Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Giáo dục, đào tạo cho học sinh dân tộc thiểu số là tạo nền tảng tốt đẹp, căn cơ, vững chắc*

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Về dự lễ khai giảng tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng đã có bài phát biểu đầy tâm huyết đối với sự nghiệp giáo dục nói chung, giáo dục và đào tạo cho con em người dân tộc thiểu số nói riêng. Báo Gia Lai điện tử xin trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Chủ tịch nước đến bạn đọc.

Hôm nay, tôi và các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo tỉnh Gia Lai rất vui mừng tới dự lễ khai giảng năm học 2023-2024 của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên trò chuyện cùng các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên trò chuyện cùng các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh.

Trong không khí hân hoan, phấn khởi của ngày khai trường, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi gửi tới các đồng chí đại biểu, các cô giáo, thầy giáo, cán bộ, nhân viên, các bậc phụ huynh và các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Gia Lai lời chào nồng nhiệt nhất.

Tôi rất vui mừng qua tìm hiểu, với hơn 30 năm thành lập và phát triển, các cô giáo, thầy giáo và các em học sinh của trường đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đồng lòng, quyết tâm đạt được những thành tích rất cao, góp phần tạo dựng truyền thống tốt đẹp của trường. Tôi cũng được biết rằng, từ ngôi trường này đã có hàng ngàn học sinh của các dân tộc vùng Tây Nguyên như: Bahnar, Jrai, Thái, Nùng, Tày, Ê Đê, Xơ Đăng... đã trưởng thành, đóng góp nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh nhà, đóng góp vào sự phát triển của vùng Tây Nguyên nói riêng cũng như là khu vực miền Nam nói chung. Kết quả đó thật đáng tự hào đối với các cô giáo, thầy giáo và tất cả các em. Đúng như khẩu hiệu: Hôm nay các em tự hào về nhà trường, ngày mai nhà trường sẽ tự hào về các em. Và những học sinh trưởng thành từ ngôi trường này đã thực sự trở thành niềm tự hào của nhà trường khi chính bản thân mình viết nên truyền thống tốt đẹp của trường chúng ta.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng quà và trao 100 triệu đồng cho quỹ học bổng của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Ảnh: Đức Thụy

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng quà và trao 100 triệu đồng cho quỹ học bổng của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Ảnh: Đức Thụy

Gia Lai là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên và cả nước. Việc phát triển Gia Lai về mọi mặt từ kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, đảm bảo quốc phòng an ninh, an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị là một nhiệm vụ rất quan trọng. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số được xác định là một khâu đột phá, nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển bền vững của tỉnh.

Trong năm học mới này, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp của tỉnh Gia Lai cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo, thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thực hiện chính sách giáo dục đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng và phát triển các trường dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú để tích cực xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa.

Quang cảnh lễ khai giảng năm học 2023-2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Ảnh: Đức Thụy

Quang cảnh lễ khai giảng năm học 2023-2024 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Ảnh: Đức Thụy

Ngày hôm qua, tôi đã có thư gửi các cô giáo, thầy giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh cả nước với tình cảm không phải chỉ của Chủ tịch nước, mà còn gửi gắm vào đó tình cảm của một người từng đi học như các em, cũng có một thời gian làm thầy giáo tham gia giảng dạy như các thầy cô ở đây, cũng có một giai đoạn làm quản lý địa phương và bây giờ đang thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho. Tôi nghĩ rằng các em, các cô giáo, thầy giáo sẽ có thời gian để đọc thư và cảm nhận được tình cảm của tôi dành cho các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh, gửi vào đó những kỳ vọng, trăn trở đối với các cơ quan, ban, ngành, các bậc phụ huynh và xã hội để cùng chung tay chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà.

Trong không khí khai giảng rất ấm cúng này, tôi xin nêu mấy vấn đề:

Vấn đề thứ nhất, việc thành lập hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú nói riêng và coi trọng giáo dục cho con em đồng bào dân tộc thiểu số nói chung là một chủ trương thể hiện tư duy chiến lược, sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước ta. Đây là chủ trương mang tính thời sự và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Nếu thực hiện tốt việc giáo dục, đào tạo cho con em đồng bào dân tộc thiểu số tức là chúng ta đã tạo được nền tảng tốt đẹp, căn cơ, vững chắc để thực hiện tốt các nhiệm vụ khác. Đối với vùng sâu vùng xa, con em đồng bào dân tộc thiểu số, tôi nghĩ rằng, giáo dục và đào tạo là con đường tốt nhất để thoát khỏi đói nghèo, để vươn lên làm chủ vận mệnh, làm chủ cuộc đời mình trong tương lai. Giáo dục và đào tạo đặc biệt cho đồng bào dân tộc thiểu số nếu làm tốt cũng tạo nền tảng để chúng ta giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cho cả hệ thống chính trị, nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của miền núi, vùng sâu vùng xa. Đây là việc rất quan trọng mà chúng ta cần phải quán triệt, làm tốt.

Một tiết mục văn nghệ chào mừng đậm chất văn hóa Tây Nguyên do học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh trình bày. Ảnh: Đức Thụy

Một tiết mục văn nghệ chào mừng đậm chất văn hóa Tây Nguyên do học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh trình bày. Ảnh: Đức Thụy

Vấn đề thứ hai, xuất phát điểm, điều kiện sống của nhiều em không được thuận lợi như học sinh vùng miền xuôi, thành thị. Vì thế, cùng một chương trình giáo dục, nhà trường và các cô giáo, thầy giáo phải đặc biệt coi trọng việc đổi mới phương pháp giảng dạy; phải kiên trì, bền bỉ, chắc chắn, với phương pháp sư phạm phù hợp với từng em.

