Chơi lan-thú chơi và nỗi lo tận diệt gen quý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chơi hoa lan đã trở thành xu hướng, sở thích của nhiều người. Bởi lan mang vẻ đẹp đài các, sang trọng, tinh tế rất phù hợp với không gian hiện đại, ấm cúng của gia chủ.
Hoa lan luôn được biết đến như một loài hoa quý phái, hoa của bậc đế vương để liên tưởng đến sự tinh khiết, thanh tao, niềm đam mê và tình yêu vĩnh cửu bất diệt. “Vua chơi lan, quan chơi trà”, thú vui xưa chỉ dành riêng cho tầng lớp vua quan, quý tộc nay đã được phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân.
Như những thú chơi khác, thưởng lãm hoa lan cũng cần tới cái tâm, niềm say mê của người nghệ nhân. Với những người say mê loài hoa này, lan không chỉ đẹp bởi vẻ mỏng manh nhưng tràn đầy sức sống mà còn đẹp ngay trong phong cách sống thanh cao.
Vườn của anh Nguyễn Văn Siêm có hơn 4.000 chậu lan. Ảnh: Hà Phương
Vườn của anh Nguyễn Văn Siêm có hơn 4.000 chậu lan. Ảnh: Hà Phương
Anh Nguyễn Văn Siêm- chủ vườn hoa lan Xuân Tuyển (phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) chia sẻ: “Hoa lan chia làm ba loại theo cách trồng: địa lan, phong lan, bán sơn địa. Loại lan hiện đang được ưa chuộng nhất là lan Phi Điệp hay còn gọi là lan Giả Hạt. Chơi lan để gần với thiên nhiên, thư giãn tinh thần sau ngày mệt mỏi, vui thích khi tác phẩm của mình ra hoa. Tôi đã chơi, trồng lan hơn 5 năm, nhà có hơn 4.000 chậu lan với nhiều loại khác nhau”. 
Chăm sóc lan  lắm công phu, vì lan thích sạch sẽ, cây đưa trên rừng về phải rửa sạch, sát khuẩn, diệt nấm, xử lý đất trồng. Điều kiện môi trường sống cho lan là quan trọng nhất. Trồng lan tại khu vực thành phố thì phải làm tiểu khí hậu cho gần giống với tự nhiên trên rừng như ánh sáng vừa phải, gió vừa phải, nhiệt độ không nóng, ẩm nhưng không ướt. “Người mới chơi lan nên chọn dòng dễ trồng, có sức đề kháng khỏe, chi phí thấp để tiếp cận, tìm hiểu phát triển của lan như: Đen Rô, Hồ Điệp, Đại Châu”- anh Tuyển khuyến cáo.
Một số người chơi lan chuyên đi sưu tầm hàng quý hiếm từ các vùng miền của cả nước để có được giò Giả hạc Đak Ley, Giả hạc Hòa Bình, Giả hạc Di linh, Lào hay các loài Giả hạc 5 cánh trắng, mắt đỏ, mắt xước… Chính sự lên ngôi của Giả hạc mắt xước với những giao dịch từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng làm cho lan tự nhiên bị khai thác quá mức dẫn đến kiệt quệ và mất cân bằng trong hệ sinh thái tự nhiên.
Lan rừng đua nhau khoe sắc. Ảnh: Hà Phương
Lan rừng đua nhau khoe sắc. Ảnh: Hà Phương
Một người bán lan trên đường Nguyễn Tất Thành (xin được giấu tên) cho biết: “Chúng tôi thường mua của những người đi khai thác trên rừng về, loại đẹp thì alô đến người chơi có sự đầu tư để họ mua ngay tại nhà, loại vừa phải thì đem ra bán lẻ. Có những loại tìm kiếm cả tháng trời chứ không phải dễ”.
Nhiều người chơi chọn loại vừa tầm, hoặc có chục chậu lan chăm cho vui. Nhưng thú chơi và cả hoạt động kinh doanh làm cho công cuộc tận diện lan rừng đẩy cao, nhiều người vào rừng tìm lan về bán với mục đích khác nhau. 
Hoa lan được người dân mang đi bán trên khắp các tuyến đường. Ảnh: Hà Phương
Hoa lan được người dân mang đi bán trên khắp các tuyến đường. Ảnh: Hà Phương
Trao đổi về vấn đề này, Ông Hồ Lực- Chi hội trưởng Chi Hội hoa lan Gia Lai, chia sẻ: “Loại lan hiện đang được ưa chuộng nhất là phong lan, mà đặc biệt trên cả nước thì lan Phi Điệp hay còn gọi là lan Giả Hạt là loại có giá trị nhất. Chơi lan đòi hỏi niềm đam mê ở mỗi người và tùy theo sự nhận thức để sở hữu những loại lan khác nhau. Gia Lai hiện có những người chơi lan quy mô, sở hữu nhiều giò lan rất hiếm, có giá trị rất cao. Việc khai thác lan rừng một cách vô tội vạ khiến nhiều loại hoa lan đẹp và quý hiếm có nguồn gốc từ thiên nhiên đang dần tuyệt chủng và đây là điều rất đáng lo”.
Hà Phương

Có thể bạn quan tâm