Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Sau gần 2 năm “nằm vùng” để viết Lịch sử Đảng bộ thị xã Kon Tum, năm 1988-1989, tôi được phân công cùng các anh Phan Thanh Bàng, Nguyễn Xuân Hóa… làm một loạt hồ sơ di tích, trong đó có Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo. Ở thời điểm này, trong đầu chúng tôi, từ khóa “Tây Sơn Thượng đạo” còn trắng như tờ giấy mới.

Những ngày đầu bắt tay vào công việc này, ở Gia Lai-Kon Tum, về chuyên môn, chỉ có anh Bàng là cử nhân ngành Bảo tồn-Bảo tàng, còn tôi và anh Hóa, tuy có bằng cử nhân, nhưng đều “trắng” chuyên môn về nghiệp vụ hồ sơ di tích.

Biết điểm yếu của mình, tôi vào thư viện để tìm đọc tài liệu liên quan, đồng thời mượn bộ giáo trình Bảo tồn-Bảo tàng của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội mà anh Bàng đang lưu giữ và coi nó như bảo bối… về để đọc, học. Hồi ấy, tài liệu, sách công cụ không có sẵn nên cũng phải quý mến nhau lắm thì người có sách mới cho mượn; văn bản hướng dẫn của ngành dọc hầu như không có gì.

db1742f114ae093e9b79c62dccd8a8d9.jpg
Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Nhưng rồi, cứ “vừng ơi” và gõ mãi thì cửa cũng thương tình mà mở. Tại Thư viện tỉnh, tôi tìm được quyển “Tư liệu về Tây Sơn-Nguyễn Huệ, tập 1: Trên đất Nghĩa Bình”, do Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Nghĩa Bình xuất bản năm 1988 với nhiều bài viết, tư liệu mới về phong trào Tây Sơn trên đất Nghĩa Bình (bao gồm cả vùng Thượng đạo, lúc đó thuộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum), tôi mừng không sao tả xiết.

Có tài liệu đáng tin cậy, chúng tôi xuống An Khê để bắt tay vào việc. Cùng với tôi và anh Bàng, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện An Khê cử chị Vị (cán bộ trung cấp Bảo tàng) và anh Lợi (nhiếp ảnh) hỗ trợ cả về chuyên môn và đường đi nước bước. Để có được bộ hồ sơ di tích mà nay một số bạn trẻ nhìn vào đánh giá là sơ sài, ngoài tư liệu thành văn, chúng tôi mất gần 2 năm khảo sát thực địa.

Lấy Phòng Văn hóa-Thông tin An Khê làm nơi trở về sau mỗi chuyến đi, điểm đến của chúng tôi là gần như toàn bộ các xã người Kinh của huyện An Khê ngày ấy, mà trọng tâm là khu vực Xóm Lũy (thị trấn) và các xã Cửu An, Song An (huyện An Khê); xã Yang Nam (huyện Kông Chro), xã Nghĩa An (huyện Kbang). Trong điều kiện giao thông cuối thập niên 80, phương tiện để di chuyển chính của chúng tôi chỉ là đôi chân, thỉnh thoảng mới có xe đạp mượn của anh em ở huyện.

Có lẽ nhờ nhiệt huyết của tuổi trẻ cộng với khao khát công việc mình làm sẽ có kết quả, cùng sự nhiệt tình giúp đỡ của chính quyền địa phương, của nhân chứng… mà chúng tôi vượt qua được những chặng đường hàng chục km trơn trượt, lầy bùn hoặc lầm bụi. Mỗi dòng tư liệu ghi chép được lại như tiếp thêm cho chúng tôi nguồn năng lượng mới để bước tiếp. Đến nay, những câu chuyện do ông Bùi Tấn Tòng (lúc ấy 74 tuổi, ở thôn An Lũy), bok Jơt (lúc ấy gần 100 tuổi, ở làng Stơr) kể… đã trở thành những tư liệu không bao giờ còn có thể tìm lại.

Những chỉ dẫn, mẩu chuyện từ các bô lão đã giúp chúng tôi hoàn thành các báo cáo, hồ sơ khảo sát… theo yêu cầu của một hồ sơ di tích cấp quốc gia. Từ nhiều chục điểm khảo sát kết hợp tư liệu thành văn, với tư liệu điền dã; tích cực đào bới để tìm kiếm những dấu tích còn được lưu giữ tại chỗ… cuối cùng thì bộ hồ sơ của quần thể di tích về phong trào nông dân Tây Sơn nửa cuối thế kỷ XVIII trên đất Gia Lai, với 6 cụm, gần 20 địa điểm di tích đã hoàn thành.

Đó là: những chứng tích về quá trình tập hợp lực lượng và xây dựng cơ sở hậu cần tại chỗ; những chứng tích về quá trình xây dựng đồn trại và tổ chức lực lượng khởi nghĩa; những chứng tích đánh dấu sự phát triển của nghĩa quân Tây Sơn từ rừng núi Thượng đạo xuống đồng bằng. Năm 1991, quần thể di tích này được xếp hạng cấp quốc gia và là cơ sở để năm 2021 được nâng hạng lên di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Gần 40 năm đã qua, tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác vào một đêm tối trời, ngồi tại đình An Lũy (di tích An Khê trường), trong ánh đèn dầu lập lòe, nghe chú Mười Chương kể lại truyền thuyết về buổi lễ khởi binh của anh em Tây Sơn diễn ra năm từ 1773, hình dung về sự xuất hiện của đoàn quân rầm rập ngựa voi… cùng câu nói mà lúc ấy, thanh niên 24 tuổi là tôi, sau khi nghe xong chợt thấy “lạnh” sống lưng: “Ngày nay, vào những đêm giông bão, ngài vẫn cưỡi voi cùng quân sĩ về tập trận ở cây đa, cây ké phía trước đình”.

Có thể bạn quan tâm

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

(GLO)- Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân Việt lại náo nức với những phong tục truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Trong đó, nét đẹp tặng chữ đầu xuân đã trở thành một truyền thống hiếu học của dân tộc và mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, tài lộc, hạnh phúc cho năm mới.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.

Từ trái sang: 4 chị em người Bahnar Đinh Thị Hiền, Đinh Thị Hồng, Đinh Thị Hà, Đinh Thị Hương. Ảnh: M.C

Bốn chị em người Bahnar tâm huyết với văn hóa truyền thống

(GLO)- Cả 4 chị em gái trong một gia đình người Bahnar ở làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đều là thành viên nòng cốt của đội cồng chiêng nữ và câu lạc bộ dệt thổ cẩm của làng. Họ vừa là hạt nhân, vừa là chất xúc tác giúp cộng đồng giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa.

Tác giả bên khối đá có nguồn gốc từ phế tích Chăm An Phú tại nhà thờ Phú Thọ. Ảnh: X.H

Phế tích Chăm ở An Phú: Bí ẩn vẫn còn nằm trong lòng đất

(GLO)- Phế tích Chăm ở xã An Phú (TP. Pleiku) được Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) phối hợp với Bảo tàng tỉnh khai quật khảo cổ học vào năm 2023 và năm 2024. Kết quả khai quật đã phác thảo diện mạo của một đền tháp Chăm cổ, nhưng vẫn còn nhiều bí ẩn chờ được khám phá.

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.