Cảnh báo từ thảm họa vỡ đập thủy điện ở Lào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các nhà hoạt động môi trường nhiều lần lo ngại về việc chính phủ Lào có kế hoạch xây các con đập lớn dọc sông Mekong và biến nước này thành trung tâm thủy điện.
Hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người mất tích sau khi một đập thủy điện đang được xây dựng tại huyện Sanamxay thuộc tỉnh Attapeu ở miền Đông Nam nước Lào bị vỡ hôm 23-7.
Xả 5 tỉ m3
Tuyên bố của văn phòng chính quyền tỉnh Attapeu hôm 24-7 cho biết đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy bị vỡ lúc 20 giờ (giờ địa phương), xả ra khoảng 5 tỉ m3 khối nước, gây ra lũ quét cuốn trôi nhiều ngôi nhà tại 6 bản Yai Thae, Hinlad, Mai, Thasengchan, Tha Hin và Samong. Trong số này, 2 bản Hinlad và Mai bị thiệt hại nhiều nhất. Hơn 6.600 người của khoảng 1.300 hộ gia đình đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.
Nước dâng tới mái nhà sau khi đập Xe-Pian Xe-Namnoy bị vỡ tối 23-7 Ảnh: EPA
Nước dâng tới mái nhà sau khi đập Xe-Pian Xe-Namnoy bị vỡ tối 23-7 Ảnh: EPA
Lực lượng cứu hộ và thuyền đã được điều đến nơi xảy ra thảm họa để giúp tìm kiếm người mất tích và sơ tán người dân bị cô lập giữa biển nước. Hình ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy cư dân phải ngồi trên mái nhà. Theo Hãng Thông tấn Lào (KPL), Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã hủy cuộc họp thường kỳ của chính phủ và cùng các bộ trưởng, quan chức cấp cao đến Sanamxay. Chính quyền tỉnh Attapeu cũng thúc giục các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng cảnh sát, quân đội và người dân khắp nước quyên góp cứu trợ khẩn cấp cho các nạn nhân, trong đó chú trọng đến quần áo, thực phẩm, nước uống, thuốc men, tiền mặt…
Đập thủy điện Xe-Pian Xe -Namnoy đang được xây dựng bởi Công ty Năng lượng Xe-Pian Xe-Namnoy (PNPC) - liên doanh giữa một công ty nhà nước Lào và một số công ty nước ngoài. Đại diện Công ty SK Engineering & Construction (Hàn Quốc) có tham gia liên doanh PNPC hôm 24-7 cho Reuters biết mưa lớn, lũ lụt đã gây ra vụ vỡ đập và họ đang hợp tác với chính phủ Lào để sơ tán, giải cứu người dân tại những bản gần con đập. Tổ chức cứu hộ tình nguyện Vientiane Rescue tại Lào cũng cho đài ABC (Úc) biết con đập bị vỡ sau các trận mưa lớn và họ đã cử tình nguyện viên đến hỗ trợ.
Theo đài ABC, không lâu trước khi xảy ra thảm họa trên, PNPC đã cảnh báo con đập trở nên cực kỳ không an toàn do thời tiết xấu và dự định xả 5 triệu m3 nước. Công ty cũng thúc giục cư dân sơ tán khỏi những vùng đất thấp lập tức.
Tham vọng "pin của châu Á"

