Cách tính lương hưu mới khiến lao động nữ lo lắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014 quy định: Từ ngày 1-1-2018, lao động nữ phải có thời gian đóng BHXH thấp nhất là đủ 30 năm để được hưởng lương hưu ở mức tối đa là 75%. Đối với lao động nam thì tăng theo lộ trình và kể từ năm 2022 trở đi, lao động nam phải có thời gian đóng BHXH thấp nhất là đủ 35 năm…

Thời gian qua, BHXH tỉnh Gia Lai đã tập trung tuyên truyền về những điểm mới của Luật BHXH 2014 sẽ triển khai trong năm 2018. Riêng về việc triển khai chế độ hưu trí theo Luật BHXH năm 2014, ngày 2-11 vừa qua, BHXH tỉnh đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tọa đàm về vấn đề này.

 

Việc triển khai chế độ hưu trí mới cũng cần có lộ trình đối với lao động nữ. Ảnh: N.N
Việc triển khai chế độ hưu trí mới cũng cần có lộ trình đối với lao động nữ. Ảnh: N.N

Xung quanh việc triển khai những điểm mới của Luật BHXH 2014, nhiều lao động nữ rất lo lắng, nhất là lao động nữ sắp đến tuổi nghỉ hưu, vì quyền lợi của họ ít nhiều bị ảnh hưởng. Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng (tổ 4, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) chia sẻ: “Giữa năm 2019, mẹ tôi sẽ nghỉ hưu. Tính đến thời điểm nghỉ hưu thì bà đi làm được 27 năm 8 tháng. Theo luật hiện hành, nếu mẹ tôi đủ điều kiện nghỉ hưu trong năm 2017 thì không chỉ được hưởng mức tối đa là 75% cho 25 năm đóng BHXH mà còn được nhận một khoản trợ cấp một lần cho khoản thời gian đóng dư còn lại. Tuy nhiên, theo quy định mới sẽ triển khai từ tháng 1-2018, mẹ tôi sẽ không được hưởng khoản trợ cấp nào mà còn thiếu hơn 2 năm đóng BHXH. Hiện mẹ tôi rất băn khoăn về việc này”.

Chị Hằng cũng cho biết thêm, mẹ chị định nghỉ hưởng trợ cấp BHXH một lần. Tuy nhiên, khi tham khảo tại cơ quan BHXH và được giải thích rằng nếu nghỉ như vậy sẽ càng thiệt thòi nên đành chấp nhận. “Tôi nghĩ, với cách tính mới này, nếu lao động nam có lộ trình cụ thể thì tại sao lao động nữ không áp dụng như vậy. Đây là một thiệt thòi rất lớn đối với lao động nữ”-chị Hằng nêu quan điểm. Đồng tình với ý kiến trên, nhiều lao động nữ cho rằng nếu có lộ trình và tăng dần từng năm như đối với lao động nam thì sẽ dễ dàng chấp nhận hơn là việc đột ngột tăng một lúc 5 năm. Điều này khiến nhiều lao động nữ bị “sốc”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quốc Khánh-Phó Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai, cho biết: Mức đóng BHXH tính bằng 22% (người sử dụng lao động đóng 14%, người lao động đóng 8%) trên tiền lương, tiền công theo hợp đồng lao động, trong khi tỷ lệ phần trăm mức hưởng lương hưu tính trên số năm đóng BHXH. Theo quy định hiện hành, tỷ lệ phần trăm mức hưởng lương hưu tối đa là 75%. Như vậy, lao động nam đóng đủ 30 năm, lao động nữ đóng đủ 25 năm là đạt 75%. Bình quân tỷ lệ tính lương hưu của lao động nam là 2,5% và của lao động nữ là 3% cho một năm đóng BHXH là rất cao và chưa hợp lý (bình quân tỷ lệ lương hưu của người lao động các nước trên thế giới là 1,7%). Do đó, việc bổ sung thêm một số khoản khác theo quy định của pháp luật về lao động và lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu từ ngày 1-1-2018 là nhằm hướng đến sự bình đẳng tương đối theo nguyên tắc đóng-hưởng của người lao động (giữa nam và nữ), đồng thời nâng cao mức lương hưu được hưởng để bù đắp thu nhập, đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động khi nghỉ hưu.

Theo đó, những người nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 nếu có đủ số năm đóng BHXH đạt tỷ lệ 75% (lao động nữ 30 năm đóng BHXH; lao động nam theo lộ trình từ 31 năm đóng BHXH nếu nghỉ hưu vào năm 2018, năm 2019 là 32 năm, năm 2020 là 33 năm, năm 2021 là 34 năm, năm 2022 là 35 năm) thì mức lương hưu được hưởng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều mà còn có thể cao hơn do mức đóng BHXH cao hơn. Trường hợp người lao động nghỉ hưu trước tuổi (do suy giảm khả năng lao động) sẽ chịu ảnh hưởng từ quy định trên bởi họ không đảm bảo sức khỏe để tiếp tục lao động, số năm đóng BHXH thấp dẫn đến tỷ lệ phần trăm tính hưởng lương hưu thấp và tỷ lệ phần trăm tính trừ cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi là 2%.

 

Văn Phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 11729/VP-CP-KTTH ngày 2-11-2017 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về xử lý chênh lệch giữa mức lương hưu đối với người nghỉ hưu trước và sau thời điểm ngày 1-1-2018. Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cân nhắc thêm phương án cho phép thay đổi dần trong 5 năm bắt đầu từ ngày 1-1-2018 đối với lao động nữ như công thức tính lương hưu đối với nam thì vừa đảm bảo thực thi pháp luật, vừa đáp ứng các ưu điểm khi sửa Luật BHXH.

“Không phải bất cứ người lao động nào nghỉ hưu từ năm 2018 cũng sẽ gặp bất lợi và những người lao động dừng đóng BHXH trước năm 2018 là có lợi. Sự tác động của chính sách BHXH từ ngày 1-1-2018 trở đi chủ yếu ảnh hưởng đến một bộ phận không nhiều người lao động có số năm đóng BHXH thấp, chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) và số lao động này tập trung chủ yếu ở khu vực sản xuất kinh doanh. Người lao động không phải lo lắng và không nên dừng đóng BHXH. Khi đủ điều kiện về tuổi đời, đủ số năm đóng BHXH, nghỉ việc hưởng lương hưu sẽ đảm bảo tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu đạt mức tối đa 75% theo quy định”-Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết thêm.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm