Bến đò riêng của gia đình có từ bao đời, gọi bến Dạ Hương, cũng có khi gọi bến Thơm, đá xanh nguyên khối xếp bảy bậc, cô bé Đào khi ngồi ở bậc trên cùng dựa lưng vào cây dạ hương, khi ở bậc cuối cùng thả chân xuống nước hóng mẹ đi chợ.
Pim pim... Chưa kịp vượt qua bờ dậu, bà cụ Thuấn nghe thấy tiếng xe. Chậc, xe với pháo bây giờ đầy ra, công nông, ta xi, xe máy... xình xịch pim pim suốt ngày. Bà đang trên đường về nhà mình. Vợ chồng Thạch dựng cơ ngơi mới trên đất ông bà nội để lại, tường rào ba chiều, phía trước và hai bên, riêng bờ giậu duối dày xít ở phía sau chưa kịp phá, mỗi khi định trốn con hay muốn nhanh chân, bà thường lách qua lối ấy, đi tắt một vuông vườn nữa.
Nhà mình ngày xưa năm gian mái ngói, vườn trước vườn sau, giếng khơi vỉa gạch đầu hồi nhà ngang, qua vài chục bước chân tới lũy tre. Bên ngoài lũy tre, đầm nước nối ra cánh đồng, bên dưới gốc dạ hương chiếc thuyền nan đậu quanh năm.
Bến đò riêng của gia đình có từ bao đời, gọi bến Dạ Hương, cũng có khi gọi bến Thơm, đá xanh nguyên khối xếp bảy bậc, cô bé Đào khi ngồi ở bậc trên cùng dựa lưng vào cây dạ hương, khi ở bậc cuối cùng thả chân xuống nước hóng mẹ đi chợ.
Bánh chợ Gôi xôi chợ Hồ ngon nức tiếng một vùng. Phải năm đất trời không thuận, lụt to gió lớn, thuyền bạn ghé vào đầm trú nhờ, neo sát chân tre một dãy. Ngày xưa chưa có ôtô, xe máy, xe đạp cũng không, mùa nước dài sáu tháng, làng bị vây chặt, tách khỏi mọi hội hè chợ búa, muốn đi đâu trông cậy hết vào thuyền bè.
|
Nhà văn Đỗ Văn Nhâm. |
"Vui từ Phố Sở vui đi/ Buồn từ núi Hổ, Kẻ Si buồn về". Câu ca buồn thuở trước đã lâu không nghe ai hát. Thằng Thạch hoài thai ở bến đá, đêm ấy trăng sao rười rượi, Đào nhìn rõ từng chân tóc lấm tấm mồ hôi trên trán Thuấn. Cái tên khai sinh ngủ say trên giấy tờ, người ta quen gọi vợ theo tên chồng, rồi khi ông mất nhiều người gọi mẹ theo tên con trai. Bà Thuấn, bà Thạch, vậy đấy.
Chiếc Camry nhấn liền mấy tiếng mới dừng hẳn. Ở chốn thôn quê ít nhiều đã nhuốm màu phố thị giờ này vắng lắm, người ta ra đồng, bận làm công nhân, bọn trẻ con bận đến trường. Khu công nghiệp mở ra, phố phường gần lại, bọn trộm chó, kẻ nghiện ngập, phường du thủ du thực đôi khi vẫn nhòm ngó, thành ra người cao tuổi phần được con cháu khuyến cáo không ra ngoài, phần muốn yên thân tự nhốt trong cổng sắt. Bạn già thăm nhau đã thành nếp buổi sáng mỗi ngày.
Pim pim... Lại còi. Đoạn đường phía trước ăn vào ngõ khá rộng, thi thoảng có xe đậu nhờ hoặc quay đầu ở đấy. Lần này khác, xem ra nó gọi mình, đúng, nó gọi mình. "Ai đấy... tôi đây... tôi đây!", bà chân bước, miệng thưa. Có vẻ chiếc xe không nghe thấy, cũng không nhìn thấy chủ nhà đang vạch lá lom khom bước trong vườn, nó tiếp tục gọi.
