Chuyện ngồi tù của ngư dân không muốn ai rơi vào 'vết xe đổ'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong phòng giam đói quá nên không dám đi, chỉ nằm như con tằm nhả kén cho đỡ tốn năng lượng; ăn mặc rách rưới tả tơi… Đó là câu chuyện của ngư dân Nguyễn Văn Lạt, người không ngại chia sẻ những trải nghiệm đáng xấu hổ với mong muốn bạn chài không đi theo “vết xe đổ”.
Đói khát
“Mất hết, coi như không còn cái gì hết”, ngư dân ngồi trước mặt tôi mới nói vài câu mà cứ ngỡ anh chỉ muốn nhắc đến những gì đã “hết”. Giọng anh thiểu não nghe đến phát sợ. Dáng cao và mạnh khỏe của con người này giờ như một bóng cây héo rũ, lưng còng xuống, 2 tay đung đưa, bước đi uể oải.
Ngư dân Nguyễn Văn Lạt với tấm hộ chiếu trở về Việt Nam, ngư dân này mong được hỗ trợ để sớm quay lại Hoàng Sa đánh bắt (Ảnh: Hà Anh)Ngư dân Nguyễn Văn Lạt với tấm hộ chiếu trở về Việt Nam, ngư dân này mong được hỗ trợ để sớm quay lại Hoàng Sa đánh bắt (Ảnh: Hà Anh)
Ngư dân Nguyễn Văn Lạt với tấm hộ chiếu trở về Việt Nam, ngư dân này mong được hỗ trợ để sớm quay lại Hoàng Sa đánh bắt (Ảnh: Hà Anh)
Những phút đầu gặp gỡ, anh đã khiến chúng tôi cảm nhận đến nhiều điều chẳng mấy hay ho, trước khi kể câu chuyện của chính anh. Đó là ngư dân Nguyễn Văn Lạt, sinh năm 1980, quê ở thôn An Hải, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Chuyện đầu tiên là bị bắt giữ ở Indonesia. Đó là tháng 5/2013.
Lạt kể, “chiếc tàu này em mới làm, chạy xuống đảo Côn Sơn đánh cá thì nghe báo gió. Em cho tàu chạy sang hướng Indonesia và chưa làm gì, nhưng bị bắt giữ”. Sau thời gian tạm giữ, nhà chức trách Indonesia đưa các ngư dân ra tòa và ra phán quyết thả 11 ngư dân kèm với án phạt tiền 1.000 USD. Nhưng Lạt là chủ tàu, kiêm thuyền trưởng nên lãnh án phạt đến 3 năm tù và bị giam trên một hòn đảo nhỏ, cách xa đất liền.
Những ngày bị giam được ngư dân này thuật lại: “Bữa nào cũng ăn đói, vì vậy ăn xong thì chỉ nằm chứ không dám ngồi, không dám đi, vì đi thì sợ tốn năng lượng khiến cơ thể càng bị đói”. Trong những ngày đó, chị Trịnh Thị Hồng, vợ Lạt phải vất vả đi làm thêm bằng đủ nghề, xuống bến bốc cá thuê để hàng tháng gởi 100 USD sang hỗ trợ tiền ăn cho chồng. Nhưng giá cả trong tù rất đắt đỏ, vì vậy Lạt chỉ mua được vài món ăn thêm thì túi đã cạn.
Hàng tháng, các tổ chức từ thiện vào trại giam để phân phát thêm lương thực và làm từ thiện đối với ngư dân Việt Nam. Những người này tỏ ra thông cảm trước cảnh ngư dân Việt Nam. Những ngày mới vào, Lạt thường ngồi khóc hồi tưởng lại những chuyến biển đầy rủi ro trên ngư trường xa, chuyện chiếc tàu bị Indonesia bắt, mất trắng 300 triệu, trong đó 40 triệu anh phải đi “bốc” nóng. Những lúc tinh thần sa sút, Lạt tìm đến một ngôi chùa trên đảo để đốt hương, cầu mong sự may mắn. Thầy chùa thấy ngư dân Việt Nam nghèo khổ thường mang chuối và bánh ra cho ăn.
Tháng 11/2016, Lạt được trao trả về Việt Nam qua đường hàng không. Nhưng trải nghiệm bị bắt vẫn chưa hết.  
Hải trình “vùng dưới”
“Vùng dưới”, đó là cụm từ mà ngư dân tại quê Lạt liên tục nhắc đến vào thời điểm 2016. Các ngư dân ra khơi đánh bắt cũng bị ám ảnh bởi cụm từ “vùng dưới” liên tục vang lên trên máy Icom. Ngư dân bàn luận trên Icom về việc đi vùng dưới, mỗi phiên biển kiếm được 150 triệu đồng, trúng hơn có khi lên 200 triệu đồng. Cụm từ vùng dưới nghe hơi ẩn ý và có vẻ đơn giản, nhưng có nghĩa là bán cầu dưới, tận ngoài vùng nam Thái Bình Dương, cung đường cả đi lẫn về hơn 20 ngàn km. Khu vực này bao gồm Úc, quốc đảo Palau, Micronesia, Nouvelle Calédonie, New Papua, Solomon, xa nhất là tới New Zealand.