Thảm họa nói trên xảy ra giữa lúc Lào đặt mục tiêu trở thành "pin của châu Á" bằng cách bán điện cho các nước láng giềng thông qua một loạt dự án thủy điện. Theo số liệu của KPL năm 2017, Lào có 46 nhà máy thủy điện và dự định xây thêm 54 nhà máy từ bây giờ đến năm 2020. Nước này hiện xuất khẩu 2/3 lượng thủy điện và nguồn thu từ điện chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Người dân bị ảnh hưởng phải sơ tán hôm 24-7 Ảnh: ATTAPEU TODAY
Người dân bị ảnh hưởng phải sơ tán hôm 24-7 Ảnh: ATTAPEU TODAY
Dù vậy, các nhà hoạt động môi trường nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc chính phủ Lào có kế hoạch xây dựng các con đập lớn dọc sông Mekong và biến nước này thành trung tâm thủy điện. Theo tờ Guardian, khoảng 11 đập thủy điện lớn trên sông Mekong và 120 đập ở các nhánh sông này được lên kế hoạch xây dựng trong vòng 20 năm tới. Dự án đầu tiên trong số này - đập thủy điện Xayaburi ở miền Bắc nước Lào - là một trong những kế hoạch gây tranh cãi nhất tại khu vực cho đến giờ. Đã xuất hiện cảnh báo những dự án trên một khi hoàn thành sẽ đe dọa không nhỏ đến hệ sinh thái con sông cũng như các cộng đồng và nền kinh tế địa phương đang phụ thuộc vào nó.
Bản thân dự án đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy cũng gây không ít tranh cãi bởi nỗi lo nó có thể tác động tiêu cực đến sông Mekong và cộng đồng nông thôn gần đó.
Nhóm hoạt động môi trường International Rivers cho hay thảm họa vỡ đập mới nhất gióng lên hồi chuông cảnh báo về những thiết kế đập "không thể chống chọi với thời tiết cực đoan". "Thời tiết khó lường và cực đoan ngày càng phổ biến tại Lào và toàn khu vực. Cần phải có hệ thống cảnh báo trong xây dựng và điều hành các con đập. Các cảnh báo hiện nay thường rất trễ và không hiệu quả nên người dân không kịp sơ tán an toàn" - nhóm International Rivers cho hay trong email gửi Reuters. 
Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ
Ngay sau khi có thông tin đập thủy điện ở tỉnh Attapeu bị vỡ, ngày 24-7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có điện thăm hỏi gửi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith và Thủ tướng Chính phủ Lào Thongloun Sisoulith; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có điện thăm hỏi gửi Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã điện đàm với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith và khẳng định Đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ nhân dân Lào anh em khắc phục hậu quả.
Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cũng cho biết Bộ Quốc phòng đã cảnh báo cho Quân khu 5, Quân đoàn 3, Quân chủng Phòng không - Không quân và Binh đoàn 18 sẵn sàng lực lượng, phương tiện theo lệnh của Bộ Quốc phòng khi có yêu cầu giúp đỡ của Lào.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào theo dõi sát tình hình để cập nhật thông tin cũng như hỗ trợ người Việt Nam hoặc kiều bào tại khu vực bị ảnh hưởng. Số điện thoại bảo hộ công dân tại Lào 008562096106775 hoặc tại Việt Nam 0084981848484.
D.Ngọc - V.Duẩn

