Câu chuyện về một người con lai Việt-Nga tìm về nguồn cội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tâm sự với chúng tôi, Zhenya - một người con lai Việt Nga, cho biết anh mới có cuộc hội ngộ đầu tiên với gia đình của cha anh, trong cuộc tìm về nguồn cội mà anh ấp ủ đã lâu.
Anh Zhenya xem những kỷ vật gắn liền với đất nước Việt Nam. (Ảnh do nhân vật cung cấp/Vietnam+)
Anh Zhenya xem những kỷ vật gắn liền với đất nước Việt Nam. (Ảnh do nhân vật cung cấp/Vietnam+)
Zhenya tình cờ đến nhà tôi một chiều tháng 7 vừa rồi.
Hôm ấy trời nóng, ngay người bản xứ chúng ta còn thấy bức bối nữa là du khách xứ ôn đới. Nhưng tôi thấy Zhenya (dáng vóc khá đồ sộ) lại có vẻ không quá bận tâm đến khí hậu. Lần đầu tiên đến Hà Nội, dù rất háo hức khám phá Thủ đô của chúng ta nhưng chiều hôm ấy, vị tiến sỹ (ngành hóa dầu) không giấu được sự xáo động trong tâm hồn. Và rồi khi câu chuyện đã thân mật hơn, anh tâm sự với chúng tôi rằng, anh - một người con lai Việt Nga, vừa có cuộc hội ngộ đầu tiên với gia đình của cha anh. Chuyến thăm Hà Nội lần này chính là cuộc tìm về nguồn cội mà anh ấp ủ đã lâu.
Sau cuộc gặp đầu tiên ấy, Zhenya còn cùng vợ chồng tôi thăm thú phố cổ Hà Nội một lần nữa. Lần nào chúng tôi cũng trò chuyện khá lâu. Câu chuyện của Zhenya hé lộ về một cuộc đời nhiều sóng gió.
Người con lai cô độc
Trong thế giới nhiều tỷ dân của chúng ta, có những đại gia đình đông đúc, con đàn cháu đống, dòng dõi sinh sôi nảy nở mạnh mẽ; cây phả hệ của gia tộc ấy như một cây cổ thụ sum suê. Nhưng cũng có những gia đình rất hiếm người, có những con người ít người thân thích. Zhenya là một người như thế.
Khi chào đời, Zhenya chỉ có hai người ruột thịt: Mẹ và bà ngoại. Con tạo xoay vần thế nào mà mẹ và bà ngoại của anh lại có số phận tương đồng. Bà ngoại chỉ sinh được một mụn con gái là mẹ anh. Còn mẹ Zhenya thì chỉ sinh được một người con trai là anh. Hai người phụ nữ Nga đều như cái cây, chắt lọc tinh túy đất trời để rồi đâm bông một lần duy nhất, dồn sức chăm lo cho bông hoa “độc đinh” của mình.
Mẹ của Zhenya tên là Nina Alexandrovna Orlova, làm nghề địa chất. Còn anh thì tên đầy đủ là Yevgeny Nikolayevich Orlov. Zhenya là kết quả của tình yêu mà mẹ anh dành cho một kiến trúc sư người Việt Nam sang Nga học trong những năm 50 của thế kỷ trước. Ngay khi bắt đầu nhận thức được, chú bé Zhenya đã được nghe mẹ nói về người cha Việt Nam với bao tình yêu thương.
Tiếc là mối tình của bố mẹ anh không đi đến kết quả viên mãn cuối cùng nên bà Nina trở thành người mẹ đơn thân, cặm cụi nuôi nấng con trai và đau đáu ngóng thư từ Việt Nam... Những thư từ đó, giờ Zhenya vẫn trân trọng giữ gìn như kỷ vật về người mẹ yêu thương. Zhenya không nói nhiều, nhưng những gì anh kể về mẹ cho thấy sự quan tâm, gắn bó và tình cảm sâu sắc với bà.
Năm 1968, thảm họa đổ ụp xuống đầu Zhenya (lúc ấy mới 12 tuổi) khi mẹ anh đột ngột qua đời. Chuyện là, trong một cuộc tranh luận liên quan đến sự bất công trong việc phân căn hộ theo tiêu chuẩn cán bộ, bà Nina bị xuất huyết não, phải đi cấp cứu. Nằm bệnh viện được 1-2 ngày thì bà qua đời.
Từ đó, thế giới xung quanh anh càng bị co hẹp với người thân duy nhất là bà ngoại. Mạch thư từ của người cha Việt Nam cũng chấm dứt.
