Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Pháp điện đàm hiếm hoi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Vào ngày 3-4, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu và người đồng cấp Nga Sergei Shoigu có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ tháng 10-2022.

Sau đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Moscow nhận thấy Pháp sẵn sàng đàm phán về vấn đề Ukraine. Thông cáo của Nga nhấn mạnh bất cứ ý tưởng nào về tổ chức hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ đều vô nghĩa nếu không có sự tham dự của Nga.

Tuy nhiên, một nguồn tin chính phủ Pháp cho biết Pháp bác bỏ tuyên bố trên của Nga. Nguồn tin Pháp cho biết: "Điều đó không đúng. Hiện tại, chúng tôi không sẵn sàng đàm phán về vấn đề Ukraine hay đàm phán bất cứ vấn đề nào như vậy".

Nguồn tin trên cũng nói rằng trọng tâm của cuộc gọi do Pháp khởi xướng là để thảo luận về mối đe dọa khủng bố ngày càng gia tăng.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Shoigu. Ảnh: Shutterstock

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Shoigu. Ảnh: Shutterstock

Theo hãng tin Reuters, mối quan hệ Nga - Pháp căng thẳng những tháng gần đây khi Paris tăng cường viện trợ cho Kiev, trong đó có việc ký thỏa thuận hợp tác an ninh dài hạn, cam kết chuyển tên lửa hành trình tầm xa cho Ukraine.

Tổng thống Emmanuel Macron áp dụng quan điểm cứng rắn hơn với Nga, tuyên bố rằng Moscow phải bị đánh bại ở Ukraine.

Ông Macron không loại trừ khả năng một ngày nào đó quân đội châu Âu có thể phải tới Ukraine, mặc dù đã nói rõ rằng Pháp không có ý định xúi giục hành động thù địch chống lại Nga.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu ngày 3-4 cảnh báo bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Pháp đưa quân đến Ukraine sẽ khiến Pháp gặp rắc rối. Bộ Quốc phòng Pháp nêu rõ Paris "sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine lâu nhất có thể".

Theo kênh Al-Jazeera, các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 3-4 nhất trí bắt đầu lên kế hoạch hỗ trợ quân sự lâu dài cho Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các đồng minh "đã đồng ý tiến tới lập kế hoạch cho vai trò lớn hơn của NATO trong việc điều phối hỗ trợ và đào tạo an ninh". "Lý do chúng tôi làm điều này là do tình hình thực địa ở Ukraine. Bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc cung cấp hỗ trợ đều gây ra hậu quả" – ông Stoltenberg nói.

Động thái này sẽ mang lại cho NATO vai trò trực tiếp hơn trong việc điều phối việc cung cấp vũ khí, đạn dược và thiết bị cho Ukraine.

Tổng thư ký NATO mới đây đề xuất thành lập một quỹ trị giá lên tới 107 tỉ USD để viện trợ cho Ukraine, trong đó phần lớn nhằm trang bị vũ khí nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết.

Tuy nhiên, những phản ứng ban đầu cho thấy đề xuất có thể không dễ dàng được ủng hộ. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto ngỏ ý nước này không muốn NATO tăng cường vai trò điều phối trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và huấn luyện binh lính.

Tổng thư ký NATO hy vọng sẽ khắc phục được những khác biệt với Hungary.

Có thể bạn quan tâm

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

(GLO)- Giám đốc Văn phòng khẩn cấp và phục hồi của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) Rein Paulsen trong phiên họp của Hội đồng Bảo an diễn ra ngày 12/11, cho biết “Ủy ban Đánh giá Nạn đói đã phát hiện ra khả năng cao là nạn đói đang xảy ra hoặc sắp xảy ra ở các khu vực phía bắc dải Gaza”.