Cảnh báo nguy cơ sạt lở đất trong mùa mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, các trận động đất tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) khiến nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị ảnh hưởng. Động đất xảy ra vào thời điểm cuối mùa khô, đầu mùa mưa nên tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất tại các khu vực bị tác động khi một lượng lớn nước mưa ngấm qua các kẽ nứt trên bề mặt.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do Văn phòng Chính phủ tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã nhấn mạnh những yếu tố diễn biến phức tạp, dị thường của thời tiết trong năm 2022. Theo đó, dự báo năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 12-14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông; thiên tai tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, có thể xảy ra các đợt mưa lũ lớn bất thường, trái quy luật. Điển hình là các đợt rét đậm, rét hại kéo dài tại các tỉnh miền Bắc; đợt mưa lũ lớn bất thường, trái quy luật ngay giữa mùa khô tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa gây thiệt hại không nhỏ cho người dân.
Trong tháng 3 và 4-2022, tỉnh Gia Lai đã chịu ảnh hưởng bởi 2 đợt mưa trái mùa, gây thiệt hại hàng ngàn ha cây trồng, ước tính thiệt hại hơn 48 tỷ đồng. Ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn huyện trồng hơn 2.000 ha thuốc lá. Các đợt mưa lớn kéo dài trái quy luật xảy ra ở thời điểm giữa vụ thu hoạch khiến khoảng 40% diện tích thuốc lá ở các xã: Phú Cần, Uar, Chư Rcăm và Chư Ngọc bị thiệt hại nặng. Ngoài ra, mưa xuất hiện vào thời điểm điều ra hoa, đậu quả khiến vụ thu hoạch năm nay của người dân gần như thất thu.
Ông Nguyễn Văn Huấn-Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên) thông tin: Dự báo từ nay đến tháng 6, lượng mưa trên địa bàn tỉnh lớn hơn trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, từ tháng 7 đến tháng 9, lượng mưa sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm nên lượng mưa cả năm 2022 chỉ ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt, sẽ có khoảng thời gian nắng nóng cục bộ diễn ra 5-15 ngày đan xen giữa mùa mưa, gây bất lợi cho cây trồng trong vụ trồng mới, dễ phát sinh sâu bệnh hại. Về thủy văn, dự báo trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 sẽ có 8-12 đợt lũ xuất hiện ở lưu vực sông Ba và sông Ayun (khu vực phía Đông tỉnh).
Xử lý điểm sạt lở trên đèo Tô Na (địa phận xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) do mưa lớn gây ra. Ảnh: Lê Hòa
Xử lý điểm sạt lở trên đèo Tô Na (địa phận xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) do mưa lớn gây ra. Ảnh: Lê Hòa
Năm 2021, Gia Lai chịu ảnh hưởng bởi 9 đợt thiên tai với tổng thiệt hại hơn 260 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại do 2 đợt hạn hán là 141 tỷ đồng với hơn 18.840 ha cây trồng; thiệt hại do mưa giông, lốc, sét, mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, bão với tổng giá trị thiệt hại hơn 119 tỷ đồng, làm 13 người thương vong, 326 nhà dân bị sập, tốc mái, ngập nước, hơn 1.800 ha lúa và hoa màu, cây ăn quả, nhiều công trình hạ tầng giao thông bị hư hỏng. 
Đáng lưu ý, các trận động đất liên tiếp xảy ra tại Kon Tum hồi giữa tháng 4 vừa qua tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất ở các khu vực lân cận. Động đất xảy ra vào thời điểm cuối mùa khô, đầu mùa mưa ảnh hưởng không nhỏ đến địa chất khu vực. “Rung chấn có thể gây ra các rãnh nứt trên bề mặt đất. Vào mùa mưa, lượng nước mưa ngấm xuống sẽ rất dễ xảy ra sạt lở đất. Chúng ta nên quan sát, lưu ý các dấu hiệu xung quanh khu vực mình sống như: xuất hiện hố đất sụt lún bất thường, cây cổ thụ bị long gốc… Những khu vực này sẽ rất dễ bị sạt lở đất khi mưa lớn kéo dài”-ông Huấn cảnh báo.
Những năm gần đây, huyện Kbang thường xuyên ghi nhận tình trạng sạt lở đất, đặc biệt là tại các xã: Kon Pne, Đak Smar, Krong. Đây cũng là địa phương tiếp giáp với huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho hay: Qua theo dõi, trong các trận động đất vừa qua tại Kon Tum thì huyện Kbang cũng ghi nhận một vài đợt rung lắc nhẹ. Những năm gần đây, một số điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở đất trong mùa mưa, tập trung nhiều nhất tại khu vực đèo Kon Pne với khoảng 10 điểm thường xuyên sạt lở. Ngoài ra, một số điểm có nguy cơ sạt lở, đá lăn trên tuyến đường liên xã Đak Smar-Krong (đoạn qua làng Grối) và các điểm sạt lở dọc bờ sông, bờ suối tại các xã: Đông, Đak Hlơ, Nghĩa An và thị trấn Kbang. “Các điểm sạt lở này hầu hết nằm trên các tuyến đường liên xã, do địa phương quản lý, quy mô, kết cấu đường còn nhiều hạn chế, trong điều kiện địa hình hết sức phức tạp. Huyện đã cho khảo sát, khơi thông hệ thống thoát nước để hạn chế tình trạng tù đọng nước; đập vỡ các tảng đá mồ côi đề phòng nguy cơ đá lăn. Đồng thời, tiến hành khảo sát, khoanh vùng để di dời nhà ở khi cần thiết và cảnh báo các điểm có nguy cơ sạt lở để nhắc nhở người dân không nên qua lại khi mưa lớn”-ông Tình thông tin.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm

Bão Trà Mi gây mưa lớn hơn bão YAGI

Bão Trà Mi gây mưa lớn hơn bão YAGI

Tính đến sáng nay (29/10), lượng mưa do bão Trà Mi gây ra ở một số nơi tại Quảng Bình - Quảng Trị lên tới 700-900mm, riêng hồ Sông Thai (Quảng Bình) trên 1000mm, cao hơn nhiều so với lượng mưa do bão YAGI gây ra tại Hà Giang, Yên Bái và Hoà Bình.