Cá độ: Vòng xoáy ma quỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngồi nói chuyện với anh bạn bên ly cà phê vào một sáng cuối tuần, nghe xong, cảm nhận vị đắng quen thuộc của cà phê bỗng thấm đẫm cả vị đắng cuộc đời.
Anh về hưu đã vài năm, mọi thứ đều suôn sẻ để anh an yên về nghỉ ngơi với mức lương hưu ngất ngưởng so với mặt bằng chung. Vợ chồng anh lo cho đứa con trai duy nhất học xong đại học rồi ra trường với tấm bằng kỹ sư điện, sau đó tiếp tục thu xếp để con mình có vị trí công tác tốt trong một công ty quốc doanh chuyên ngành mà cậu ta được đào tạo. Năm sau, anh chị có con dâu xinh đẹp và cháu trai kháu khỉnh. Mọi thứ vẫn cứ suôn sẻ như vốn có thì đùng một cái, người ta đến tận nhà hăm dọa để đòi số tiền vài trăm triệu đồng mà con anh phải trả vì cá độ bóng đá. Vợ chồng anh cắn răng thu xếp, thanh toán món nợ vì sự an toàn của con. Những tưởng chỉ một lần, nhưng vài tháng sau, anh phát hiện con mình đã bỏ việc với cục nợ mới lớn gấp 3 lần. Anh nói như khóc: “Thằng nhỏ nhà tôi trước đây hiền ngoan, học giỏi, nó lâm vào chuyện cá độ thực là một cú sốc kinh hoàng cho gia đình tôi. Vợ nó đâm đơn ly dị, còn nó thì sống chui lủi, trốn nợ...”.
Cá độ là một loại cờ bạc đang nhấn chìm nhiều cuộc đời và người thân của họ vào thảm cảnh. Ở Phố núi hiền hòa này đã có không ít trường hợp mất nhà, gia đình tan nát. Cách đây không lâu, sau khi cắn răng trả nợ cho con mình lần thứ 3 với tổng số tiền lên đến vài tỷ đồng, do quá căng thẳng, ông chủ một cơ sở kinh doanh đã thiệt mạng vì đột quỵ.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Không như ma túy và các chất kích thích tạo ảo giác khác hoành hành trong môi trường sinh hoạt không lành mạnh, cá độ mê hoặc người ta ở mọi tầng lớp xã hội, thậm chí là những người đang đầy đủ tư cách và năng lực làm việc trong cộng đồng. Những người yêu thích bóng đá rất dễ bị lôi cuốn, thua muốn gỡ, thắng muốn thêm là tâm lý nhấn sâu họ vào vòng xoáy ma quỷ này. Sự am hiểu về thực lực bóng đá của từng đội bóng khiến họ tự tin, chủ quan khi đặt lệnh với số tiền cược không ít.
Ở nước ngoài, chuyện cá độ bóng đá là hợp pháp, được kiểm soát và chỉ là một hình thức giải trí không hơn không kém. Các nhà cái trực tuyến đã có mặt từ rất lâu, được các nước phát triển như Anh, Mỹ, Singapore và nhiều nước khác công nhận. Tuy nhiên, hình thức giải trí này vẫn đang bị cấm tại những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam vì lo ngại trình độ dân trí lẫn thu nhập người dân chưa được cao, nếu hợp pháp hóa cá cược thì sẽ gây ra hậu quả khó lường. Dù đã có chế tài về cá độ, nhưng hầu như cơ quan chức năng không thể ngăn cấm được hoàn toàn nhu cầu giải trí cá cược của người dân. Càng cấm thì người chơi càng tìm mọi cách để tham gia. Có ý kiến cho rằng, nếu không hợp pháp cá độ, Nhà nước vừa mất đi một nguồn thu thuế khổng lồ, vừa phải đối mặt với nhiều loại tệ nạn phát sinh khi ngăn cấm cá độ bóng đá.
Hình thức cá độ của người Việt khá đa dạng, nhẹ nhàng bằng một chầu cà phê, ăn sáng mà người thua phải trả tiền, cũng có hơn thua bằng hiện kim, hiện vật. Một người từng tham gia cá độ trên mạng và kịp dừng lại khi số tiền mất vì thua lên đến 200 triệu đồng chia sẻ: “Nó như bị ma ám, có lúc ăn, có lúc thua, chắc thắng đến 90% bỏ lệnh khá lớn mà lại thua. Đáng sợ là cái tự ái vì do mình nhận định sai rồi cố tâm làm lại”.
Vẫn còn nhiều quan điểm phân tích thiệt hơn bảo vệ chủ trương hợp pháp hóa hoạt động cờ bạc này, nhưng tính tháu cáy, ăn thua ở dân ta còn nặng nề lắm. Ai dám chắc rằng, đánh bạc hợp pháp có chấm dứt được thảm cảnh!
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

Mùa nước cạn ven hồ Ayun Hạ

(GLO)- Những ngày nắng nóng tháng 4, dọc ven hồ Ayun Hạ thuộc địa phận xã Ayun, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), đông đảo người dân lại kéo nhau ra cào hến, bắt cá, tép, vừa cải thiện bữa ăn, vừa bán để kiếm thêm thu nhập.