Chơi loài hoa 'quý tộc', rinh bạc tỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vườn lan Thuận Phát nằm trên thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước, Bình Định), là một “không gian lan” với muôn cánh hoa đang kiêu sa khoe sắc.
Biến đam mê thành nghề kinh doanh
Người khai sinh ra vườn lan Thuận Phát là ông Cao Bá Hạnh ở thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước). Năm nay 66 tuổi, ông Hạnh đã có gần 50 năm gắn bó với hoa lan. Ông “mê” lan từ hồi còn rất trẻ, xuất phát từ cái tính hay “chinh phục” của chàng thanh niên cá tính. Bởi, lan là loài hoa “nắng không ưa mưa không chịu”, rất “đỏng đảnh” với thời tiết, nhưng nếu được chăm chút hết lòng thì nó sẽ ban tặng cho người chơi những đóa hoa vừa đẹp vừa kiêu sa.
Không gian ngập sắc hoa lan trong vườn Thuận Phát
Sau thời gian khoác áo bộ đội, ông về tham gia phong trào xây dựng HTXNN tại quê nhà và bắt đầu “gầy” lại niềm đam mê phong lan ông có từ thời trai trẻ. Ngày ấy, người chơi lan ở địa phương chủ yếu là mấy loại lan rừng. Năm 1995, thấy phong rào chơi lan rộ lên khắp nơi, thị trường hoa lan sôi động hẳn lên, ông Hạnh quyết định biến niềm đam mê của mình thành nghề kinh doanh, vậy là ông bắt đầu vào nghề trồng lan.
“Trong tỉnh thì có lan An Lão, lan Vĩnh Thạnh; ngoại tỉnh thì có lan Bờ Y (Kon Tum), lan Sông Hinh (Phú Yên), lan Đức Cơ (Gia Lai). Hồi ấy, người dân ở các huyện miền núi thường vào rừng khai thác lâm sản phụ dưới tán rừng, trong đó có hoa lan, tôi đặt hàng và họ khai thác về bán cho mình. Khi nào có hàng, họ gọi điện thì mình lên chở về”, ông Hạnh nhớ lại.
Nói về lan rừng, ông kể một thôi một hồi những cái tên nghe rất lạ. “Ngọc Điểm, Vân Hài, Dã Hoa, Thủy Tiên, Hoàng Thảo Ngũ Sắc, Long Tu… Đó là những loài lan người chơi rất ưa chuộng. Trong đó, lan Vân Hài là cực kỳ quý hiếm, và tôi đã sớm sở hữu đến 6 dòng lan này. Ai mua xô thì mình bán xổi với phương thức tính kg, số còn lại sau khi trồng mình bán hàng thuần với giá cao hơn”, ông Hạnh kể thêm.
Khách hàng tìm đến vườn lan Thuận Phát mua hoa
Ngày ấy, thị trường tiêu thụ lan rừng của ông Hạnh trải đều khắp đất nước, nhưng mạnh hơn cả vẫn là ở các tỉnh phía Bắc. Nói về lan rừng, ông Hạnh là “thương hiệu mạnh” của miền Trung. Ngoài cơ sở lan ở huyện Tuy Phước (Bình Định), ông Hạnh còn một cơ sở khác rộng 700m2 tại Sài Gòn, ông giao cho 2 người con trai chăm sóc. Đến thời điểm này, ông Hạnh đã đầu tư chuyên sâu vào công nghệ cấy mô. Hai hậu duệ của ông Hạnh phụ trách cơ sở ở Sài Gòn chuyên thực hiện cấy mô, nhân giống các loại lan; đồng thời mở rộng kinh doanh nhập lan ngoại từ Thái Lan, Đài Loan về cung ứng cho phía Nam.  
Cha truyền con nối
Người chơi trước tiên là phải biết thẩm thấu vẻ đẹp kiêu sa của lan, thứ đến là phải có tiền, bởi giá của loài hoa này khá đắt. Đến thời điểm lan nhập ngoại từ Thái Lan, Đài Loan về Việt Nam nườm nượp; thêm vào đó, nhiều giống lan được di thực, thuần dưỡng phù hợp với khí hậu Việt Nam nên giá lan cũng không còn quá đắt như trước đó, đến khi ấy người chơi lan ngày càng nhiều. Việc kinh doanh lan của ông Hạnh ngày càng ăn nên làm ra, đến lúc này các con trai của ông Hạnh cũng nhập cuộc.
