Câu lạc bộ Huyền thoại Vua Hùng: Tạo đà chinh phục đỉnh cao tri thức Olympia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 3 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Huyền thoại Vua Hùng (Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai) đã trở thành sân chơi bổ ích đối với nhiều học sinh. Thông qua hình thức sinh hoạt đa dạng và khoa học, CLB đã góp phần tạo đà cho những “nhà leo núi” tự tin chinh phục đỉnh cao tri thức Olympia.
“Thắp lửa” đam mê
Đúng lịch hẹn, các thành viên thường trực của CLB Huyền thoại Vua Hùng đã có mặt đầy đủ tại một phòng học của trường để sinh hoạt chuyên môn định kỳ. Sau phần đánh giá hoạt động trong tháng vừa qua, CLB tập trung bàn giải pháp hỗ trợ em Nguyễn Vũ Nhật Huy (lớp 11C3A, quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của nhà trường năm 2020) chuẩn bị tâm thế và kiến thức vững vàng để “leo núi” thật tốt tại trường quay S14-Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) vào tháng 5 tới. Những bộ đề mẫu dành cho Huy được CLB tổng hợp, biên soạn từ các cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của VTV, từ giáo viên bộ môn và học sinh lớp chuyên của trường.
Nguyễn Vũ Nhật Huy cho hay: “Em chính thức là thành viên CLB từ tháng 11-2020. Tại đây, em được các anh chị truyền đạt, chia sẻ kiến thức lẫn kỹ năng, tâm lý cần thiết cho cuộc thi. Ngoài ra, CLB còn kết nối, tạo điều kiện để em có cơ hội thi thử trực tuyến, cọ xát với các thí sinh Olympia trên cả nước, từ đó đúc rút thêm được nhiều kinh nghiệm cho bản thân. Hiện tại, em cố gắng chuẩn bị thật tốt để gặt hái được kết quả cao, hy vọng có thể hiện thực hóa ước mơ mang cầu truyền hình về với Trường THPT chuyên Hùng Vương”.
Chủ nhiệm CLB Trần Nhật Quang (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm “leo núi” cho em Nguyễn Vũ Nhật Huy để gặt hái được thành tích cao tại cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia tại VTV. Ảnh: Mộc Trà
Chủ nhiệm CLB Trần Nhật Quang (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm “leo núi” cho em Nguyễn Vũ Nhật Huy để gặt hái thành tích cao tại cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia của VTV. Ảnh: Mộc Trà
Theo Chủ nhiệm CLB Trần Nhật Quang (lớp 12C3A), CLB Huyền thoại Vua Hùng chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018, chịu sự quản lý trực tiếp của Hội Liên hiệp Thanh niên Trường THPT chuyên Hùng Vương. Đây là ý tưởng của cựu học sinh Nguyễn Hữu Quốc-người đại diện cho trường dự thi Đường lên đỉnh Olympia của VTV cùng năm nhằm tạo ra một sân chơi tri thức bổ ích cho các “nhà leo núi”. Ban đầu, thành viên của CLB chỉ gồm những học sinh từng tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, về sau đã thu hút đông đảo các bạn có chung niềm đam mê “leo núi”.
Em Lê Nguyên Nhật (lớp 10C2B) chia sẻ: “Từ nhỏ, em đã rất thích và thường xuyên theo dõi chương trình Đường lên đỉnh Olympia trên ti vi. Vì thế, khi biết ngôi trường mà mình đang theo học có CLB liên quan, em đăng ký tham gia ngay. Ở đây, em đã học hỏi được rất nhiều từ các anh chị, biết cách tích lũy kiến thức và rèn luyện kỹ năng cần thiết cho bản thân. Được sự động viên của CLB, sắp tới, khi trường tổ chức cuộc thi, em chắc chắn sẽ thử sức “leo núi”.
Chung tay tạo sân chơi hữu ích
Từ khi ra đời, CLB Huyền thoại Vua Hùng đã đồng hành cùng với nhà trường trong việc tổ chức cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia nhằm tạo ra sân chơi trí tuệ cho học sinh toàn trường. “Ban Chủ nhiệm CLB đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho 4 ban trực thuộc gồm: Ban Kiểm duyệt, Ban Nội dung, Ban Truyền thông và Ban Hậu cần xuyên suốt thời gian diễn ra cuộc thi từ tháng 5 đến tháng 11.
