Chậm lại một phút giây thôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giờ tan tầm, xe cộ nườm nượp, chật cứng, đèn còi rộn ràng, thúc giục. Dừng trước đèn đỏ mà lòng ai như cũng vội vàng. Cái gấp gáp cuối ngày đã thành tâm lý chung của người lao động trong thành phố.

Bởi lẽ, họ biết rõ điều gì đang chờ mình ở cuối con đường. Tiếng con trẻ, nồi canh sực ấm trong gian bếp nhỏ, cuốn sách đọc dở dang hay một nỗi cô đơn không hẹn trước… Có phải vì những điều ấy mà ta lơ đãng, quên cả ánh hoàng hôn chỉ vừa kịp phớt hồng lên nền trời là vào đêm rất nhanh.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Thành phố vừa dựng thêm vài cột đèn giao thông để ngăn những vội vàng, dù có người không bao giờ muốn chậm lại. Ta dừng trước đèn đỏ bao lần. Có khi lạc đi ý niệm về thời gian, vài giây ngắn ngủi cũng đủ để ký thác dòng suy tưởng của mình giữa ngã tư với ngần ấy xáo động. Chẳng ngẫm ngợi chuyện gì cho đáng. Cũng không nhất nhất chú tâm vào cảnh vật nào. Sao ta cảm giác mình đang rơi vào trạng thái mông lung nào đó, rất khó minh định. Những vòng xe cứ chực ào tới, bỏ lại tường vách phố thị sau lưng. Con đường trước mặt sẽ nối về tận cùng xa xôi nào? Thế giới này nhỏ bé hay vô biên? Là thánh đường nguy nga hay chỉ là căn gác nhỏ một đêm người nương náu? Ta vờ như hiểu hết mà lại quá mơ hồ.

Có người nói cuộc sống này là một chiếc lưới, giăng ra bao nhiêu thứ trói buộc ta. Từ thuở tóc còn xanh cho đến khi đầu bạc, dù thanh nhàn hay mòn mỏi thì ai cũng phải dong mình với thời cuộc. Như cánh buồm rẽ sóng đâu biết đại dương mênh mông. Khi điểm lại tháng ngày qua, ta thấy dâng lên một niềm nuối tiếc nhẹ nhàng. Cứ bảo đừng sống bằng hồi ức nhưng mấy ai không mủi lòng. Ngẫm đôi ba câu chuyện, thấy được-mất ở đời như cát trong lòng tay, lúc hân hoan nắm giữ, khi lại buồn bã để trôi tuột đi. Ngay đến con người, sống-chết cũng vô chừng. Thế nên, phố đông rồi phố vắng. Bạn ta, một ngày kia không còn thấy bóng dáng dừng trước cột đèn những chiều tan tầm nữa. Họ về với thênh thang trước khi mùa xuân kịp đến. Còn ta thấm thía hơn câu nói: “Sống một ngày là lãi một ngày”. Và như thế, ta vừa bước đi trên trần gian vừa tự hỏi mình còn bao nhiêu ngày tháng nữa mà tiếp tục hời hợt, ồn ào.

Biết thế nhưng ta không đốc thúc hành trình sống của mình. Cứ chậm chạp như sợ bỏ quên một điều gì đó. Kể từ ngày xa rời trò chơi năm mười của tuổi ấu thơ, đến bây giờ, vài người vẫn trốn vào thế giới riêng mang giữa cái lồng lộng của nhân gian. Một nhà văn từng nói, làm người thì phải sống giữa con người nhưng được phép sống theo lối của mình một cách chân thật nhất. Đó mới là giá trị thực của cuộc đời. Khi hành trình sống chưa dừng lại thì ta mãi là khách lữ hành cứ rong ruổi đi tìm cái vẻ thuần khiết không dễ gì có được. Như sớm nào thức dậy trước bình minh lại nghe vang lên câu hát: “Tôi ru em ngủ, một sớm mùa đông”… Ly cà phê đen đá không cần đếm bao nhiêu ngọt đắng mà vẫn thơm đậm đến tận cùng.

Ngày mới bắt đầu. Tiếng chim vẫn hót trong đơn lẻ, hoa kia sẽ nở như đã sắp đặt từ lâu. Còn chúng ta, dù đã hoàn thành công việc theo ý nguyện hay chưa thì giờ tan tầm vẫn đến. Ta lại dừng trước đèn đỏ trong cơn mưa thoảng hương lạnh qua vai, muốn dừng thêm đôi ba phút nữa mà đâu thể. Tựa như cuộc sống này, có gì đó cứ xô đời ta mãi. Phải chăng ngọn lửa mãnh liệt nào cũng không đủ sức để luôn luôn cháy sém lên? Vậy nên, tôi thích cái tựa “Than đỏ dưới tro tàn” của nhà văn Đỗ Bích Thúy là thế.

Có thể bạn quan tâm

Nhớ bếp lửa nhà sàn

Nhớ bếp lửa nhà sàn

(GLO)- Gần 50 năm gắn bó với vùng đất Tây Nguyên, tôi đã đi qua nhiều buôn làng, tiếp xúc với bao con người hiền lành như đất, mộc mạc như cây rừng. Và trong những buôn làng đó, từng bếp lửa nhà sàn đã để lại trong tôi ấn tượng đậm sâu với không gian đầm ấm và chân tình

Hương nhãn

Hương nhãn

(GLO)- Tháng Tư về, mang theo những giọt sương tinh khôi lặng lẽ đọng trên mái nhà, ấp ôm không gian trong cái se lạnh dịu dàng của phố núi. Pleiku tỉnh giấc giữa sắc trời tĩnh lặng mà chất chứa bao xao xuyến.

