Chuyện người lính Việt ở Nam Sudan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Mỗi vết thương cứa vào da thịt thì đều đổ máu, máu luôn luôn là màu đỏ. Chúng tôi không phân biệt máu ấy chảy ra từ màu da và sắc tộc nào…”, các bác sĩ tại bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam đã tâm sự như thế về nhiệm vụ tham gia Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc ở Nam Sudan.
 
Những cuộc gọi đêm
Nhớ lại ngày đầu tiên vừa đặt chân đến Bentiu - một thành phố của Nam Sudan, nơi bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam (BVDC 2.1 VN) nhận nhiệm vụ. Thiếu tá, Bác sĩ Hồ Ngọc Phát cho biết hết thảy mọi người trong đoàn ai cũng muốn nhanh chóng gọi điện thoại về gia đình để báo tin đã đến nơi an toàn. Thế nhưng internet không có, sim điện thoại phải mất một thời gian dài để đặt mua.
“Cuộc gọi đầu tiên sau 5 ngày từ khi đến nơi, khoảnh khắc nghe tiếng vợ bên kia đầu dây, tôi suýt tí nữa thì bật khóc. Mạng yếu, cuộc trò chuyện ngắt quãng liên tục, chỉ kịp báo tin vài câu cho gia đình rồi lại chuyền tay cho các anh em khác. Chúng tôi dùng chung một sim điện thoại, chia nhau mỗi người 1-2 phút để gọi về thông báo cho gia đình”, thiếu tá Phát nói.
Đi cùng đợt với thiếu tá Phát, trung úy Nguyễn Mạnh Hiệp cho biết lúc nghe tiếng con gọi “Bố ơi”, anh rơi nước mắt: “Gia đình ai cũng mong ngóng tôi gọi về để biết đã đến nơi an toàn chưa. Tôi thì cũng không yên tâm khi không biết vợ xoay sở công việc và hai con thế nào trong những ngày đầu chồng đi công tác xa. Lúc nghe được tiếng nhau từ một nơi xa hơn 8.000km, mọi thứ đều vỡ òa”.
Theo BS Phát, sau một tháng tại doanh trại của bệnh viện mới có internet nhưng đường truyền khá chậm. Việt Nam cách Nam Sudan 4 giờ đồng hồ, do đó để tiết kiệm dung lượng mạng, các chiến sĩ  thường thức dậy lúc rạng sáng để nhắn tin hay gọi điện về cho gia đình vì thời gian này được xài internet miễn phí. Những cuộc gọi lúc 4-5 giờ sáng tại châu Phi thường là câu chuyện mà các anh kể về cuộc sống, về con người ở một nơi xa tít mất tận 16 giờ bay, hay đôi lúc  giản đơn gọi chỉ để nhìn nụ cười hiền của vợ, của mẹ, nghe tiếng bi bô cười nói của những đứa con cho đỡ nhớ nhà. 
Đúng trong ngày đầu tiên vừa nhận bàn giao bệnh viện từ Vương quốc Anh, BS Phát và các cán bộ nhận 2 ca bệnh tương đối nặng. “Trong đó có một ca suy hô hấp nặng mãn tính do xơ hoá phổi sau lao phổi, viêm phổi nặng, suy thận, đây là trường hợp người dân bản địa làm việc cho Liên Hợp Quốc. Lúc đầu mọi người ai cũng lo lắng vì môi trường mới, đồng nghiệp mới, điều kiện trang thiết bị còn thiếu, nhưng với kinh nghiệm của bản thân nhiều năm làm ở khoa hồi sức tích cực BV Quân y 175, cùng với sự hỗ trợ của đồng đội thì chúng tôi đã xử lí bệnh nhân qua cơn nguy kịch và sau đó vận chuyển bằng đường không lên tuyến trên an toàn”, BS Phát kể lại.
Là người trực tiếp vận chuyển bệnh nhân bằng trực thăng lên thủ đô Juba cách đó hơn 800km, trung úy Nguyễn Mạnh Hiệp bảo đó là trải nghiệm khó quên. “Tuy  công việc không quá nặng nề nhưng đòi hỏi chuyên môn cao vì ở môi trường của Liên Hiệp quốc. Tôi có những trải nghiệm mới, ở một cương vị mới mà có thể trong cuộc đời khó có lần thứ hai. Cảm giác cứu sống được một bệnh nhân, ai nấy đều hạnh phúc”, trung úy Hiệp chia sẻ.
Ca thứ hai là ca gây mê đầu tiên mà các BS tiến hành. BS Phát cho biết sẽ không có gì khó khăn nếu tiến hành ở Việt Nam, nhưng gây mê cho một bệnh nhân trong lều bạt chật hẹp, chỉ cao quá đầu, hệ thống theo dõi bệnh nhân thiếu ở Bentiu… thật sự là một thử thách. Nhờ vào sự phối hợp ăn ý của cả ê-kip, ca gây mê đã thành công.
