Bốn chị em người Bahnar tâm huyết với văn hóa truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cả 4 chị em gái trong một gia đình người Bahnar ở làng Kgiang (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đều là thành viên nòng cốt của đội cồng chiêng nữ và câu lạc bộ dệt thổ cẩm của làng. Họ vừa là hạt nhân, vừa là chất xúc tác giúp cộng đồng giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa.

Vượt qua định kiến chỉ có đàn ông mới đánh chiêng, cả 4 chị em trong gia đình nghệ nhân Đinh Thị Hiền (chị cả), Đinh Thị Hồng, Đinh Thị Hà, Đinh Thị Hương đều đam mê cồng chiêng, hăng hái tham gia đội cồng chiêng nữ. Đội có 45 thành viên, gồm 20 người đánh chiêng và 25 người xoang. Cả 4 người đều là tay chiêng “cứng” trong dàn cồng chiêng.

Không dừng lại ở đó, 4 chị em còn nổi tiếng với vai trò chủ chốt của Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm làng Kgiang. Bà Đinh Thị Hiền là Nghệ nhân Ưu tú trên lĩnh vực này. Câu lạc bộ là nơi để phụ nữ trong làng học hỏi kinh nghiệm, bảo tồn nghề dệt, nơi các nghệ nhân trao truyền kỹ năng nghề truyền thống cho thế hệ trẻ.

bon-chi-em-gai-nguoi-bhanra-tu-trai-qua-dinh-thi-hien-dinh-thi-hong-dinh-thi-ha-dinh-thi-huong-deu-la-thanh-vien-chu-chot-cua-doi-cong-chieng-nu-lang-kgiang.jpg
Từ trái sang: 4 chị em người Bahnar Đinh Thị Hiền, Đinh Thị Hồng, Đinh Thị Hà, Đinh Thị Hương. Ảnh: M.C

Chị Đinh Thị Mong-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Kgiang rất tự hào khi nói về những người “phụ nữ kiểu mẫu” của làng. Theo chị Mong, gia đình Nghệ nhân Ưu tú Đinh Thị Hiền là trường hợp hiếm hoi khi cả 4 chị em đều tham gia các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống.

“Các cô đều đã lớn tuổi, nhưng khi thành lập đội chiêng nữ thì lại là những người xung phong tham gia và hăng say tập luyện. Từ ngày thành lập, đội chiêng nữ tham gia nhiều hoạt động như ngày hội đại đoàn kết, giao lưu cồng chiêng giữa các làng, trình diễn trong các lễ hội, biểu diễn phục vụ khách du lịch…

Theo phong tục, mỗi khi làng có người chết, đội chiêng đánh chiêng đưa tiễn cả đêm. Từ khi thành lập, cùng với đội chiêng của nam giới, đội chiêng nữ gánh vác một phần trách nhiệm thiêng liêng này”-chị Mong cho biết.

Hơn 10 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Kgiang, chị Mong đã chứng kiến phong trào có lúc sôi nổi, có khi trầm lắng. Song, hoạt động nào có sự tham gia của chị em gia đình nghệ nhân Đinh Thị Hiền đều duy trì hiệu quả và có sức sống lâu dài.

Từ ngày họ tham gia câu lạc bộ dệt và truyền nghề, chị em trong làng đều hăng hái tham gia. Nhiều người trước đây chỉ lo làm mía, làm mì để phát triển kinh tế, ít quan tâm đến nghề truyền thống thì nay đã mua khung dệt, theo nghệ nhân học dệt vải.

“Gia đình các cô có điều kiện kinh tế khá giả, nuôi dạy con cái giỏi giang. Năm vừa rồi, gia đình cô Hiền, cô Hà xây được nhà mới khang trang. Đó là gia đình mẫu mực mà chị em trong làng mong muốn học tập, noi theo. Nhờ đóng góp của các cô, làng Kgiang trở thành làng phụ nữ kiểu mẫu nhiều năm qua”-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Kgiang nói về sức ảnh hưởng của các thành viên trong gia đình nghệ nhân Đinh Thị Hiền.

nghe-nhan-uu-tu-dinh-thi-hien-van-giu-cac-cong-doan-co-truyen-cua-nghe-det-nhu-trong-bong-xe-soi-nhuom-mau-det-vai.jpg
Nghệ nhân ưu tú Đinh Thị Hiền vẫn giữ các công đoạn cổ truyền của nghề dệt như trồng bông, xe sợi, nhuộm màu, dệt vải. Ảnh: M.C

Không chỉ giỏi xây dựng gia đình, làm ăn phát triển kinh tế, các giá trị văn hóa cũng được 4 chị em trao truyền cho thế hệ con cháu. Chồng của nghệ nhân Đinh Thị Hiền được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trên lĩnh vực đan lát cùng đợt với vợ. 4 người con của ông bà cũng đều theo học nghề truyền thống.

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Kông Lơng Khơng-cho hay: “Đó là một đại gia đình Bahnar nhiều thế hệ điển hình của làng, của xã. Văn hóa truyền thống trở thành nền tảng vững chắc với gia đình họ cùng với đề cao trách nhiệm với cộng đồng.

Họ góp sức trong hầu hết các hoạt động bảo tồn, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa của địa phương. Nhờ những đóng góp đó, xã Kông Lơng Khơng dẫn đầu huyện Kbang về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Đây cũng là nguồn lực quan trọng để xã khai thác, phát triển du lịch cộng đồng”.

Trò chuyện với chúng tôi, Nghệ nhân Ưu tú Đinh Thị Hiền chia sẻ: Những gì bà và các thành viên trong gia đình nỗ lực duy trì đều bắt nguồn từ tình yêu, niềm tự hào với văn hóa truyền thống của dân tộc. Bà tin rằng, khi văn hóa trở thành nền tảng gia đình sẽ xây nên một cộng đồng vững mạnh.

Bà bày tỏ: “Khi tham gia các sự kiện văn hóa, mình ý thức đầy đủ giá trị sản phẩm thổ cẩm do mình làm ra khi được du khách, khách hàng quan tâm, yêu thích. Có lẽ một phần ở sự công phu, ở hoa văn, họa tiết thổ cẩm Bahnar cầu kỳ, phức tạp. Mình nói với anh chị em, con cháu là có lo làm kinh tế như thế nào thì cũng không được quên gốc gác, phải giữ cho được văn hóa, nghề truyền thống của ông cha”.

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.