Đặc biệt, dưới sự hướng dẫn của đội ngũ giáo viên cố vấn, các thành viên trong Ban Nội dung CLB đã soạn thảo nhiều bộ đề thi khác nhau tương ứng với 4 vòng thi; trong đó, 2 vòng loại thi theo hình thức trắc nghiệm, riêng vòng bán kết và chung kết thi theo đúng format chương trình của VTV. Ai cũng cố gắng để cuộc thi diễn ra ngày càng bài bản, chuyên nghiệp và tìm ra được nhà vô địch xứng đáng nhất”-Chủ nhiệm CLB Trần Nhật Quang thông tin.
Cô Lê Thị Thu-Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương: Câu lạc bộ Huyền thoại Vua Hùng đã tạo ra sân chơi lành mạnh về trí tuệ cho những học sinh có niềm đam mê chinh phục đỉnh Olympia của VTV trong toàn trường. Với hình thức tổ chức và phương thức hoạt động khoa học, hàng năm, CLB đã hỗ trợ nhà trường tìm ra gương mặt đại diện tham dự cuộc thi trên sóng truyền hình quốc gia. Nhà trường luôn tạo mọi điều kiện để CLB duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động, góp phần xây dựng hình ảnh học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương nói riêng và Gia Lai nói chung trên “đấu trường trí tuệ” cả nước. Đây cũng là mô hình mang màu sắc riêng của nhà trường.
Cô Nguyễn Thị Mai Loan-Bí thư Đoàn trường THPT chuyên Hùng Vương-cho biết: Toàn trường có 13 CLB trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên của trường, riêng CLB Huyền thoại Vua Hùng do Đoàn trường hỗ trợ thành lập, trực tiếp quản lý về thời gian, nhân sự và phương thức hoạt động. Đoàn trường cũng đã tham mưu Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng Ban Cố vấn cho CLB gồm 11 thầy cô trên tất cả các lĩnh vực. Từ khi ra đời đến nay, CLB này đã giúp nhà trường tổ chức cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia một cách chuyên nghiệp hơn, đồng thời, tạo ra môi trường sinh hoạt tri thức năng động, sáng tạo, hấp dẫn cho học sinh toàn trường.
Hàng năm, CLB Huyền thoại Vua Hùng đã hỗ trợ nhà trường tìm ra học sinh dự thi Đường lên đỉnh Olympia do VTV tổ chức. Ảnh: Mộc Trà
Hàng năm, CLB Huyền thoại Vua Hùng đã hỗ trợ nhà trường tìm ra học sinh tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do VTV tổ chức. Ảnh: Mộc Trà
Để giúp các “nhà leo núi” của trường quen dần với thể thức cuộc thi trên sóng quốc gia, CLB thường xuyên theo dõi, cập nhật kịp thời những điểm mới từ chương trình của VTV cho cuộc thi cấp trường. Theo em Trần Nhật Quang, mới đây, VTV quyết định thay đổi luật chơi cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 ở phần thi về đích.
Cụ thể, thay vì thi theo vị trí xuất phát như trước, giờ đây, thí sinh nào có điểm số cao nhất sau phần thi tăng tốc sẽ bước vào thi về đích đầu tiên. Khi thí sinh này thực hiện xong phần thi của mình, những người còn lại ai có số điểm cao hơn sẽ thi tiếp theo. Trường hợp có từ 2 đến 4 thí sinh có cùng mức điểm thì sẽ dựa vào vị trí xuất phát. Luật chơi mới này khiến phần thi về đích trở nên hồi hộp, kịch tính hơn.
Bởi lẽ, các thí sinh chưa có lợi thế hoặc cơ hội bứt phá ở các vòng thi trước có thể đưa ra chiến lược phù hợp hơn cho mình. Người dẫn đầu cũng có thể tụt hạng và nhường lại cơ hội cho đối thủ. Vì vậy, ngay trong cuộc thi lần thứ IV (năm học 2020-2021), trường đã tổ chức thi theo sự thay đổi này, đồng thời, tư vấn kỹ cho các thí sinh cân nhắc, lựa chọn chiến thuật thật phù hợp để giành được vòng nguyệt quế.
Thầy Nguyễn Tiến Sỹ-người đồng hành với CLB từ ngày thành lập trong vai trò cố vấn về nội dung lẫn kỹ thuật-chia sẻ: “Giáo viên chỉ hỗ trợ cho CLB trong khâu biên soạn nội dung, tổ chức hoạt động và cuộc thi khi các em gặp khó khăn, vướng mắc; đồng thời, hướng dẫn về cách thiết lập, kết nối phần mềm và tăng cường bảo mật trong khâu tổ chức cuộc thi. Các khâu còn lại đều do thành viên CLB chủ động triển khai bằng đam mê và nhiệt huyết của mình. Đây là điều rất đáng khích lệ”.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.