Đại”.

1d.jpg
Trang sổ ghi dấu tổ bay tham gia chiến dịch "Điện Biên phủ trên không". Ảnh: N.A.M

Trong cuốn sổ tay được các chuyên gia Liên Xô tặng, phi công Đinh Văn Đưới đã ghi chép tỉ mỉ những kiến thức ở lớp bồi dưỡng kiểm sát viên, các trận không chiến trong nước, trên đất Lào, tham gia bay trinh sát, thăm dò địa chất và cả lúc bị máy bay địch bắn phải hạ cánh khẩn cấp... Những trang viết như thước phim quay chậm, hồi ức về cuộc đời binh nghiệp của ông.

Cụ thể, năm 1962, phi công Đinh Văn Đưới cùng đồng đội trên chiếc máy bay mang số hiệu 635C chiến đấu ở Bắc Lào. Những năm 1963-1964, ông cùng các đồng chí Liên Xô bay thăm dò địa chất ở các tỉnh phía Bắc (máy bay mang số hiệu 644A). Năm 1966, ông tham gia tổ bay quyết tử đánh Hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương trên máy bay số hiệu 636-637B. Năm 1967, ông cùng đồng đội bay từ Đà Nẵng trở ra (máy bay số hiệu 634C), bị máy bay địch bắn ở Vinh (Nghệ An). Năm 1969, ông tham gia tổ bay trực tiếp đánh vào hầm chỉ huy của tướng phỉ Vàng Pao (Lào).

Đặc biệt phải kể đến chiến công năm 1972, ông Đinh Văn Đưới cùng 2 đồng đội là Vũ Hồng Quyết, Phan Kỳ Xuân trên chiếc máy bay mang số hiệu 635C chiến đấu với máy bay địch trong chiến dịch 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội. Những năm 1973-1975, ông cùng đồng đội lái chiếc máy bay 639C chiến đấu ở Hạ Lào, cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng). Đến tháng 3-1975, tổ bay của ông được lệnh về nước tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1979, ông Đinh Văn Đưới được cử đi học Trường Cán bộ Kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh (hệ trung cấp). Sau đó, ông về giữ chức vụ Phó Viện trưởng, rồi Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai-Kon Tum (nay là tỉnh Gia Lai) cho đến năm 1997 thì nghỉ hưu.

Ông Đinh Văn Đưới (thứ 2 từ trái qua), nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai. Ảnh: N.A.M

Ông Đinh Văn Đưới (thứ 2 từ trái qua), nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Gia Lai. Ảnh: N.A.M

Trong thời gian đóng quân ở miền Bắc, ông Đưới gặp gỡ bà H’Mol (người Bahnar), khi ấy là học viên Trường Cán bộ dân tộc miền Nam, rồi sau này nên duyên vợ chồng. Vợ chồng ông sinh được 2 người con gái và nhận nuôi 1 người con gái của đồng đội (là chị cả trong gia đình). Ba người con của ông đều thành đạt, chị gái đầu đã nghỉ hưu, 2 người sau vẫn còn đang công tác.

Với những cống hiến của mình cho đất nước, phi công Đinh Văn Đưới được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhì và hạng ba; Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trao tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhất và hạng ba; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Ngoài ra, ông còn được Quân chủng Không quân và các đơn vị từng công tác tặng nhiều bằng khen, giấy khen…

Năm 2002, phi công Đinh Văn Đưới qua đời vì bạo bệnh. Dù đã đi xa nhưng tên tuổi, chiến công của ông vẫn ghi vào sử sách và là niềm tự hào của đồng bào Bahnar. Chúng tôi đã xin phép chị Đinh Ly An sưu tầm các kỷ vật của ông để trưng bày tại Bảo tàng tỉnh nhằm giới thiệu đến công chúng một người phi công ưu tú của đồng bào Bahnar nói riêng, của Nhân dân Gia Lai và cả Tây Nguyên bất khuất nói chung.

