Chiêng làm bằng vỏ… thùng phuy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi ở Tây Nguyên đủ lâu để hiểu được phần nào vai trò, vị trí và giá trị của cồng chiêng trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi đã hàng trăm lần tận tay cầm nắm và thưởng thức âm thanh của các loại chiêng đồng, chiêng tre. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi biết đến một loại chiêng đặc biệt: Chiêng làm bằng vỏ… thùng phuy!
Tôi về thăm xã Ia Rmok (huyện Krông Pa) vào những ngày cuối tháng 6. Các buôn làng Jrai ở đây đang trải qua một đợt nắng nóng dữ dội. Trong ngôi nhà nhỏ, anh Rơ Ô Nới (SN 1981, buôn Blăk) đang tỉ mẩn sửa lại từng chiếc chiêng làm bằng vỏ thùng phuy để kịp cho đội chiêng thanh niên của buôn tập luyện vào những ngày tới. Mồ hôi chảy thành dòng trên gương mặt khắc khổ của anh. Bộ chiêng sắt của anh Nới có 16 chiếc, từ nhỏ đến lớn, đều đặn như những bộ chiêng truyền thống thường thấy. Chiếc chiêng lớn nhất có đường kính gần 40 cm, nặng 1,1 kg; chiếc nhỏ nhất có đường kính chỉ 20 cm và trọng lượng vừa tròn 200 gram. Cả bộ chiêng của anh chỉ nặng hơn 10 kg, khá tiện cho việc di chuyển hoặc diễn tấu.
“Chiêng này hay hơn chiêng ông bà để lại không?”. Nghe tôi hỏi, Rơ Ô Nới liền lấy dùi gõ vào núm cái chiêng đang sửa và đáp ngay: “Chiêng sắt không “ngon” bằng chiêng đồng đâu. Vì nó mỏng nên tiếng nó không đi xa được. Nhưng thanh niên lại thích, muốn đánh lúc nào thì đánh thôi, không kiêng cữ gì”. Quả đúng là tiếng chiêng không thật trong và sức vang của âm thanh có giới hạn, song nó cũng khiến người nghe không khỏi thích thú.
Ở buôn Blăk không chỉ có anh Nới mà anh Kpă Thit (SN 1978) cũng là người có niềm đam mê chế tác chiêng từ vỏ thùng phuy. Vài năm trở lại đây, 2 người đàn ông này đã tự bỏ kinh phí và thời gian để kỳ công làm 2 bộ chiêng sắt rồi bày cho thanh niên trong buôn đánh. Để cho chiêng sắt giống với chiêng đồng, không chỉ tỉ mỉ trong gò và chỉnh sửa âm thanh, họ còn dùng sơn vàng phủ lên núm chiêng, tạo nên màu sắc khá bắt mắt.
Anh Rơ Ô Nới (bìa phải) và Kpă Thit cùng chỉnh chiêng. Ảnh: N.Q.T
Anh Rơ Ô Nới (bìa phải) và Kpă Thit cùng chỉnh chiêng. Ảnh: N.Q.T
Theo người dân buôn Blăk, giá của một bộ chiêng đồng mới khoảng 40-50 triệu đồng; chiêng lâu đời và quý thì càng đắt hơn, có khi lến đến hàng trăm triệu đồng. Mức giá này khiến không phải gia đình Jrai nào cũng có thể sắm được chiêng. Trong khi đó, từ một cái thùng phuy giá độ 300.000 đồng, anh Nới và Thit có thể cho ra đời 5 đến 6 chiếc chiêng. Như vậy, chỉ cần chưa đến 1 triệu đồng và chừng một tháng tranh thủ sau giờ làm rẫy, 2 anh đã có thể hoàn thành bộ chiêng 16-18 chiếc, y như biên chế dàn chiêng Arap của cộng đồng mình.
Chị Phan Thị Anh Vũ-cán bộ văn hóa xã Ia Rmok-cho biết: Xã có 5 buôn với hơn 1.260 hộ, trên 6.000 khẩu, người Jrai chiếm đến 98%. Trừ 1 buôn không sở hữu cồng chiêng, 4 buôn còn lại đang lưu giữ trên 20 bộ. Đây là tài sản của các gia đình và dòng họ nên không phải lúc nào cũng có thể mang ra đánh, mà phải nhân một sự kiện quan trọng nào đấy. Trong khi đó, chiêng sắt làm từ vỏ thùng phuy tuy tiếng không vang, hình thức không đẹp bằng chiêng đồng truyền thống nhưng mặt tích cực của nó là tiện dụng và rẻ.
