Cánh đồng hạnh phúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cứ đến thứ bảy, chủ nhật, có hàng trăm cặp tình nhân ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu kéo về cánh đồng cừu ở xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để chụp ảnh cưới trước ngày hôn lễ. Giữa đồi núi cỏ cây non xanh thơ mộng, giữa đàn cừu hiền lành ngơ ngác quấn quít chân người, họ trao cho nhau những nụ hôn nồng cháy trước máy ảnh và máy quay phim. Để rồi sau những khoảnh khắc lãng mạn của tình yêu, họ sung sướng ra về với bộ ảnh cưới “độc lạ” và niềm vui hạnh phúc vô bờ. 

Điểm hẹn tình yêu

Gọi là “cánh đồng hạnh phúc” bởi hơn 3 năm qua, cánh đồng cừu này  không những là địa danh du lịch hoang sơ, xanh - sạch, sông - núi hữu tình của khách thập phương mà còn là điểm hẹn của hàng ngàn cặp tình nhân đến chụp ảnh cưới trước ngày hôn lễ. Chẳng ai nhớ chính xác “cánh đồng hạnh phúc” ra đời thời gian nào, nhưng có điều ai cũng cảm nhận được mỗi lần đặt chân đến thảo nguyên xanh này, đó là không gian thoáng đãng, không khí trong lành, khung cảnh lãng mạn, niềm vui ngập tràn bên những chú cừu non.

 

Nhiều du khách chụp ảnh với đàn cừu non.
Nhiều du khách chụp ảnh với đàn cừu non.

Gạt bỏ bao tất bật của đời sống thị thành, chúng tôi lên xe máy vượt gần 40km từ TP Vũng Tàu đến cánh đồng cừu Suối Nghệ. Nhìn từ xa đã thấy hàng trăm chú cừu non lông trắng như tơ quây quần quanh cô dâu, chú rể trên thảo nguyên xanh. Những chú cừu bố mẹ vươn dài cổ tới tay người tìm thức ăn. Còn những chú cừu non hiền lành tìm những hạt ngô còn sót lại trên nền đất. Nhiếp ảnh gia Nhật Đông có thâm niên hơn 20 năm chụp ảnh cưới ở TP. HCM cho biết: “Ngoài cảnh thiên nhiên rừng biển, núi non, thì cánh đồng cừu này là điểm chụp ảnh thu hút nhất hiện nay. Trước đây, muốn có tấm ảnh bên đàn cừu, chúng tôi phải ghép ảnh hoặc hành quân nửa ngày đường ra tận Bình Thuận để chụp và đi 2 - 3 ngày mới có bộ ảnh đẹp. Nay chỉ đi hơn 1 giờ là tới. Ở Bình Thuận, tuy đàn cừu khá đẹp nhưng thời tiết luôn nóng bức, địa hình đồi cát trống trải, gây khó cho cô dâu mỗi lúc trang điểm và thay trang phục. Còn ở đây, cô dâu, chú rể đi chân trần trên nền cỏ. Có rất nhiều cảnh đẹp. Chụp với đàn cừu, phi ngựa hoặc dắt tay nhau đi về phía ngọn đồi. Tôi chụp cho hàng trăm cặp cô dâu, chú rể ở thảo nguyên này và tất cả họ đều thích”.

Hai ngày nghỉ cuối tuần, gần trăm cặp tình nhân đến thảo nguyên này chụp ảnh cưới. Mỗi cặp vợ chồng có ý tưởng chụp ảnh khác nhau, song có điểm chung là họ đều thích chụp bên những chú cừu non. Chị Nguyễn Thúy Anh cùng chồng sắp cưới là anh Đặng Hải Phong đến từ TPHCM chọn cánh đồng cừu Suối Nghệ làm “phông” chính cho bộ ảnh cưới. “Trước khi đến đây, chúng em đã chụp khá nhiều cảnh sơn thủy ở Hồ Cốc, Hồ Tràm nhưng vẫn chưa ưng ý. Em lên mạng xã hội tìm thấy địa chỉ “cánh đồng cừu” này, vậy là đến đây. Đứng giữa đàn cừu hiền lành, xung quanh là đồi núi hữu tình, em cảm thấy rất hạnh phúc và có cảm nhận những con cừu non dễ thương này như đàn con của mình vậy”, chị Thúy Anh chia sẻ

Cũng cảm nhận được sự lãng mạn khi đứng giữa đàn cừu chụp ảnh cưới cùng vợ trẻ, anh Nguyễn Tùng Dương - người gốc Hà Nội, hiện công tác tại Liên doanh Việt Nga (TP Vũng Tàu) được nhiếp ảnh Mai Duyên đưa đến cánh đồng cừu để chụp ảnh cưới. Khi nhìn thấy những chú cừu non, cô dâu Ngọc Lan đã đưa tay lên tim mình xúc động, nói: “Em thật bất ngờ. Ngay ở miền thôn quê cách thành phố biển chẳng bao xa lại có một thảo nguyên với phong cảnh lãng mạn như vậy. Chúng em hài lòng khi đến đây chụp ảnh, ghi hình”.

