Bưởi Diễn Hưng Yên "góp" Xuân trên Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bên cạnh các loại hoa Xuân quen thuộc, dịp Tết này, tại Phố núi Pleiku còn có sự góp mặt của những chậu kiểng bưởi Diễn, phật thủ vàng ươm và lạ mắt đến từ vùng đất xứ Bắc xa xôi.

Anh Đức bên chậu phật thủ có giá 23 triệu đồng. Ảnh: Hồng Thi
Anh Đức bên chậu phật thủ có giá 23 triệu đồng. Ảnh: Hồng Thi

Những ai đi ngang đường Nguyễn Tất Thành ắt hẳn đều bị thu hút ánh nhìn bởi những chậu bưởi cảnh và phật thủ chi chít quả được bày trên vỉa hè. Chủ nhân của chúng là anh Phạm Văn Đức, đến từ huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Đây là năm đầu tiên anh Đức kết hợp với người em họ ở TP. Pleiku đưa “đặc sản” của quê mình vào tham gia chợ hoa Xuân tại Gia Lai.

Anh Đức chia sẻ: “Loại bưởi này ngoài quê tôi trồng để ăn quả, mấy năm gần đây mới bắt đầu trồng thêm làm cảnh. Bưởi có màu xanh, ngả vàng khi chín và ruột trắng. Đặc biệt, bưởi Diễn lúc hái xuống rồi có thể để được 2,5-3 tháng mà không cần phải bảo quản. Vỏ càng khô, quả càng héo thì lượng đường trong quả càng cô đọng, múi bưởi càng ngọt. Riêng bưởi cảnh chỉ cần giữ ẩm cho cây là chơi được tận 6 tháng. Ngoài Bắc, người dân chuộng chơi Tết loại này đã được khoảng 3-4 năm rồi, nay tôi mới mạnh dạn đưa chúng đi xa hơn để quảng bá và tìm hiểu, mở rộng thị trường tiêu thụ”.

 

Người dân Phố núi không chần chừ ghé thăm và mua các chậu kiểng lạ mắt. Ảnh: Hồng Thi
Người dân Phố núi không chần chừ ghé thăm và mua các chậu kiểng lạ mắt. Ảnh: Hồng Thi

Từ mùng 10 tháng Chạp, hơn 400 chậu bưởi và phật thủ lớn nhỏ đã được anh Đức vận chuyển vào Gia Lai. Tùy theo thế cây, dáng cây, lộc, quả và độ tuổi mà mỗi chậu bưởi Diễn có giá dao động từ 2,5-20 triệu đồng/chậu; còn phật thủ từ 1,5-23 triệu đồng/chậu.

Để có được những chậu bưởi cảnh đẹp mắt cung ứng cho thị trường Tết, anh Đức bảo rằng cần phải mất một khoảng thời gian dài chuẩn bị. Theo đó, người tạo kiểng phải mua gốc bưởi từ 7-10 năm tuổi tại vườn, đào đem về cho vào chậu trồng thêm 2 năm để cây sinh trưởng, phát triển bình thường trở lại. Tầm tháng 4 Âm lịch, những quả bưởi Diễn non được tuyển chọn từ các nhà vườn được nghệ nhân đem về ghép vào cây trong chậu. Riêng phật thủ được ghép vào trung tuần tháng 10 cho đến đầu tháng 11 Âm lịch. Ngoài những chậu riêng biệt, anh Đức còn ghép kết hợp cả bưởi và phật thủ trên cùng một cây để giúp cho người chơi có thêm sự lựa chọn. “Lúc ghép không cần cho thêm chất hỗ trợ nào, chỉ cần giữ nhiệt độ ở mức 20-24oC, đồng thời tránh nắng, tránh gió cho cây trong vòng 1 tháng để quả thích nghi với cây mẹ là được. Thông thường, tỷ lệ ghép thành công khoảng 80-90%”-anh Đức cho biết.