Tôi nghĩ rằng, mỗi em học sinh là một cá tính độc đáo và sáng tạo. Nhiệm vụ của thầy giáo, cô giáo là làm sao để các em phát triển được cá tính độc đáo và sáng tạo đó để mỗi em có thể khám phá ra được năng lực thực sự của bản thân, năng khiếu và mục tiêu mà mình hướng tới để phấn đấu và rèn luyện. Tôi nghĩ rằng đó là một nhiệm vụ rất quan trọng của các cô giáo, thầy giáo. Nhà trường và chính quyền địa phương phải quan tâm để tạo ra môi trường vừa học vừa làm, bên cạnh các chương trình trong lớp học có các hoạt động lao động, sản xuất, vui chơi, giải trí. Từ đó giúp học sinh nhận thức rõ hơn, đầy đủ hơn với nhiệm vụ học tập và với sự phát triển toàn diện của bản thân về phẩm chất, trí thức, kỹ năng, ý thức trách nhiệm, xác định rõ mục tiêu phấn đấu của mình.

Vấn đề thứ ba, bên cạnh làm tốt nhiệm vụ dạy và học, nhà trường phải quan tâm thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà nước đối với học sinh, khẳng định sự ưu việt của mô hình cơ sở giáo dục phổ thông dân tộc nội trú, tuyệt đối không được để xảy ra sai sót. Chính sách đối với các trường nội trú dù được Đảng và Nhà nước rất quan tâm nhưng so với điều kiện thực tế thì vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Không ngừng chăm lo, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần thiết thực của các em cũng như của cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường. Tôi mong các em học sinh phải coi ngôi Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh là ngôi nhà của mình; luôn trân trọng, nhớ ơn các thầy, cô giáo, nhân viên, người lao động đã cho mình có được những ngày tháng tươi đẹp dưới mái trường này. Tôi mong rằng, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của các thế hệ anh chị đi trước, các em học sinh sẽ trở thành những công dân rất tích cực, đóng góp thật nhiều cho sự phát triển của địa phương, của vùng Tây Nguyên. Và tôi mong sao, trong số các em, ai cũng thành tài. Trong số các em thành tài có nhiều em tiếp nối sự nghiệp cao quý, trở thành thầy giáo, cô giáo để tiếp tục truyền cho thế hệ sau những kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, giá trị mà học sinh cần có để vững vàng trong tương lai của mình.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh việc quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo cho con em người dân tộc thiểu số. Ảnh: Đức Thụy

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh việc quan tâm đầu tư cho giáo dục và đào tạo cho con em người dân tộc thiểu số. Ảnh: Đức Thụy

Vấn đề thứ tư, tôi rất ấn tượng với chương trình văn nghệ chào mừng, cho thấy các em học sinh, thầy giáo, cô giáo gửi gắm tâm tư, tình cảm, niềm hân hoan, phấn khởi của ngày khai trường. Tôi mong các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên tiếp tục phát huy tốt vai trò của mình, tổ chức môi trường giáo dục bên cạnh việc học tập thật sinh động để các thầy giáo, cô giáo cũng có thời gian chia sẻ, tương tác với nhau, trao đổi, nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, bồi dưỡng tấm lòng yêu nghề, vững vàng hơn nữa trong sự nghiệp trồng người, để các em có điều kiện vui chơi thể thao, văn hóa văn nghệ, tham gia các hoạt động xã hội để phát triển toàn diện, gắn bó hơn với quê hương, yêu hơn văn hóa dân tộc mình. Tôi mong những chương trình văn nghệ như hôm nay sẽ được phát huy để mỗi em học sinh của từng dân tộc được thể hiện những nét đẹp nhất, tinh túy nhất trong văn hóa đặc sắc nhất của mình, giới thiệu đến bạn bè cùng trang lứa. Biết đâu sau này có điều kiện, các em sẽ giới thiệu vẻ đẹp ấy đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Vấn đề thứ năm, tôi đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, các bậc phụ huynh và Nhân dân tỉnh Gia Lai tiếp tục dành sự quan tâm thiết thực, đầu tư thích đáng cho sự nghiệp giáo dục của Gia Lai nói chung và các Trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú của Gia Lai nói riêng; xây dựng cho được môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh, an toàn, để các cô giáo, thầy giáo và các học sinh được giảng dạy và học tập trong niềm vui, hạnh phúc, sáng tạo vì tương lai tốt đẹp của học sinh.

Một lần nữa tôi khẳng định lại, nếu chúng ta làm tốt công tác này sẽ tạo ra tiền đề rất quan trọng để thực hiện tốt các nhiệm vụ khác trong tương lai.

Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống tốt đẹp của trường chúng ta qua hơn 30 năm xây dựng và trưởng thành, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nỗ lực của các cô giáo, thầy giáo và của các em, chúng ta sẽ đạt thêm nhiều kết quả mới.

Chúc các thầy giáo, cô giáo, người lao động và các em học sinh và các đồng chí một năm học mới với nhiều thành tựu mới.

Trân trọng cảm ơn.

--------------

* Đầu đề do Báo Gia Lai điện tử đặt

Có thể bạn quan tâm

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

Lực lượng nổi dậy Myanmar chiếm căn cứ quân sự, bắt giữ một chuẩn tướng

(GLO)- Khuya 9/12, người phát ngôn lực lượng nổi dậy Quân đội Arakan (Myanmar) Khaing Thukha, tuyên bố tổ chức này đã chiếm được căn cứ quân sự lớn ở thị trấn Maungdaw (bang Rakhine), theo trang tin Mint. Chuẩn tướng quân đội Thurein Tun, chỉ huy căn cứ đã bị bắt khi đang tìm cách chạy thoát.