Tâm lý của một người vừa mất hết, trắng tay, liên tục được bè bạn rủ rê nên Lạt đồng ý xuống tàu của ngư dân Phạm Ngọc Chí, nhắm mắt làm liều một chuyến nữa, hy vọng trang trải nợ nần. Tàu bơm 60 ngàn lít dầu, chất đầy lương thực để đủ nuôi 14 con người trong thời gian 3 tháng.
Một chuyến đi xa thăm thẳm. Suốt cuộc hành trình, các ngư dân tiêu thời gian vào các trò giải trí, chứng kiến con tàu đi qua những vùng biển lạ - qua Trường Sa, sang bờ đông của biển Đông, xuyên qua các đảo Midoroc, Panay, Cataduranes của Philippines. Để thoát ra khỏi biển Đông qua ngả Philippines, các ngư dân vượt qua các kênh chữ C, chữ Z, tới kênh 125 và thoát ra Thái Bình Dương. Con tàu bắt đầu lạc vào đại dương có diện tích rộng gấp 47 lần biển Đông.
Những tháng trước đó, một số tàu cá đi đến Palau. Nhưng quốc đảo này đã tăng cường an ninh, nên con tàu tiếp tục lang thang vô định, hướng về phía Úc, vòng ra hướng tây để đến một hòn đảo dài như hình con tằm ngủ trên biển là Nouvelle Caledonia, thuộc lãnh thổ hải ngoại của Pháp, cũng là quê hương của những người Việt đi phu đồn điền và bị mắc kẹt lại sau chiến tranh thế giới thứ 2. Nouvelle Calédonie cũng từng là nhà tù để giam giữ tù nhân Công xã Paris.
Từ Việt Nam sang đến Nouvelle Calédonie, tàu đi ròng rã 40 ngày đêm, đến vùng đất hứa có nhiều hải sâm và mỗi ngư dân có thể bọc túi vài trăm triệu. Tàu vừa qua khu vực Nouvelle Calédonie, tọa độ 14 độ nam - 156 độ 00 đông được 3 ngày thì xuất hiện một tàu vũ trang ra đuổi và bắt giữ vào ngày 25/1/2017. Các ngư dân đào thoát bằng cách đục lỗ chiếc thớt gỗ dập vào trục đã bị tháo bánh lái, sau đó quay thớt gỗ cho tàu ra đi. Nhưng vài ngày sau, con tàu bị một trực thăng rà theo phía trên, sau đó tàu vũ trang xuất hiện bắt giữ trở lại.  
Không nên liều mạng
Nỗi ám ảnh về việc tiếp tục ngồi tù ở một nơi cách xa Việt Nam hơn cả lần trước, khiến Lạt lo sợ. Nhưng do không giữ vai trò thuyền trưởng, nên các ngư dân được phóng thích, riêng thuyền trưởng Phạm Ngọc Chí bị phạt tù giam. Lần bị bắt này, Lạt cũng khiến gia đình hoảng loạn. Vì sau khi bị bắt, các ngư dân bặt tin với gia đình ở Việt Nam. Mãi đến 4 tháng sau, cú điện thoại đầu tiên mới được gọi về, làm làng chài vỡ òa qua mối lo tang tóc.
Ông Dinh Jean-Pierre, lãnh sự danh dự Việt Nam tại Nouvelle Calédonie đi cùng xe cảnh sát địa phương đến tòa án để bảo lãnh cho ngư dân (Ảnh: TL)
Ông Dinh Jean-Pierre, lãnh sự danh dự Việt Nam tại Nouvelle Calédonie đi cùng xe cảnh sát địa phương đến tòa án để bảo lãnh cho ngư dân (Ảnh: TL)
Những chiếc tàu đầu tiên bị bắt tại đây đều được cộng đồng người Việt tận tình giúp đỡ. Nhưng khi một số ngư dân tiếp tục tái phạm, đã khiến bà con bực bội. Ông Ngọc San, một kiều bào đang sinh sống tại Nouvelle Calédonie, là người rất quan tâm đến các vụ việc này đã chia sẻ trên trang cá nhân: “Ngày 17/2/2017, Cảnh sát biên phòng vừa hoàn tất việc điều tra một ngư dân Việt Nam tên An đã tái phạm việc đánh bắt trái phép hải sâm trong vùng biển của NC (Nouvelle-Calédonie). Ngư dân này lần đầu vi phạm và bị bắt giữ là hồi tháng 6/2016, được thả về và lần này quay trở lại vào đầu tháng 2/2017”.
Ngồi nhớ lại những ngày hải trình trên con tàu suốt 40 ngày đêm để đến vùng biển nước ngoài lặn hải sâm, ngư dân Nguyễn Văn Lạt rùng mình: “Đi đó dễ bỏ vợ bỏ con như chơi”. Giờ đây, Lạt chỉ mong muốn có vốn đóng tàu trở lại Hoàng Sa và gởi lời khuyên các ngư dân không nên liều mạng ở những vùng biển xa xôi vạn dặm.

Trên trang của cộng đồng người Việt Nouvelle Calédonie chia sẻ thông tin, ngày 4/7/2018, có 2 thuyền trưởng được Cảnh sát biên phòng làm thủ tục về nước sau 1 năm chấp hành hình phạt tù vì hành vi đánh bắt cá trái phép và đã được giảm án phạt. Việc trục xuất có sự chứng kiến của ông Dinh Jean-Pierre, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Nouvelle Calédonie.

Hà Anh-Kim Sơ (Nông Nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.