Bà ngoại của Zhenya bị mù nên cuộc sống của hai bà cháu cũng khá chật vật, nguồn sống chỉ là lương hưu của bà cụ cộng với trợ cấp của Nhà nước Xôviết dành cho Zhenya với tư cách là trẻ vị thành niên không người nuôi dưỡng. May mà có sự giúp đỡ từ những người đồng nghiệp cũ của mẹ anh.
Zhenya thời thơ ấu. (Ảnh do nhân vật cung cấp/Vietnam+)
Zhenya thời thơ ấu. (Ảnh do nhân vật cung cấp/Vietnam+)
Gần 50 năm đã trôi qua nhưng anh vẫn nhớ như in về nghĩa cử của những cán bộ địa chất ở cơ quan cũ của mẹ, đặc biệt là người thủ trưởng của phòng nghiên cứu - Viện sỹ Konstantin Romanovich Chelikov, Viện sỹ thông tấn Viện hàn lâm khoa học Liên Xô.
Thương Zhenya côi cút, họ dìu dắt anh trên đường đời, đấu tranh để anh có được chỗ ở (là căn hộ theo tiêu chuẩn của bà Nina), đưa anh đi cùng trong các chuyến công tác... Khi anh đã 18 tuổi, trợ cấp của Nhà nước chấm dứt, họ đã gửi đơn thỉnh nguyện các cơ quan chức năng, cuối cùng một vị Phó Thủ tướng đã ký giấy, đồng ý cho Zhenya được tiếp tục nhận trợ cấp.
Có thể nói, những năm tháng ấy, Zhenya đơn độc nhưng không cô độc. Cùng với sự chăm sóc của bà ngoại, anh còn có sự trợ giúp đầy nhân văn của Nhà nước Xôviết và tấm lòng vàng của những người đồng nghiệp của mẹ anh. Tất cả đã chung tay nuôi nấng, nâng đỡ Zhenya, đưa cậu bé mồ côi trở thành một con người học thức; anh đã đạt đến học vị tiến sỹ, trở thành nghiên cứu viên cao cấp tại Viện tổng hợp hóa dầu thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga.
Hành trình về nguồn
Năm 1980, bà ngoại của Zhenya qua đời, anh thực sự chỉ còn một mình. Nỗi cô đơn làm Zhenya hướng về cha, đến thời điểm ấy là người cùng huyết thống duy nhất còn lại với anh. Và thế là hành trình tìm cha bắt đầu.
Thực ra, lâu nay người cha Việt Nam của Zhenya vẫn hiện diện trong cuộc sống của anh, qua lời kể của mẹ, của bà. Anh biết mặt ông qua bức ảnh cha anh chụp cùng mẹ con anh, trong một lần hiếm hoi ông sang Liên Xô công tác ngắn ngày.
Mẹ mất, anh giữ gìn thư từ của bố mẹ, trân trọng một cái lược làm bằng xác máy bay Mỹ - kỷ vật cha anh tặng mẹ anh. Cha anh không thư từ nữa, anh và bà ngoại (khi bà còn sống) vẫn thường xem tivi, dõi theo những tin tức về chiến tranh Việt Nam. Trong hoàn cảnh đạn bom ác liệt, số người Việt thương vong rất nhiều, có lúc bà cháu anh đặt câu hỏi về số phận của cha anh, lo rằng ông có thể gặp vận rủi trong thời chiến...
Zhenya đi tìm cha trong những nỗi lo âu mơ hồ như thế. Anh bắt đầu bằng trường đại học mà cha anh từng theo học. Ở đó, người ta chỉ còn một chút thông tin về ông: Họ và tên, thời gian tốt nghiệp. Với một chàng trai người Nga “thân cô thế cô” thì đi tìm cha với chừng đó thông tin chẳng khác nào “tìm kim đáy bể.” Tuy nhiên, câu chuyện đầy cảm xúc của Zhenya hẳn đã lay động trái tim những cán bộ phụ trách sinh viên nước ngoài của trường ấy nên họ chỉ vẽ cho anh cách sang Đại học Xây dựng Moskva, nơi có nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học, để hỏi thêm về cha.
Theo lời chỉ dẫn đó, Zhenya tìm đến Phòng phụ trách sinh viên nước ngoài Đại học Xây dựng Moskva và anh được giới thiệu với một nghiên cứu sinh người Việt tên là Trần Vi Lăng. Nhờ sự quen biết với giới kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng Việt Nam, kỹ sư Trần Vi Lăng đã tìm được cha của Zhenya. Một ngày đẹp trời, Vi Lăng báo cho Zhenya biết một tin vui, một tin không vui. Tin vui là cha anh còn sống, hiện là một kiến trúc sư khá thành đạt. Còn tin không vui là cha anh đã có một gia đình khá đông đúc ở Việt Nam.