Mạch sống ngầm
Trung úy Phạm Phú Hải (sĩ quan hành chính- người trẻ nhất trong BVDC 2.1 VN) cho biết khoảnh khắc máy bay đáp xuống đường băng là bãi đất trống đầy đá sỏi, xung quanh toàn lau, sậy tại thành phố Bentiu, nhìn thấy các em bé châu Phi đứng tắm trong đầm lầy, tim anh tự dưng xốn xang khó tả. “Các em bé tại đây không có nhiều quần áo để bận nên lúc chuẩn bị tắm các em sẽ giặt quần áo trước xong trải ra đất. Tắm xong, quần áo khô thì lại mặc vào. Thương lắm!”, trung úy Hải nói.
Bentiu ban ngày nhiệt độ có thể lên đến 50 độ C, nhưng đêm đến có thể xuống dưới 20 độ, độ ẩm thấp nên vào mùa khô, trời cực hanh và nóng. “Mùa mưa thời tiết khắc nghiệt hơn gấp nhiều lần, cả nước chưa đến 100 km đường nhựa nên mỗi khi mưa xuống, di chuyển cực kì khó khăn nếu không mang ủng vì hầu hết mọi nơi đều ngập trong sình lầy”, trung úy Hải tâm sự.
Mới tháng trước, trung úy Hải cho biết  nguồn nước ngầm của bệnh viện đột ngột bị mất nên trong thời gian này, các chiến sĩ của bệnh viện thay phiên nhau đi lấy nước bằng xe nâng từ nguồn khác của phái bộ LHQ. “ Một ngày mỗi người chỉ sử dụng hai túi nước mỗi túi 2 lít cho tất cả hoạt động. Mà chúng tôi vẫn để dành nước để tưới hoa vì không có nước sạch thì hoa sẽ chết. Hoa được trồng từ lúc mọi người vừa sang, nay đã nở rất đẹp”, người lính trẻ hào hứng chia sẻ.
Một ngày của các BS tại BV dã chiến bắt đầu từ lúc 5 giờ 30 phút  và kết thúc vào khoảng 17 giờ. Sau khi kết thúc công việc chuyên môn, những người lính lại tăng gia sản xuất, trồng rau, hoa...hay chơi thể thao, tập thể dục. “Mỗi khi thấy anh em chạy bộ quanh bệnh viện vào buổi chiều, người dân xung quanh thường vẫy tay chào thân thiện và hô to: Việt Nam, Việt Nam. Trong quá trình trò chuyện, xúc động nhất là khi nghe họ bảo bộ đội Việt Nam đánh giặc rất giỏi, có người còn cho biết thần tượng của họ là chủ tịch Hồ Chí Minh, là đại tướng Võ Nguyên Giáp”, trung úy Hiệp tự hào kể lại.
Giữa mảnh đất của cái nóng bỏng rát da thịt, của hơi đạn cay xè trên những bãi cỏ úa mùa khô, bên trong hàng dây thép gai bao bọc bệnh viện, những hạt giống hoa vẫn nảy mầm từ những giọt nước chắt chiu của những người lính cụ Hồ. Chúng thành cây, nở hoa, sống ương bướng giữa đất trời châu Phi nắng gió.
Nền đất khô in hoa nắng báo hiệu cho những sự sống vẫn chảy ngầm trong mảnh đất và sẽ hồi sinh, hay nói như trung úy Hải: “Nam Sudan thực ra rất đẹp, lại là đất nước giàu tài nguyên.  Chỉ cần vài năm sống trong hoà bình thì đất nước sẽ phát triển rất nhanh. Thế nên chúng tôi luôn thấy mình có trách nhiệm trong việc xoa dịu những nỗi đau do bom đạn và giúp đỡ những dân tội nghiệp. Dù thời bình hay thời chiến thì nhiệm vụ của người lính Việt Nam vẫn là bảo vệ chắc chắn độc lập chủ quyền của đất nước. Nên việc gìn giữ hoà bình LHQ cũng là tiếng nói của Việt Nam- một quốc gia ưa chuộng hoà bình và đóng góp vào tiến trình tạo lập hoà bình thế giới”.
Hương vị quê hương
Gặp trung tá Đinh Văn Tuấn cùng trung úy Nguyễn Mạnh Hiệp (2 trong số những cán bộ của BVDC 2.1 VN được về phép đợt 2) tại góc sân bệnh viện Quân y 175 khi chỉ còn vài ngày nữa là các anh quay trở lại Nam Sudan sau kì nghỉ phép. “Đây là ít trà Bắc, kia là mì gói cùng vài vật dụng, thức ăn mà gia đình đồng đội nhờ chúng tôi gửi sang bên đấy cho các anh em. Có nhiều khi tự dưng thèm ăn tô hủ tiếu gõ vỉa hè, vài ba món ăn tưởng chừng bình thường lắm. Chúng tôi gọi đó là nhớ hương vị quê hương”, trung tá Tuấn nói.