Cừu “đẻ” ra tiền

 

Phút giây thăng hoa.
Phút giây thăng hoa.

Đến cánh đồng Suối Nghệ, du khách mải mê chụp ảnh với những chú cừu và núi xanh, cỏ dại, chứ ít ai chú ý đến chủ của những đàn cừu hiền lành ấy. Đó là chàng trai trẻ 19 tuổi tên Bùi Minh Tân, quê gốc Phú Thọ. Ba năm trước, cậu thanh niên nghèo có nước da “bánh mật” này bỏ vốn làm ăn với đàn cừu nhỏ hơn chục con nuôi bán thịt và lông. Một buổi chiều nọ, có vài khách đi “phượt” trên núi Suối Nghệ dừng chân xin chụp ảnh với đàn cừu rồi họ cho Tân 60.000 đồng. “Lúc đó, em lóe lên trong đầu hai chữ kinh doanh thêm từ đàn cừu. Vậy là dịch vụ cho thuê cừu chụp ảnh bén duyên từ đó”, Tân nhớ lại.

Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người đến thuê đàn cừu của Tân chụp ảnh. Lúc đầu chủ yếu khách đi ngang qua dừng chân chụp, sau đó có thanh niên, học sinh, rồi đến những cặp tình nhân chụp ảnh cưới trước hôn lễ. “Mỗi cặp tình nhân thuê chụp ảnh với cừu phải trả bao nhiêu tiền?”, tôi hỏi. “Em tính 100.000 đồng/giờ nhưng cũng có người cho 200.000 đồng. Còn khách du lịch đưa bao nhiêu cũng được”, Tân cho biết.

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách, Tân vay tiền mua thêm cừu giống, rồi cừu mẹ đẻ cừu con. Bây giờ đàn cừu của Tân đã lên tới 120 con. Tuy vậy, số cừu ấy cũng chưa đủ phục vụ khách đến chụp ảnh nhưng đã giúp gia đình anh thoát nghèo, mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt trong gia đình. “Vào 2 ngày nghỉ cuối tuần, 4 anh em chăn cừu thu nhập được từ 3 - 4 triệu đồng/ngày. Còn ngày thường được trên 1 triệu đồng. Nuôi cừu không giống nuôi dê. Sức khỏe của cừu non phụ thuộc vào sữa của cừu mẹ. Một tuần em tắm cho chúng hai lần. Khách nào cũng bế được mà không sợ hôi. Khi lông cừu dày vón lại, phải tỉa bớt cho đẹp. Cừu có cái hay cứ gặp người là sáp đến dụi đầu làm quen. Thức ăn của cừu chủ yếu là cỏ và bắp hạt”, Tân cho biết.

Hỏi về niềm vui mỗi lần có cô dâu, chú rể đến thuê cừu chụp ảnh, Tân bế chú cừu non trên tay nói: “Mỗi lần khách đến thuê cừu chụp ảnh, em thấy mình vui lây vì đã góp một chút cho họ thêm hạnh phúc”, Tân chia sẻ.

Cần đầu tư thêm

Mặc dù cánh đồng cừu Suối Nghệ đã được biết đến như điểm hẹn du lịch xanh - sạch, an toàn cho khách thập phương, đặc biệt là nơi thăng hoa cho những cặp tình nhân chụp ảnh trước hôn lễ, song cánh đồng cừu này cũng chỉ mới dừng lại ở góc độ “nuôi cừu lấy lông”, “ai chụp ảnh với cừu thì trả tiền cho chủ” chứ chưa có sự đầu tư theo hướng phát triển du lịch mở rộng có bài bản. Cả cánh đồng, đồi, núi ở Suối Nghệ khá rộng lớn, nhưng chỉ có cừu 120 con thì quá ít so với nhu cầu khách đến đây tham quan, chụp ảnh.

Anh Bùi Minh Tân chia sẻ: “Để phát triển du lịch từ việc chăn cừu, cũng cần có sự quan tâm từ chính quyền địa phương, như cho vay vốn để tăng đàn, qui hoạch vùng trồng cỏ làm thức ăn cho cừu và xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông thuận lợi. Và tất nhiên, không được làm mất đi khung cảnh thiên nhiên dân dã hữu tình của núi đồi”.

Ngoài những địa điểm chụp ảnh tuyệt đẹp ở Hồ Cốc, Hồ Tràm, Hồ Đá Xanh thì cánh đồng cừu ở Suối Nghệ đang là điểm hấp dẫn du khách. Nhiều người chỉ ao ước được bế cừu non trên tay hoặc đơn giản là chụp với đàn cừu giữa núi đồi xanh mướt. Còn với những cặp tình nhân, cánh đồng cừu không chỉ là địa chỉ chụp hình cưới ngoại cảnh hấp dẫn nhất mà còn là nơi thăng hoa với những cảm xúc lãng mạn và hạnh phúc trước ngày hôn lễ.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.