Cảnh báo bệnh đột quỵ ngày càng trẻ hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước đây, hiện tượng tai biến mạch máu não (còn gọi là đột quỵ não) thường xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đối tượng mắc bệnh này đang ngày càng trẻ hóa do thói quen sinh hoạt không lành mạnh.
Cách đây gần 2 năm, khi đang từ cơ quan về nhà thì anh Trà Khắc Minh (số 26 Nguyễn Trãi, TP. Pleiku) đột ngột ngã xuống đường, dẫn đến bị liệt nửa người. Anh kể: “Tôi bị đột quỵ vào khoảng 22 giờ. Sau đó, tôi may mắn được người đi đường phát hiện và đưa đi cấp cứu. Bác sĩ cho biết, nguyên nhân khiến tôi bị đột quỵ là do hút thuốc, uống bia rượu nhiều, lại ít vận động, bị mỡ máu gây nhồi máu não”. 
Anh L.V.C. (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) bị đột quỵ khi chưa đến 30 tuổi hay có trường hợp như một bé trai chỉ mới 12 tuổi. Theo bác sĩ Lê Quốc Trưởng (Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai): Ở Việt Nam, có khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm, 50% số đó là tử vong. Tỷ lệ bị nhồi máu não chiếm 80%, xuất huyết não là 20%. Trong 5 năm trở lại đây, Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai tiếp nhận ngày càng nhiều bệnh nhân có triệu chứng của đột quỵ như nhồi máu não, xuất huyết não và tuổi ngày càng trẻ, nhiều bệnh nhân mới ngoài 30 tuổi. 
“Nếu như ở người già, yếu tố tuổi tác và các bệnh lý do lão hóa là nguyên nhân chính dẫn tới đột quỵ thì ở những người trẻ tuổi, các thói quen thiếu lành mạnh là yếu tố hàng đầu dẫn tới tình trạng này. Các thói quen thiếu lành mạnh đó là hút thuốc lá, trong khói thuốc lá chứa nhiều chất độc, có thể phá hủy hệ thống thành mạch, khiến các mảng xơ vữa dễ xuất hiện; uống rượu, bia nhiều; căng thẳng, áp lực thường xuyên do công việc; lối sống thụ động, lười vận động làm gia tăng nguy cơ tích tụ cholesterol và nguy cơ động mạch bị xơ vữa; những người bị tiểu đường”-bác sĩ Trưởng thông tin.
Theo các chuyên gia, trong vòng 4-5 tiếng đồng hồ sau khi xuất hiện các triệu chứng của đột quỵ, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện để thực hiện các biện pháp sơ cứu. Dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ được mô tả bằng quy tắc “BE FAST”, gồm: BALANCE (bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động); EYESIGHT (bệnh nhân bị mờ mắt hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt); FACE (bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn); ARM (bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt một bên cơ thể, cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng một lúc); SPEECH (bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường); TIME (khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên, cần gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời).
“Để phòng ngừa đột quỵ, cần phải kiểm soát cân nặng thường xuyên, tập thể dục tối thiểu 30 phút/ngày, hạn chế sử dụng rượu, bia và các chất kích thích, có chế độ ăn khoa học như giảm chất béo, ăn nhạt đồng thời nên đi khám sức khỏe định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng/lần”-bác sĩ Trưởng khuyến cáo. 
KHANG NGHI

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

Gia Lai: Ca mắc sởi tăng nhanh, bệnh viện quá tải

(GLO)- Từ đầu tháng 1-2025 đến nay, ca mắc sởi nhập viện điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Gia Lai) có chiều hướng tăng nhanh dẫn đến khoa Bệnh nhiệt đới bị quá tải. Đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực hết mình để chăm sóc và điều trị cho người bệnh một cách tốt nhất.