Kỹ sư Trần Vi Lăng cũng đã tìm đến vị kiến trúc sư nọ, báo tin cho ông rằng, con trai ông đang sống ở Moskva và đang tìm kiếm ông. Hai cha con có thư từ cho nhau, cho đến năm 1984, trong một chuyến đi công tác Liên Xô, người cha đã tìm gặp đứa con trai lưu lạc. Anh Zhenya, lúc bấy giờ đã 28 tuổi.
Zhenya chỉ gặp cha có một lần ấy rồi thôi, vì anh (và có lẽ cả ông kiến trúc sư) đều không muốn khuấy động gia đình đề huề riêng của ông; nhưng ý thức về cội nguồn Việt Nam luôn thường trực trong tâm khảm anh. Trải qua nhiều khúc quanh trong cuộc sống, lập gia đình khá muộn rồi bận bịu chăm lo cho hai cô con gái nhỏ, hoàn cảnh kinh tế cũng không dư dả lắm nhưng Zhenya luôn nung nấu ý định một ngày nào đó sẽ tới Việt Nam, tìm hiểu quê cha của mình. Và rồi, năm 2019 này, với mọi nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của người bạn Trần Vi Lăng, anh quyết thực hiện tâm nguyện của mình.
Tháng 7/2019, Zhenya đã đến thăm Hà Nội. Anh lập tức thực hiện điều mong mỏi bấy lâu là thăm ngôi nhà mà cha anh từng sống, ở một con phố trung tâm Hà Nội. Ông mất từ năm 2003, nhưng Zhenya đã được những người anh em cùng cha khác mẹ đón tiếp với tấm thịnh tình.
 Anh Zhenya thăm một nghĩa trang liệt sĩ ở Hưng Yên (Ảnh: Trần Vi Lăng/Vietnam+)
Anh Zhenya thăm một nghĩa trang liệt sĩ ở Hưng Yên (Ảnh: Trần Vi Lăng/Vietnam+)
Tình cảm và tiếng nói huyết thống trào dâng mạnh mẽ trong anh khi đứng trong ngôi nhà cha mình từng sinh sống, mường tượng bóng hình ông bảng lảng đâu đây và nhận ra người con trai út của cha có những điểm chung với mình. Bữa cơm đoàn tụ gia đình cũng để lại trong anh những xúc cảm mạnh mẽ. Với Zhenya, người con một của bà mẹ cũng là con một, được ngồi ăn với đại gia đình đông đúc gồm những người Việt Nam có một phần kết nối dòng máu với anh, là một trải nghiệm khó quên.
Tiếng nói nội tâm cũng thôi thúc Zhenya tìm về với những nét Việt Nam thân thương in đậm trong anh vì gắn chặt với những hồi ức về người cha quá cố. Anh về thăm mộ cha; thắp hương cho người anh cùng cha khác mẹ là liệt sỹ, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Anh đi thăm nghĩa trang liệt sỹ, thăm những thắng cảnh, những di tích lịch sử của Hà Nội. Anh thực hiện nguyện vọng bấy lâu là thăm Vịnh Hạ Long, không phải vì danh xưng “kỳ quan thế giới” của nó mà vì anh đã thấy Hạ Long thật đẹp đẽ trong bối cảnh một vài bức ảnh cũ của cha...
Trong mắt Zhenya, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, là miền đất tươi đẹp với những giá trị sống tích cực; đặc biệt là việc tri ân những người có công với đất nước được thực hiện một cách thiết thực và sâu rộng trong cả nước, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cao cả của người Việt.
Chuyến về thăm quê cha đã để lại trong lòng Zhenya biết bao nhiêu tình cảm ấm áp về đất nước và con người Việt Nam. Anh tâm sự với chúng tôi: "Thật xúc động khi ở vào tuổi sáu mươi, tôi đã được thỏa nguyện ước là về với nguồn cội của mình."
Nước da không chia tấm lòng
Trong hành trình tìm cha và tìm về quê cha của anh Zhenya, có một con người có vai trò nổi bật: Trần Vi Lăng, vị kỹ sư Việt Nam hiện đang sinh sống ở Moskva.