Anh Cao Bá Hòa, con trai ông Hạnh, người từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản trị - maketing ở Sài Gòn, sau khi tốt nghiệp ra làm việc đúng ngành một vài năm, sau đó về hẳn ở quê làm lan với cha, hiện giờ anh “cầm trịch” vườn lan Thuận Phát. “Lúc còn đang học đại học ở Sài Gòn, mỗi dịp nghỉ hè về quê tôi thường giúp cha trong công việc trồng lan. Làm riết quen việc. Ra trường vào năm 2007, tôi làm việc tại Sài Gòn được vài năm thì gặp lúc việc sản xuất, kinh doanh hoa lan của cha ở quê đang hưng thịnh, công việc bề bộn mà không có ai làm nên tôi quyết định nghỉ việc về quê giúp cha và “dính” luôn với loài hoa phong lan cho đến bây giờ”, anh Hòa nhớ lại.
Hiện ở huyện Tuy Phước anh Hòa đang quản lý 2 cơ sở sản xuất và kinh doanh hoa lan. Riêng vườn lan Thuận Phát ở thôn Vinh Thạnh 1 (Phước Lộc) có diện tích 3.000m2 chuyên kinh doanh hoa lan và 1 xưởng chuyên nuôi cấy mô các loại hoa lan. Lan cấy mô được cung cấp cho những người chuyên bán lẻ hoặc những nhà vườn mua về để sản xuất. Tại xưởng nuôi cấy mô, Hòa đảm nhiệm những công đoạn then chốt như xử lý môi trường nuôi cấy, còn những việc phụ như tách cây thì thuê người làm.
Vườn lan Thuận Phát thường xuyên có mặt hàng trăm loài hoa lan
Cũng heo anh Hòa, hiện lan Dã Hạt, 1 loại lan rừng được người sành điệu ưa chuộng nhất, có giá từ vài ba trăm ngàn đến vài ba triệu 1 giò, những loài lan rừng khác hiện không còn được thị trường "ăn" mạnh như trước đây. “Lan rừng có nhược điểm là ra hoa chỉ năm bảy bữa là tàn, do đó người chơi không còn “hít” như thời gian trước đây, chỉ có vài loại như Ngọc Điểm, Dã Hạt, Trầm là những loài lan có mùi hương nên còn nhiều người thích. Trong khi đó các loài lan lai nhập ngoại hoa đã đẹp lại lâu tàn, nên hiện đang được thị trường ăn rất mạnh”, anh Hòa phân tích.
Cách đây hơn 10 năm, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHKT tỉnh Bình Định đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng quy trình sản xuất hoa phong lan công nghệ cao để xây dựng mô hình sản xuất theo quy mô hộ gia đình” do Thạc sĩ Lê Thị Kim Đào làm Chủ nhiệm, với kinh phí đầu tư khoảng 450 triệu đồng. Sau 2 năm thực hiện, đề tài này đã “cho ra lò” 2 loại lan Dendro và Hồ Điệp được sản xuất theo quy mô hộ gia đình phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Đơn vị này đã nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô và trồng thử nghiệm thành công khoảng 20 dòng hoa thuộc 2 loại hoa nói trên. Đây là các giống phong lan tương đối phù hợp với điều kiện khí hậu tại Bình Định và được người tiêu dùng chấp nhận.
Dáng dấp cây phong lan chẳng có gì hấp dẫn, rất mộc mạc và nguyên sơ, thế nhưng lại sinh ra những đóa hoa đẹp đến ngây ngất lòng người. Bởi thế người chơi lan mới có câu: “Kiến giả thị bảo, bất kiến giả thị thảo”, dịch ra là: “Biết thì là bảo vật, không biết thì chỉ là cỏ”, quả không ngoa!

“Tại vườn lan Thuận Phát lúc cao điểm có đến vài ba trăm loài lan, thời điểm ít nhất cũng 100 loài, cung cấp cho thị trường trong Nam ngài Bắc, cả lên các tỉnh Tây Nguyên. Việc kinh doanh thì năm được năm không, năm được thì vườn lan doanh thu được bạc tỷ, năm không thì cũng được vài ba trăm triệu đồng. Cả anh em trong nhà lẫn nhân công thuê vào làm tại vườn lan Thuận Phát hiện có đến 12 người và không khi nào hết việc”, anh Cao Bá Hòa nói.

Vũ Đình Thung (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn. 
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.