 

Chỉ cần tưới đủ nước, bưởi Diễn cảnh có thể chưng được hơn 6 tháng. Ảnh: Hồng Thi
Chỉ cần tưới đủ nước, bưởi Diễn cảnh có thể chưng được hơn 6 tháng. Ảnh: Hồng Thi

Trước sự xuất hiện của những chậu kiểng lạ mắt trong dịp Tết năm nay, nhiều người dân Phố núi đã không chần chừ ghé lại tham quan và lựa chọn cho mình những chậu ưng ý. Ông Lại Văn Trận (thôn Hợp Nhất, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) hồ hởi nói: “Sau khi sắp xếp xong công việc ở nhà, hai vợ chồng tranh thủ chạy ra Pleiku để lựa mua mấy chậu hoa Tết về chưng trong nhà cho có không khí. Đi ngang đây thấy cây lạ lạ nên ghé vào xem. Lần đầu tiên tôi thấy bưởi và phật thủ làm cảnh thế này, thật sự rất đẹp mắt”.
 

Vì là năm đầu tiên xuất hiện nên loại cây kiểng này còn khá lạ lẫm với người dân Phố núi. Ảnh: Hồng Thi
Vì bưởi và phật thủ ghép chung cây là năm đầu tiên xuất hiện nên loại cây kiểng này còn khá lạ lẫm với người dân Phố núi. Ảnh: Hồng Thi
Nhiều gia đình chọn mua cây phật thủ vì cho rằng loại quả bàn tay phật này sẽ đem lại sự bình an, may mắn trong năm mới. Ảnh: Hồng Thi
Nhiều gia đình chọn mua cây phật thủ vì cho rằng loại quả bàn tay phật này sẽ đem lại sự bình an, may mắn trong năm mới. Ảnh: Hồng Thi

Còn anh Trịnh Vân (phường Trà Bá, TP. Pleiku) thì vui vẻ cho hay: “Tôi đang đi tham khảo hoa để mua cho công ty và đặc biệt chú ý đến mấy chậu kiểng này, nhất là phật thủ. Bởi lẽ nó không chỉ đẹp, lạ mà còn chứa đựng ý nghĩa tâm linh, giống như bàn tay của Phật dang rộng che chở và mang đến nhiều may mắn trong năm mới”.

Hơn nửa tháng đưa cây lên Pleiku, anh Đức đã bán được gần 10 chậu to, 18 chậu trung và rất nhiều chậu nhỏ. “Vì mới năm đầu tiên, người dân chưa biết rõ cách chơi và giá trị của cây nên còn dè dặt. Những chậu to thường cơ quan hay doanh nghiệp mới mua, còn lại người dân thì chọn chậu nhỏ. Sắp tới, tôi sẽ xây dựng một vườn kiểng tại TP. Pleiku và mang cây vào trồng tại đây luôn. Phần vì nhận thấy thời tiết cũng khá thích hợp cho cây, phần để giảm chi phí vận chuyển và mức độ hao hụt do chở đi xa. Hơn nữa, việc mở nhà vườn tại chỗ sẽ đưa bưởi Diễn, phật thủ cảnh Hưng Yên đến gần hơn với người dân, giúp họ an tâm, chủ động và thuận tiện hơn khi mua”-anh Đức kỳ vọng.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hà Duy

Hội thảo bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững cao nguyên Kon Hà Nừng

(GLO)- Sáng 22-11, Viện Sinh thái học Miền nam, Trung Tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) cao nguyên Kon Hà Nừng tổ chức hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững Khu DTSQ cao nguyên Kon Hà Nừng đến năm 2030.

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Ảnh Hà Duy

Chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án, cụ thể từng tháng

(GLO)- Đó là một trong những yêu cầu tại Công văn số 2671/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành nhằm đề nghị các sở, ban, ngành; các địa phương; các chủ đầu tư triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.

Kho xăng dầu của Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) hiện chưa được chấp thuận đấu nối vào quốc lộ. Ảnh: V.T

Cửa hàng xăng dầu đấu nối vào đường giao thông: Vướng mắc cần tháo gỡ

(GLO)- Theo Luật Giao thông đường bộ và các quy định liên quan, các công trình xây dựng, trong đó có cửa hàng xăng dầu nằm dọc quốc lộ, tỉnh lộ phải xây dựng ngoài phạm vi hành lang an toàn đường bộ và thực hiện đấu nối đúng vị trí được UBND cấp tỉnh phê duyệt.