Cần xử lý hành vi gọi điện quấy rối lực lượng Cảnh sát

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ lâu, người dân khi gặp nạn chỉ cần bấm vào số điện thoại 113, 114 là nhanh chóng có lực lượng Cảnh sát đến ứng cứu.

Thế nhưng, nhiều đối tượng lại thường xuyên gọi vào số điện thoại này không phải để nhờ giúp đỡ mà nhằm quấy rối lực lượng Cảnh sát.

Mới đây, chúng tôi có mặt tại Trung tâm Xử lý thông tin 114 của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu cứu nạn hộ (PCCC-CNCH), Công an tỉnh. Chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, các cán bộ, chiến sĩ tại đây đã nhận hơn 50 cuộc điện thoại gọi đến, trong đó có tới 80% là để quấy rối và báo thông tin giả. Có cuộc gọi, người trực thông tin nhấc máy lên thì bên kia đầu dây tắt ngay. Nhiều cuộc gọi, đối tượng buông ra những lời lẽ thô thiển, khó nghe. Có những cuộc gọi, đối tượng dùng lời lẽ rất thảm thiết nhưng khi đơn vị xác minh thì mới biết đó là thông tin giả.

Lực lượng Cảnh sát trực tổng đài tại Trung tâm Xử lý thông tin 114. Ảnh: V.H

Lực lượng Cảnh sát trực tổng đài tại Trung tâm Xử lý thông tin 114. Ảnh: V.H

Điển hình như một cuộc gọi mà chúng tôi chứng kiến tại Trung tâm Xử lý thông tin 114. Khi tiếng chuông điện thoại reo, cán bộ trực tổng đài của Trung tâm nhấc máy nói: “Alô, Trung tâm Xử lý thông tin 114 xin nghe”. Bên kia đường dây, một giọng nữ vang lên: “Xảy ra cháy anh ơi”. Cán bộ trực tổng đài hỏi lại: “Dạ, cháy ở đâu vậy ạ?” thì đối tượng trả lời: “Cháy trong tim em nè. Anh đến đây giúp em với…”.

Mỗi ngày, có hàng trăm cuộc điện thoại như thế gọi đến số tổng đài 114 chọc phá, quấy rối lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH. Hành vi này gây phiền toái, cản trở hoạt động tiếp nhận, xử lý thông tin, triển khai lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Xử lý thông tin 114 (Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH) đã tiếp nhận trên 1.000 tin báo giả quấy nhiễu, chọc phá, xúc phạm.

Thượng tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH-cho biết: Các cuộc điện thoại quấy rối không chỉ gây ảnh hưởng đến tâm lý người trực tổng đài mà có nguy cơ làm nghẽn mạch đối với các cuộc gọi cần lực lượng chức năng xử lý. Đơn vị đã phối hợp với các nhà mạng tiến hành xác minh các số điện thoại thường xuyên gọi đến quấy phá để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, đa số các số gọi đến là sim rác, sim không chính chủ.

“Chúng tôi mong các nhà mạng siết chặt công tác quản lý, lọc sạch, xử lý các sim không chính chủ để ngăn chặn tình trạng này. Cùng với đó, các gia đình cần tăng cường giáo dục, quản lý con em mình để mọi người hiểu được việc gọi quấy rối lực lượng chức năng không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng đến việc tiếp nhận thông tin, triển khai các phương án chữa cháy, CNCH khi có sự cố xảy ra”-Thượng tá Huy đề nghị.

Theo khoản 3 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng-chống tệ nạn xã hội; PCCC; CNCH; phòng-chống bạo lực gia đình, hành vi gọi điện đến số khẩn cấp 111, 113, 114, 115 hoặc đường dây nóng của các cơ quan, tổ chức để quấy rối, đe dọa, xúc phạm… sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.

Không chỉ lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH mà lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh 113 thuộc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) cũng thường xuyên bị gọi điện chọc phá, quấy rối, nhất là vào đêm khuya. Một số cuộc gọi báo tin giả thường gặp như: đang xảy ra đánh nhau, gây rối trật tự công cộng; tai nạn giao thông; cướp giật tài sản… Vì là lực lượng phản ứng nhanh nên tất cả các cuộc gọi đến tổng đài 113 đều được trực ban xử lý, cử cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường.

Thiếu tá Nguyễn Trung Nghĩa-Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát 113-cho hay: Đa số cuộc gọi quấy rối là những số điện thoại không đăng ký tên thuê bao hay điện thoại di động và những số này chưa nhập vào dữ liệu màn hình của Cảnh sát 113 nên khó kiểm soát. Mới đây, đơn vị nhận cuộc gọi của một đối tượng nói giọng khẩn thiết là bị cướp tại địa phận giáp ranh giữa TP. Pleiku và huyện Đak Đoa. Mặc dù đêm đã khuya nhưng lực lượng Cảnh sát 113 vẫn cấp tốc lên đường. Nhưng khi đến hiện trường, anh em không thấy sự việc xảy ra. Sau đó, tổng đài lại nhận được cuộc gọi của đối tượng bảo rằng chỉ gọi thử cho vui thôi. “Mỗi lần nhận được thông tin, dù thật hay giả, nhưng vì trách nhiệm, vì sự bình yên của người dân nên lực lượng Cảnh sát 113 đều có mặt kịp thời tại hiện trường”-Thiếu tá Nghĩa chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

(GLO)- Ngày 20-11, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) thông tin, hiện trên mạng internet xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVNSPC, có địa chỉ evnspccskh.com. EVNSPC khẳng định trang web evnspccskh.com là giả mạo để lừa đảo.

Gia Lai: Xử phạt 3 cơ sở nha khoa 142,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động 3 tháng

Gia Lai: Xử phạt 3 cơ sở nha khoa 142,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động 3 tháng

(GLO)- Vi phạm trong cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, 3 cơ sở nha khoa trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) vừa bị Sở Y tế ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 142,5 triệu đồng.