(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1839/QĐ-BVHTTDL công nhận “Lễ hội Chùa Bà-Cảng thị Nước Mặn” ở thôn An Hòa (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Chùa Bà-Cảng thị Nước Mặn được tổ chức hàng năm tại Chùa Bà ở thôn An Hòa (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước). Đây là lễ hội dân gian truyền thống có quy mô lớn và lâu đời của xứ Nẫu.
Không gian Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn. Ảnh nguồn Báo Bình Định |
Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ các bậc tiền nhân từng tạo nên thương cảng Nước Mặn sầm uất, có tên trong nhiều hải đồ thương cảng thế giới.
Theo sử sách ghi lại, cách đây hơn 400 năm trước, khu vực thôn An Hòa là cảng thị Nước Mặn nổi tiếng sầm uất. Người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến di cư sang mở phố buôn bán đánh dấu một cảng thị ở vùng đất biên viễn bước vào thời kỳ phồn thịnh.
Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày: Ngày cuối tháng Giêng (có thể ngày 29 hay ngày 30, tùy tháng) và từ ngày 1 đến ngày 2-2 Âm lịch. Thời gian tổ chức lễ hội được kéo dài sang ngày 3 đến 4-2 Âm lịch.
Cùng với sự hình thành và phát triển của Cảng thị Nước Mặn ngày xưa, người dân địa phương xây dựng ngôi chùa thờ các vị gồm Thiên Hậu Thánh Mẫu, bà Thai sanh (bà mụ) và Thành hoàng làng. Việc tổ chức Lễ hội ở Chùa Bà được người dân tiếp nối gìn giữ qua rất nhiều đời, vẫn mang đậm văn hóa truyền thống qua các lễ nghinh thần, rước sắc, rước biểu tượng ngư-tiều-canh-mục...
PHƯƠNG VI(tổng hợp)