Nhiều chủ rừng, chính quyền địa phương hằng năm vẫn nhận kinh phí bảo vệ rừng nhưng lại liên tục để xảy ra nạn phá rừng
Trong thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên liên tục phát hiện nhiều vụ việc phá rừng quy mô lớn. Điều đáng nói, mỗi năm các chủ rừng, UBND xã để mất rừng lại nhận tiền dịch vụ môi trường rừng và các nguồn ngân sách khác để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Liên tục bị tàn phá
Tại khu rừng thuộc địa phận xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, phát hiện điểm khai thác rừng trái phép và vận chuyển công khai qua trạm quản lý bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba nên phóng viên đã báo cho chính quyền địa phương.
Sau đó, UBND huyện Krông Pa đã cho đoàn liên ngành đi kiểm tra và xác định có 49 gốc cây bị đốn hạ trong tháng 8 vừa qua. Qua đợt truy quét, đoàn liên ngành đã bắt giữ 1 ôtô và 12 xe máy độ chế đang vận chuyển gỗ. Bị phát hiện, các đối tượng bỏ tang vật, phương tiện chạy trốn. Cùng thời gian này, đoàn liên ngành tỉnh Gia Lai cũng kiểm tra tại vùng rừng giáp ranh 2 huyện Ia Pa và Kông Chro, phát hiện hơn 200 gốc cây lớn bị cưa hạ trái phép. Số gỗ này được xác định khai thác tại lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ia Pa quản lý. Tại hiện trường, lực lượng chức năng còn phát hiện rất nhiều gỗ vừa mới khai thác trái phép đã xẻ thành hộp. Trong khi đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV-PTR) tỉnh Gia Lai trong năm 2018, đã chi hơn 132 tỉ đồng cho dịch vụ môi trường rừng. Nhiều chủ rừng, chính quyền địa phương hằng năm vẫn nhận kinh phí bảo vệ rừng nhưng lại liên tục để xảy ra nạn phá rừng.
Còn theo Quỹ BV-PTR tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2018, quỹ này đã chi gần 74 tỉ đồng cho 173 chủ rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ 228.600 ha rừng. Thế nhưng, rừng ở Đắk Lắk vẫn đang "chảy máu". Năm 2018 và quý I/2019, lực lượng chức năng phát hiện 1.359 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu gần 2.000 m3 gỗ, xử lý hình sự 23 vụ với 34 bị can. Nổi cộm là rừng do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar (huyện Ea Kar) quản lý liên tục để xảy ra phá rừng quy mô lớn nhưng chủ rừng không có giải pháp ngăn chặn. Mới đây, vào cuối tháng 8, lực lượng công an đã triệt phá đường dây khai thác gỗ lậu quy mô lớn, thu giữ hơn 300 m3 gỗ lậu. Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp cả về tính chất và mức độ vi phạm. Các công ty lâm nghiệp dù đã được sắp xếp lại nhưng chưa bảo vệ tốt tài nguyên rừng, đất rừng; việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng cũng chưa kịp thời, đồng bộ.
Gỗ bị khai thác lậu tại xã Tul, huyện Ia Pa. Ảnh: HOÀNG THANH
Nhiều biểu hiện sai phạm
Ông Ksor Run, Chủ tịch UBND xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, cho biết mỗi năm xã nhận hơn 300 triệu đồng để chi trả cho các nhóm hộ hằng tuần tổ chức đi thực địa kiểm tra và bảo vệ rừng. Theo ông Siu Sứ, Chủ tịch UBND xã Ia Tul, huyện Ia Pa, mỗi năm xã này cũng nhận gần 2 tỉ đồng để phân bổ đều cho 6 cộng đồng thôn chung tay quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên theo ghi nhận thực tế trên địa bàn, tình trạng phá rừng vẫn diễn ra.
Ông Võ Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ BV-PTR tỉnh Gia Lai, nhìn nhận kinh phí cho dịch vụ môi trường rừng tại một số xã ở tỉnh này có nhiều biểu hiện sai phạm như: mở nhiều tài khoản trung gian, chi trả thiếu tiền khoán bảo vệ rừng của dân và chưa tuân thủ quy định khi mở sổ theo dõi. Tại xã Ia Tul, huyện Ia Pa, trong 3 năm (2016-2018), chi trả tiền cho 6 cộng đồng nhận khoán thiếu gần 2 tỉ đồng. Thanh tra huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai đã phát hiện UBND xã Hà Tây (huyện Chư Pah) quản lý, sử dụng kinh phí dịch vụ môi trường rừng tùy tiện, lập khống chứng từ để thanh toán 22 triệu đồng tổ chức hội nghị tuyên truyền; hợp thức hóa chứng từ thanh toán với số tiền hơn 271 triệu đồng. Trong khi huyện này đã để mất 850 ha rừng. Bên cạnh đó, UBND xã Hà Tây còn tự ý trích lại phần trăm (hơn 624 triệu đồng) kinh phí của 3 làng và 2 nhóm hộ được thụ hưởng tiền nhận khoán bảo vệ rừng. Ông Thaoh, Chủ tịch UBND xã Hà Tây, giải thích số tiền trích lại này là để chi bồi dưỡng cho cán bộ tham mưu, làm thủ tục thanh toán hợp đồng bảo vệ rừng, chi tiếp khách. Số tiền này được giao cho kế toán giữ, khi cần thì ông Thaoh chỉ đạo chi, không ghi vào sổ sách. "Các đơn vị phải chi đúng, chi đủ số tiền trên diện tích mà các đơn vị chủ rừng quản lý. Còn việc quản lý, bảo vệ các diện tích rừng này là trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn" - ông Hạnh nói.
Trách nhiệm không cao vì... tiền ít! Ông Trương Văn Nam, Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, cho biết hiện việc giao khoán bảo vệ rừng cho các nhóm hộ còn nhiều lỗ hổng. Cụ thể, các hộ nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng, hằng năm nhận tiền đều đặn nhưng không có chế tài ràng buộc khi để mất rừng. Ngoài ra, tiền nhận khoán bảo vệ rừng (tùy khu vực, từ 120.000 đồng đến 400.000 đồng/ha/năm) quá ít nên người nhận khoán không mặn mà, bỏ bê nhiệm vụ. |
Hoàng Thanh-Cao Nguyên (Người Lao động)