Rốt cuộc chân dép chân trần, bà Thuấn nghi ngại đứng trong cánh cửa. "Bác ơi, bác...?". Một phụ nữ cùng một cậu bé đứng trước mũi xe. "Bác nào...Con đây!". "Mời bác vào chơi. - Bà nói cho phải phép.- Cơ mà nhà Thạch đi vắng hết".
Chùm chìa khóa vẫn núp kín trong lòng tay gia chủ, khách áp sát cổng sắt, tủm tỉm cười: "U, con đây. Là cái Hương... cái Thơm đây". "Giời ơi, mẹ Hương với cu Thiện về đấy hử. Vào đây, mẹ con vào cả đây nào...". - Bà mở cổng, giang tay đón đứa cháu ngoại. Thằng bé khụt khịt, vọt vào sân, đôi tay già nua bị hẫng ở trống không mấy tích tắc.
Hương soi gương, vuốt tóc, vuốt áo, mọi thứ đều ổn, trừ cái Camry, một vệt bùn nhỏ quét dọc thân xe. Phất trần, giẻ lau có sẵn trong cốp, người con gái vẫn ới lên, giọng nói rõ ràng có chút nũng nịu: "U cho con mảnh giẻ lau mí... Cái sành sạch í". Đã đành giẻ lau không thiếu, nhưng cái sành sạch không bỗng chốc có ngay được. Có cái áo cũ, vợ Thạch đã bỏ thùng rác, bà tiếc của giặt lại cất trong tủ.
Giải quyết xong vệt bùn, Hương bước lên thềm, bỗng "xoảng" một tiếng. Có nhẽ mừng quá, bà mở tủ lạnh tìm đồ uống cho con cháu, lỡ tay đánh rơi bình nước. Khổ thân, già cả chán thế đấy, tết đến giờ, sau lần trượt ngã hễ động chân động tay vào việc gì cũng đoảng.
"Thiện ơi, vào bà thơm tí nào". Thằng bé đã nghe mẹ kể nhiều về quê ngoại, bà ngoại, nhưng bà ngoại không thơm như mẹ Hương, cậu ngồi lòng bà một lát, rồi phóng ra vườn. Vườn ngoại vui hơn. Chào mào, rẻ quạt, chim sâu... tí ta tí tách.
Trong nhà, cô con gái sau vài lời thăm hỏi, chỉ chăm chú lắng nghe. Chuyện, đa phần chuyện cũ. Ừ, vợ chồng cậu Thạch cũng thuốc thang, chăm bẫm lắm chứ, nhưng tuổi già, giời cho sao được vậy. Cái đận u ngã, vợ Thạch bảo gọi điện cho con. U bảo, đừng gọi, chị Hương làm việc nhà nước, vất vả lắm. Vợ Thạch vẫn gọi, nó bảo, chắc chị bận, không nghe máy. Sợ con gái trách cứ, bà cụ phân trần, chuyện nọ rủ sang chuyện kia, có câu đã nói chốc sau lại thành chuyện mới...
Mà này Hương ạ, u chả xin tiền, quần áo, đường sữa mí cô phai (choco-pie) đâu. Con cứ vun vén cho bố con thằng Thiện với bên nội, chu toàn đầy đặn đến đâu u yên lòng đến đó. U dặn lâu rồi nhỉ, từ khi con chưa đi lấy chồng cơ. Ngày xưa bà ngoại cũng dặn u như vậy.