Tháng Tư về nguồn

Tháng Tư về nguồn

(GLO)- Chúng tôi đến TP. Hồ Chí Minh giữa những ngày tháng Tư lịch sử, vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mưa đầu hạ

Mưa đầu hạ

(GLO)- Pleiku vào hạ không báo trước bằng cái nóng gắt gao, cũng chẳng cần đến tiếng ve râm ran hay sắc phượng rực trời. Chỉ cần một cơn mưa đầu mùa, bất chợt, ào ạt mà vô cùng êm dịu là biết hè đã chạm ngõ.

Lưu bút

Lưu bút

(GLO)- Lưu bút không đơn thuần là một cuốn sổ. Nó là nơi giữ lại cả một khoảng trời tuổi trẻ, nơi từng nét chữ đều mang theo một phần ký ức.

Mùa cá cơm

Mùa cá cơm

(GLO)- Đã mấy bận đến xã Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), tham quan hầu hết thắng cảnh, thưởng thức đủ mọi đặc sản bậc nhất, tôi từng nghĩ mình am tường vùng đất này lắm. Vậy mà, khi lang thang đến bến cá Nhơn Lý, tôi mới nhận ra những gì mình biết chỉ lớp vỏ bên ngoài.

Hương ngọc lan

Hương ngọc lan

(GLO)- Hương ngọc lan là mùi hương thanh khiết nhất mà tôi được biết trong tuổi thơ của mình. Đó là sự dịu ngọt nhẹ nhàng và vô cùng gây thương nhớ cho người lữ khách.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Món quà của chị Hai

(GLO)- Thời tiểu học, tôi khá biếng nhác việc học. Kết quả học tập của tôi năm nào cũng gần như “đội sổ”, trầy trật hết cách mới không bị lưu ban. Trong khi đó, các anh chị tôi đều học giỏi. Tuy nhiên, đọc cuốn sách 'Vượt đêm dài' của nhà văn Minh Quân do chị Hai tặng đã thay đổi cuộc đời tôi.

Tan biến giữa rừng

Tan biến giữa rừng

(GLO)- Tôi mê đắm Tây Nguyên bắt đầu từ 2 chữ “đại ngàn”. Tôi cũng đã từng mường tượng về những cánh rừng bạt ngàn, tán cây che kín không thấy ánh mặt trời, dây leo và cây bụi lấp kín không một lối mòn, muông thú chạy nhảy dưới những tán xanh.

Giai âm tiếng lòng

Giai âm tiếng lòng

(GLO)- Nếu tin rằng mọi thứ đều có nguyên do thì lý do ra đời của cây đàn guitar chắc hẳn là niềm ưu ái vô bờ mà thượng đế đặc biệt ban tặng cho con người.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

Xôn xao chợ núi

Xôn xao chợ núi

(GLO)- Chợ núi cũng như bao khu chợ ở nhiều vùng miền khác, là nơi mua bán trao đổi, gặp gỡ chuyện trò. Song, chính sự chân chất, bình dị của những phiên chợ này lại khiến bao người nhớ nhung.

Những bức ảnh cũ

Những bức ảnh cũ

(GLO)- Một hôm, tôi vô tình phát hiện cuốn album cũ nằm lẫn giữa đống giấy tờ trong ngăn tủ quần áo. Tôi cầm lên, có cảm giác như chạm vào từng ký ức xa xôi. Ngày xưa yêu dấu theo những bức ảnh lần lượt quay về.

Chờ đợi tầm xuân

Chờ đợi tầm xuân

(GLO)- Tầm xuân đã trở thành cái tên rất quen thuộc với chúng ta, nằm lòng như mấy câu lục bát: “Trèo lên cây bưởi hái hoa/Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/Em có chồng anh tiếc lắm thay”.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Nếp nhăn của mẹ

(GLO)- Từ lúc còn nhỏ, tôi đã quen với hình ảnh của mẹ-một người phụ nữ cần mẫn, tảo tần từ sáng đến tối. Mẹ như bông lúa chín, dẻo dai trước nắng mưa nhưng vẫn mang trên mình những dấu ấn của thời gian. 

Minh họa: HUYỀN TRANG

Bảng lảng mùa sương

(GLO)- Chiếc xe bắt đầu sang số, nhấn ga để vào địa phận đèo dốc. Trước mặt chúng tôi, sương giăng đầy. Sương bao trùm đỉnh núi, bám phủ quanh rừng cây, buông mình lên những vạt cỏ, xóa luôn dấu vết con đường quanh co, khúc khuỷu. Kính xe mờ, mặt người đẫm lạnh.

Minh họa: Huyền Trang

Nẻo về Pleiku

(GLO)- Tôi ngồi gõ những dòng này vào ngày đầu tiên thí điểm mở thông tuyến đường Trần Hưng Đạo đoạn đi qua phía trước Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên (TP. Pleiku).