Hơn ba chục năm đã trôi qua mà Zhenya vẫn nhớ như in về cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ. Anh kể: "Trước cuộc gặp với Trần Vi Lăng để nhờ tìm tin tức của cha, tôi rất hồi hộp, không biết Lăng sẽ phản ứng thế nào trước yêu cầu đường đột đó. Cuộc gặp đầu tiên đã xua tan mọi nỗi lo ngại. Tôi tự giới thiệu và kể với Lăng câu chuyện của mình. Dù trước đó chúng tôi chưa hề quen biết nhưng Lăng tỏ ra rất thân thiện và cẩn thận. Anh ấy lắng nghe tôi nói với thái độ hết sức thông cảm và hứa sẽ gọi điện cho tôi ngay khi biết được điều gì đó liên quan đến cha tôi."
Cuộc gặp ấy đã mở đầu cho một tình bạn Việt-Nga keo sơn. Ngoài việc anh Vi Lăng tận tình giúp Zhenya tìm cha như đã kể ở trên, họ còn gắn bó với nhau trên rất nhiều phương diện và trong mọi giai đoạn của cuộc sống.
Họ đã có rất nhiều kỷ niệm vui vẻ. Như là lúc anh Vi Lăng (đang làm luận án tiến sỹ) phải vượt qua kỳ thi một số môn tối thiểu. Giữa lúc Zhenya lo lắng cho người bạn Việt Nam… thì bỗng nhiên lại được Lăng đãi bia. Hóa ra anh Lăng đã vượt qua kỳ thi tối thiểu và trên đường về kí túc xá, thấy trong cửa hàng có bán bia Plsen của Tiệp - loại bia thời đó rất hiếm - anh bèn mua ngay cả két và người bạn được anh chọn để cùng ăn mừng thi cử thành công chính là Zhenya.
Hay là lần Zhenya được Lăng mời đến dự Tết cổ truyền của Việt Nam được tổ chức trong ký túc xá MISI mà anh thấy mọi thứ đều khác biệt và ấn tượng: Từ bầu không khí đón năm mới của người Việt Nam, phong tục tập quán ngày Tết cho đến các món ăn Việt ngon lành. Đặc biệt hơn cả, tới giờ hai anh đều nhớ và vẫn ôm bụng cười về việc con mèo nhà Zhenya “chành chọe” với bé Mốc - con trai anh Lăng đến mức có một số hành vi chống đối thái quá.
Anh Zhenya (bên phải) và người bạn Trần Vi Lăng thưởng thức bún chả ở Hà Nội. (Ảnh do nhân vật cung cấp/Vietnam+)
Anh Zhenya (bên phải) và người bạn Trần Vi Lăng thưởng thức bún chả ở Hà Nội. (Ảnh do nhân vật cung cấp/Vietnam+)
 
Bên cạnh những chuyện vui, họ cũng có những trải nghiệm nhớ đời về việc ra chợ bán áo gió (do người nhà ở Việt Nam gửi sang cho anh Vi Lăng trong thời perestroika - thời kỳ cải tổ của Gorbachov). Rồi còn lúc Vi Lăng ở Việt Nam sang Liên Xô tìm cách “cứu nhà,” liên lạc mãi với Zhenya không được, nhưng vững lòng tin ở tình bạn, anh vẫn xách vali đến nhà Zhenya và may sao, gặp lúc Zhenya ở nhà. Zhenya đã chia sẻ căn hộ nhỏ của mình cho gia đình người bạn Việt Nam mà không mảy may suy tính. Đám cưới của Zhenya, vợ chồng anh Vi Lăng đã hỗ trợ tận tình và tặng cô dâu một món quà quý giá...
Với Zhenya, điều gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong tình bạn của hai người chính là việc anh Vi Lăng đã nhiệt tình sắp xếp cho anh chuyến về cội nguồn Việt Nam thật chu đáo. Anh Lăng đã lên lịch hoạt động cho toàn bộ chuyến đi, dịch ra tiếng Nga chương trình chi tiết (nhiều chỗ còn phiên âm các địa danh, tên các món ăn, các phương tiện giao thông ở Việt Nam). Anh cũng sát cánh bên Zhenya trong những sự kiện quan trọng như đến thăm nhà cha đẻ, đi viếng mộ ông...

 Anh Zhenya với nhà báo Mai Quang Huy (Ảnh: Hà Nguyễn/Vietnam+)
Anh Zhenya với nhà báo Mai Quang Huy (Ảnh: Hà Nguyễn/Vietnam+)
Hơn ba mươi năm qua, trên những khúc quanh của đường đời, họ đã luôn cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Không có những tuyên ngôn cao đạo, nhưng Zhenya và Trần Vi Lăng, bằng tình bạn chung thủy “hữu xạ tự nhiên hương” của mình, đã góp sức vun đắp cho tình hữu nghị Nga-Việt một cách hiệu quả và đẹp đẽ nhất.
Hà Nguyễn-Quang Huy (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.