Dự án hơn 1 tỉ USD
Dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy, được xây dựng bởi Công ty Năng lượng Xe-Pian Xe-Namnoy (PNPC), tọa lạc ở khu vực miền Nam nước Lào, có công suất thiết kế 410 MW và dự kiến mỗi năm cung cấp khoảng 1.860 GWh điện khi đi vào sử dụng năm 2019.
PNPC là công ty liên doanh, được thành lập hồi tháng 3-2012 giữa một doanh nghiệp nhà nước Lào với 2 công ty Hàn Quốc là SK Engineering & Construction và KOWEPO cùng Công ty Ratchaburi của Thái Lan. Theo hãng tin KPL (Lào), đây là dự án BOT đầu tiên được các công ty Hàn Quốc đảm nhiệm ở Lào với trị giá ước tính 1,02 tỉ USD.
Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 2-2013, tại một khu vực rộng 238 ha trên cao nguyên Bolaven (cách thủ đô Vientiane khoảng 550 km về phía Đông Nam). Thời gian thuê đất là 32 năm. Dự án bao gồm 3 con đập Houay Makchan, Xe-Pian và Xe-Namnoy dọc theo sông Mekong. Ngoài ra còn có một hồ chứa lớn trên sông Xe-Namnoy, các đường hầm, đường thông nước và một nhà máy điện ngoài trời có 4 tổ phát điện - theo website power-technology.com.
Nhà máy điện nêu trên, nằm ở đáy thung lũng, sẽ phát điện nhờ vào lực nước đổ xuống từ độ cao 630 m. Lượng nước này sẽ chảy qua con kênh nằm bên dưới nhà máy và xả ra sông Xe Kong (con sông dài 480 km, bắt nguồn từ sườn phía Đông dãy Trường Sơn tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, chảy qua Nam Lào sang Campuchia rồi nhập vào sông Mekong).
Theo kế hoạch, 370/410 MW điện sản xuất tại nhà máy sẽ được bán cho Cơ quan Điện lực Thái Lan (EGAT) theo một thỏa thuận mua điện 27 năm, đã ký kết hồi tháng 11-2012. 40MW điện còn lại bán cho Tập đoàn Điện lực Lào (EDL).
Trong nhiều năm qua, Lào đã xây dựng hoặc lên kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy thủy điện, đặc biệt là trên sông Mekong, gây quan ngại cho các nước ở hạ lưu dòng sông này. Lượng điện này hầu hết được bán sang các nước láng giềng như Thái Lan.
Lục San
Hoàng Phương (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Trao 30 suất quà cho bà con nghèo ở huyện Chư Pưh

Trao 30 suất quà cho bà con nghèo ở huyện Chư Pưh

(GLO)- Ngày 18-1, Văn phòng Đoàn đại biểu quốc hội và HĐND tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Trung tâm Tin học Ngoại Ngữ EDUVIET Gia Lai, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai và Trường Trung cấp Thủ đô tổ chức chương trình tặng quà Tết cho bà con xã Ia Hla (huyện Chư Pưh).

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Mrơn thăm, tặng quà Tết cho em Rah Lan Sinh-trẻ mồ côi được Hội nhận đỡ đầu. Ảnh: Vũ Chi

Ia Pa mang Tết yêu thương đến với phụ nữ nghèo và trẻ mồ côi

(GLO)- Trong không khí những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, mang “Tết yêu thương” đến với các gia đình hội viên phụ nữ nghèo và trẻ mồ côi, tạo không khí vui tươi, ấm áp dịp Tết đến, Xuân về.

Tặng 145 suất quà cho người dân phường Diên Hồng

Tặng 145 suất quà cho người dân phường Diên Hồng

(GLO)- Chiều 14-1, Đảng ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Diên Hồng (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân ấm áp, Tết yêu thương” nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025 nhằm trao tặng quà Tết cho hộ cận nghèo và hộ khó khăn trên địa bàn phường.

Mang Yang: Tặng quà 150 người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn

Mang Yang: Tặng quà 150 người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn

(GLO)- Ngày 14-1-2025, tại các xã Đak Djrăng, Đak Yă và thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), Hội Chữ thập đỏ huyện phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung tổ chức chương trình “Tết Nhân Ái”, tặng quà cho bà con nghèo trên địa bàn.

Rủ nhau sắm Tết

Rủ nhau sắm Tết

(GLO)- Những ngày này, hàng Tết được bày bán khắp nơi. Đó là các mặt hàng trang trí nhà cửa với chủng loại phong phú, đa dạng, mới mẻ, hiện đại. Đó là các loại bánh mứt, kẹo, trái cây sấy khô, thực phẩm sấy khô ngon và tiện lợi.

Phường Tây Sơn trao hơn 190 suất quà Tết cho hộ khó khăn và đối tượng yếu thế

Phường Tây Sơn trao hơn 190 suất quà Tết cho hộ khó khăn và đối tượng yếu thế

(GLO)- Ngày 10-1, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tây Sơn (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình “Tết ấm áp-Xuân Ất Tỵ 2025”, trao 190 suất quà Tết cho các hộ khó khăn và đối tượng yếu thế trên địa bàn.