Tượng đầu rắn Naga trên vùng Tây Sơn Thượng đạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tượng đầu rắn Naga được tìm thấy vào năm 2008 tại lòng hồ thuộc di tích Nền nhà, hồ nước ông Nhạc (làng Hlang, xã Yang Nam, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai).

Đây là minh chứng khẳng định sự tồn tại/ảnh hưởng của văn hóa Champa trên cao nguyên, là chứng cứ xác thực khả năng về một công trình kiến trúc Champa từng tồn tại ở vùng đất Tây Sơn Thượng đạo trước khi anh em nhà Tây Sơn đặt dấu ấn trên vùng đất này.

tuong-ran-naga-1.jpg
Tượng đầu rắn Naga trưng bày tại Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo. Ảnh: X.T

Trong tiếng Phạn, naga có nghĩa là rắn hổ mang lớn. Rắn Naga là linh vật trong thần thoại Ấn Độ, thường xuất hiện dưới các trạng thái 3 đầu, 5 đầu hoặc 7 đầu.

Theo thần thoại Ấn Độ, rắn biểu hiện của nguồn nước. Rắn gắn liền với khả năng sinh sản, sự bảo vệ, sự hủy diệt, phản ánh mối quan hệ phức tạp giữa thiên nhiên và con người. Vì vậy, việc thờ thần rắn thường gắn với tục thờ nước.

Năm 2008, trong quá trình nạo vét lòng hồ thuộc di tích Nền nhà, hồ nước ông Nhạc, đội thi công đã phát hiện tượng đầu rắn Naga. Sau đó, tượng được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo.

Tượng được làm bằng sa thạch hạt mịn, tạo hình 3 đầu, trong tư thế vờn cao. Phần miệng gần như bị mất toàn bộ, mắt tròn, kết hợp chạm khắc những đường uốn cong uyển chuyển từ đỉnh đầu thuôn dài xuống thân. Mặt tượng bên phải còn 2 mắt, bên trái còn 1/2 mắt. Dưới cổ, điêu khắc 16 cái vảy hình dấu mũ (^) tương đối đều chạy dọc theo thân. Mào rắn tạo gờ nổi, hơi nhọn ở đỉnh chạy từ miệng và chúm lại như một búi tóc ở ngang cổ; đoạn đứt gãy ở cổ có khoét một lỗ tròn có đường kính 9 cm, sâu 4 cm.

Nhìn tổng thể, con rắn trong tư thế ngẩng cao đầu, phù mang rộng, mào dựng đứng như thể hiện uy lực của mình.

Hiện vật được các nhà nghiên cứu xác định có niên đại khoảng thế kỷ XV. Cùng với tượng đầu rắn Naga, Bảo tàng Tây Sơn Thượng đạo còn trưng bày nhiều di vật như: máng dẫn nước được chế tác bằng đá ong, mảnh ngói cũng được tìm thấy di tích Nền nhà, hồ nước ông Nhạc hoặc các hiện vật như cặp chân đèn bằng đồng, bình vôi bằng gốm… đều là những hiện vật liên quan đến văn hóa Champa.

Cũng tại di tích Nền nhà, hồ nước ông Nhạc, năm 2017, chúng tôi tiến hành khảo sát và phát hiện nhiều tảng đá ong được đục đẽo các cạnh khá hoàn chỉnh cùng nhiều mảnh ngói còn vương vãi trên mặt đất.

mang-dan-nuoc.jpg
Viên đá ong có rãnh tại di tích Nền nhà, hồ nước ông Nhạc (làng Hlang, xã Yang Nam, huyện Kông Chro). Ảnh: X.T

Nằm trong không gian văn hóa Champa trên vùng đất Tây Sơn Thượng đạo còn có bia ký Tư Lương (thôn Tư Lương, xã Tân An, huyện Đak Pơ). Bia Tư Lương được xác định có niên đại năm 1438 (niên đại Saka, dưới thời Vua Vira Bhadravarman Deva). Nội dung văn bia Tư Lương đề cập việc Vua Vira Bhadravarman Deva, con trai của Vua Jayasimhavarman trị vì vùng Vijaya (Bình Định ngày nay), ngài đã dựng một ngôi đền và tấm văn khắc tại kinh thành mệnh danh là Samriddhipuri (thành phố thịnh vượng) vào năm 1438.

Ngoài ra, ngài cũng cho xây dựng đường sá và đập nước trên sông Hayav (theo bài Dấu ấn văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam, Tạp chí Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, 2021).

Như vậy, có thể nói, việc phát hiện các di vật, dấu tích nói trên là những minh chứng khẳng định sự tồn tại/ảnh hưởng của văn hóa Champa trên cao nguyên, ít nhất vào khoảng thế kỷ XV. Trong đó, tượng rắn Naga là hiện vật được sử dụng phổ biến trong trang trí kiến trúc đền tháp Champa, được tìm thấy là chứng cứ xác thực khả năng về một công trình kiến trúc Champa từng tồn tại ở vùng đất Tây Sơn Thượng đạo trước khi anh em nhà Tây Sơn đặt dấu ấn trên vùng đất này.

Có thể bạn quan tâm

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.

Giữ lửa văn hóa Cơ Tu

Giữ lửa văn hóa Cơ Tu

Cơm rừng, rượu trời, nói lý hay múa tung tung da dá,...là nét đặc sắc trong văn hóa người đồng bào Cơ Tu, đã và đang được TP Đà Nẵng cố gắng bảo tồn.

Từ trái sang: 4 chị em người Bahnar Đinh Thị Hiền, Đinh Thị Hồng, Đinh Thị Hà, Đinh Thị Hương. Ảnh: M.C

Bốn chị em người Bahnar tâm huyết với văn hóa truyền thống

(GLO)- Cả 4 chị em gái trong một gia đình người Bahnar ở làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đều là thành viên nòng cốt của đội cồng chiêng nữ và câu lạc bộ dệt thổ cẩm của làng. Họ vừa là hạt nhân, vừa là chất xúc tác giúp cộng đồng giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa.

Tác giả bên khối đá có nguồn gốc từ phế tích Chăm An Phú tại nhà thờ Phú Thọ. Ảnh: X.H

Phế tích Chăm ở An Phú: Bí ẩn vẫn còn nằm trong lòng đất

(GLO)- Phế tích Chăm ở xã An Phú (TP. Pleiku) được Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) phối hợp với Bảo tàng tỉnh khai quật khảo cổ học vào năm 2023 và năm 2024. Kết quả khai quật đã phác thảo diện mạo của một đền tháp Chăm cổ, nhưng vẫn còn nhiều bí ẩn chờ được khám phá.

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.