Có thể bạn quan tâm

Dòng sông An Lão. Ảnh: internet

Dòng sông tuổi thơ

(GLO)- Có lẽ ai cũng có một miền ký ức để thương, để nhớ, để mỗi khi mỏi mệt giữa cuộc đời xô bồ lại mong được trở về. Với tôi, miền ký ức ấy nằm dọc theo dòng sông An Lão, đoạn chảy qua thôn Hội Long-một làng quê nhỏ thuộc huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Nấm mối thường mọc vào tháng 5, 6 hàng năm. Ảnh: L.H

Mùa “săn” nấm mối

(GLO)- Khoảng tháng 5, 6 hàng năm, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu trút xuống, mặt đất mềm ẩm cũng là lúc người dân Gia Lai bước vào mùa “săn” nấm mối. Đây là “lộc trời” mà thiên nhiên ban tặng, mỗi năm chỉ đôi ba lần.

Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) đã đi vào thơ của tác giả Nguyễn Thanh Mừng. Ảnh: Phạm Quý

Cao nguyên trong thơ Nguyễn Thanh Mừng

(GLO)- Tên tuổi nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng gắn liền với các tập thơ “Rượu đắng”, “Ngàn xưa”, .... Viết không nhiều nhưng thơ ông lại có mặt trong hầu hết các tuyển tập danh tiếng thơ Việt Nam hiện đại. Mấy năm gần đây, ông dành tình thương mến với Tây Nguyên và viết nhiều về vùng đất này.

Mật ngọt trước hiên nhà

Mật ngọt trước hiên nhà

(GLO)- Trước hiên nhà tôi bỗng xuất hiện một tổ ong mật. Đàn ong bay lượn trong nắng mai, những đôi cánh mỏng manh khẽ rung lên, hòa cùng làn gió nhẹ, tạo nên bản nhạc du dương. Tôi lặng lẽ dõi theo, chợt cảm thấy lòng mình cũng rung lên theo nhịp điệu ấy, một sự đồng điệu vô hình.

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

(GLO)- Với đặc thù làm việc trong sự cô đơn, tĩnh lặng, nhiều kỹ thuật viên (KTV) có kinh nghiệm tại một số phòng thu trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang âm thầm đứng sau những bản thu chất lượng của các ca sĩ chuyên và không chuyên, chắp cánh cho đam mê âm nhạc.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung (bìa trái) trao bằng xếp hạng di tích cho địa phương. Ảnh: Minh Châu

Xã Phú Cần đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh và tổ chức lễ giỗ tiền hiền

(GLO)- Ngày 23-6, UBND xã Phú Cần (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh “Đền thờ tiền hiền làng Phú Cần”, kết hợp lễ giỗ tiền hiền-nghi lễ truyền thống hàng năm của địa phương ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân có công mở đất, lập làng.

Mùa hè tuổi thơ

Mùa hè tuổi thơ

(GLO)- Thế là mùa hè đã về. Tia nắng thắp đỏ chùm phượng vĩ trải dài trên những lối phố. Tôi đi miên man trong nắng vàng, hòa cùng bản giao hưởng tiếng ve giữa trưa oi bức. Ký ức những ngày hè của tuổi thơ bỗng ùa về, lay động hồn tôi.

Ảnh minh họa (Ảnh: vietnamplus.vn)

Maido- Nhà hàng Tốt nhất thế giới năm 2025

(GLO)- Với hành trình 16 năm sáng tạo không ngừng, dưới bàn tay tài hoa của bếp trưởng Mitsuharu "Micha" Tsumura, Maido- nhà hàng lừng danh đến từ Peru, đã chính thức được vinh danh là Nhà hàng Tốt nhất thế giới năm 2025 trong danh sách gồm 50 nhà hàng tốt nhất thế giới.

Chiếc máy đánh chữ. Ảnh: nguồnbaogialai.com.vn

Chiếc máy đánh chữ

(GLO)- Những chiếc máy đánh chữ quen thuộc một thời đã trở nên xưa cũ, thậm chí mất tăm mất dạng, có chăng chỉ còn hiện diện trong tiệm lạc xoong, đồ cũ dành cho giới sưu tầm tìm đến “níu kéo” quá khứ.

null