Trở về lại Việt Nam sau hơn 5 tháng nhận nhiệm vụ, trong chiếc ba lô ngoài vài vật dụng cá nhân là chiếc xe điều khiển mà trung tá Tuấn lựa mua cho đứa con 6 tuổi trong lúc chờ quá cảnh tại sân bay. “Lúc nhận được quà từ tay bố, cu cậu mừng rơm rớm nước mắt. Mấy ngày nay biết bố sắp tiếp tục đi công tác, nó cứ đếm từng ngày. Hôm bữa còn thủ thỉ: Bố ơi, hay bố cho con đi Nam Sudan với bố nhé”, anh Tuấn cười và kể lại.
Còn chuyến về phép lần này lại là một dịp đặc biệt với trung úy Hiệp khi anh về đến Việt Nam vào đúng ngày 8/3 và cũng là sinh nhật vợ. “Tôi cố ý về bất ngờ không báo trước cho gia đình. Lúc đẩy cửa vào nhìn thấy cảnh vợ và 2 con đang ăn cơm. Nhìn tôi, vợ òa  khóc, 2 đứa con vì quá bất ngờ nên cứ ngây người ra, lát sau xông vào ôm chầm lấy bố, gục vào ngực bố mà khóc nức nở. Lúc ấy cả nhà tôi đều khóc, nhưng khóc trong vui mừng và vỡ òa vì hạnh phúc”, trung úy Hiệp cho biết.
Cố ý không nhắc nhiều về những nỗi nhớ vì biết các anh sắp lại phải tiếp tục chuyến công tác xa, thế nhưng chính các anh lại bảo nỗi nhớ nhà là chất xúc tác để kết nối tình anh em, đồng chí bền chặt hơn. Trung tá Tuấn kể về những buổi tối tại Bentiu, sau khi kết thúc công việc một ngày, đồng đội cùng nhau ngồi pha trà, rít điếu thuốc, tâm sự rồi kể cho nhau nghe về gia đình, về cuộc sống. Có lẽ với họ, phảng phất đâu đó nỗi nhớ nhà, tình yêu quê hương đã góp phần hun đúc sâu đậm tình đồng chí, làm nên sức mạnh tinh thần để người lính cụ Hồ vượt qua mọi thử thách gian lao. “Là bác sĩ là phải đưa hết tinh thần sức lực để cứu chữa cho bệnh nhân. Là quân nhân thì phải luôn đặt trên vai lí tưởng của người lính, nghĩa vụ mà đất nước, nhân dân giao phó cho mình…”, trung tá Tuấn nói.
Trung tá Bùi Đức Thành, Giám đốc BVDC 2.1 Việt Nam cho biết, tình hình an ninh chính trị tại Bentiu cực kỳ phức tạp, thường xuyên xảy ra xung đột, mâu thuẫn giữa các đảng phái, sắc tộc và thường có những vụ cướp bóc, hiếp dâm xảy ra. Đây là một trong những điểm nóng tại Cộng hòa Nam Sudan, chính vì thế, tại đây tập trung nhiều lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Tại Bentiu, BVDC2.1 của VN chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho hơn 2500 cán bộ nhân viên của LHQ, kết hợp khám chữa bệnh cho người dân địa phương.

Trong 6 tháng thực hiện nhiệm vụ tại đây, bệnh viện đã khám, thu dung và điều trị cho gần 800 lượt bệnh nhân, mổ cấp cứu 30 ca, vận chuyển bằng đường hàng không về tuyến sau 3 ca bệnh nặng. Đây là số liệu cao nhất so với các BVDC cấp 2 của LHQ thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan. Với kết quả đạt được này, BVDC2.1 của VN được chỉ huy phái bộ đánh giá rất cao, tạo được niềm tin và uy tín đối với cán bộ nhân viên của LHQ và người dân bản địa. Xây dựng hình ảnh người chiến sĩ quân y cách mạng, hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ, hình ảnh VN đất nước con người với bạn bè quốc tế.

 
Thiếu tá Hồ Ngọc Phát trong một ca cấp cứu. Ảnh: NVCC
 
Trung úy Nguyễn Mạnh Hiệp trong một chuyến vận chuyển bệnh nhân bằng trực thăng đến cấp cứu tại một BV cấp cao hơn ở Nam Sudan. Ảnh: NVCC
Yến Nhi (TP)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.