Theo chị Vũ, ban đầu thấy bộ chiêng sắt lạ lẫm không giống ai, nhiều người cũng nghi ngại, thậm chí buồn cười. Nhưng trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện (23-4-2019), được sự động viên của chị, những chiếc chiêng sắt đã lần đầu tiên xuất hiện trong đội hình chào mừng sự kiện này và “chinh phục” được khán giả. Đó là một sự thay đổi rất đáng kể. Ai cũng nhìn, ai cũng đến sờ, nhấc lên, lật qua lật lại rồi gõ thử từng chiếc chiêng ấy. Sau đó, họ lắng tai nghe xem âm thanh của chúng như thế nào.
Ngồi xem đám thanh niên trong làng tập chiêng, anh Kpă Y Prơt tâm sự: “Chiêng này hợp với thanh niên. Vì chúng nó muốn tập, muốn đánh lúc nào cũng được. Không lo bị hư hỏng như chiêng đồng. Nếu chiêng có bị mất tiếng thì cũng sửa lại được ngay. Không thể bằng chiêng ông bà để lại, nhưng với đám thanh niên chúng cũng như trái bóng chuyền ấy, thích là đem ra chơi, cũng vui”. 
Đã gần 15 năm kể từ ngày UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (25-11-2005). Qua chừng ấy thời gian, điều đáng mừng nhất là cụm từ “chảy máu cồng chiêng” không còn được nhắc đến nhiều như trước đó nữa. Quả đúng là nhận thức thay đổi đã khiến cho hành động thay đổi. Hơn chục năm qua, được sự quan tâm không chỉ của người trong nước mà còn là của cả cộng đồng quốc tế, những chủ thể của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã biết mình phải làm gì với di sản quý báu mà cha ông truyền lại.
Thực tế cho thấy, nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn chưa hết khó khăn về kinh tế. Do đó, kinh phí để mua sắm chiêng là chuyện không dễ dàng. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của 2 bộ chiêng sắt ở Krông Pa là một tín hiệu tích cực. Nó không chỉ cho thấy cồng chiêng đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ về công năng mà còn khẳng định rằng, niềm đam mê trình tấu loại nhạc cụ này của những người Jrai trẻ tuổi là bất tận. Quan trọng hơn, họ đã khắc phục khó khăn để làm cho kỳ được điều mình yêu thích, qua đó góp phần lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. 
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Lễ báo hiếu: Thơm thảo tấm lòng con cái

Lễ báo hiếu, thơm thảo tấm lòng con cái

(GLO)- Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, người Bahnar luôn nhắc nhau: “Phải kính trọng cha mẹ như mặt trăng, kính trọng ông bà như mặt trời”. Khi đã trưởng thành, con cái đều nghĩ đến việc tổ chức lễ báo hiếu cha mẹ (teh nhung ăn kră).

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành QĐ số 60/2024/QĐ-UBND quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh)

Vọng tiếng chuông ngân

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều ngôi chùa bắt đầu bằng chữ Bửu như chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Hải (TP. Pleiku). Riêng cái tên Bửu Tịnh được đặt cho 2 ngôi chùa, 1 ở Ayun Pa, 1 ở Krông Pa. Nhà tôi ở gần chùa Bửu Tịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

Nét đẹp tặng chữ đầu xuân

(GLO)- Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân Việt lại náo nức với những phong tục truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Trong đó, nét đẹp tặng chữ đầu xuân đã trở thành một truyền thống hiếu học của dân tộc và mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, tài lộc, hạnh phúc cho năm mới.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.