À, con vốn là cái Thơm. U đau bụng đúng dịp bên hàng xóm có việc hiếu, phải võng cáng về bên ngoại. Rạng sáng thì xổ, con khóc to lắm, cuối xuân hoa dạ hương đương mùa, thơm lắm. Có nhẽ con không nhớ được bà ngoại nhỉ. Đẹp người đẹp nết, nuôi tằm, dệt vải, chạy chợ... Cho người ta vay thóc đổ đầy thùng, đến khi nhận trả, tự tay gạt bớt mỗi thùng một ít. Bây giờ chả ai đói ăn... Hương vẫn vâng dạ, mỉm cười chăm chú lắng nghe như người lần đầu được hóng chuyện.
Nửa giờ sau, chiếc Camry quay đầu, hoan hỉ bấm còi. Nó ôm cua rất ngọt rồi khuất nhanh sau khúc quành, không kịp nhìn qua gương chiếu hậu một chấm nâu tươi bé xíu bước theo sau. Người mẹ thẫn thờ một lát rồi nhận ra đang đứng ở nhà mình.
Nhà mình hay bến Dạ Hương hay bến Thơm là toàn bộ cơ ngơi đất đai, vườn tược, ao chuôm. Hai cụ thân sinh đã hiến một dải đất để mở đường, thế sự biến thiên phân tán phần còn lại, trừ mươi thước "của chị dưỡng già" như cậu em phương trưởng an vui định cư ngoài thành phố nói, chỗ ấy giờ trồng chè xanh, vài luống rau.
Đường liên hương cơi nới mở rộng dần, bờ kè đá chạy ven đầm thay thế lũy tre. Máng tưới sông tiêu thuận tiện, không còn lụt lội, không phải lụy thuyền bè, bảy bậc đá trôi nổi thất lạc còn ba. Bà ngồi ở bậc trên cùng dưới gốc phượng vĩ.
Ông Thuấn mất, cây dạ hương bắt đầu rụng lá, mỗi ngày một ít, năm sau thì chết hẳn, đứng mãi như giời hành, người ta đổ công đào bới, trồng cây phượng thay thế. Đồng lúa trước mặt đương xanh, gió vờn từng đợt sóng, ngày xưa mùa này là sóng nước.
Đêm ấy dưới trăng, cô Đào nhìn thấy một chấm sáng trôi về, càng lúc càng gần, càng lúc càng sáng. Bé Hương đã ngủ say, Đào chợt thức rồi không sao thiếp đi được nữa, cô sẽ sàng trở dậy, không định mà chân đưa về nhà mình.
Thày mẹ, các em đang ngon giấc, Đào bước ra bến Dạ Hương. Cái chấm sáng do ánh trăng bắt vào sóng nước ấy to dần lên thành một quầng lớn. Đào nép vào thân cây định thần, giữa quầng sóng vỗ ấy là một người đàn ông. Là chồng cô.
Đơn vị dừng chân một đêm trên đường vào biên giới Tây Nam, Thuấn vừa chạy vừa bơi năm cây số tạt qua nhà. Cây đèn đói pin mờ nhạt lần lượt thăm gương mặt những người thân. Thuấn chỉ kịp nói với hai người đàn ông, bố mình và bố vợ vài câu. Hai vợ chồng đưa nhau xuống thuyền, lâu lắm mới bơi đi được.
|
Những bậc thềm rêu phong nhà cũ. |
Chao lắc, xoay tròn, chồm lên như cướp sóng biển khơi, con thuyền trôi lạc một đoạn dài. Đất trời rười rượi trăng sao, Đào nhìn rõ từng chân tóc lấm tấm mồ hôi trên trán chồng... Năm sau Đào sinh một bé trai. Thư đi thư lại, hồi đó hàng tháng thư từ mới đến tay, Thuấn dặn, đặt tên con là Ba hay Thạch, tùy ý Đào, cô chọn chữ Thạch, nghe vững chãi hơn.
Năm đẻ thằng Thạch, Đào đã ba tám, ba chín, hay bốn mươi, cũng có khi hơn, bà Thuấn chẳng nhớ nữa. Tuổi tác trong giấy tờ, nói làm gì. Bây giờ tầm đó người ta không chịu sinh đẻ nữa. Vợ Thạch đấy, được mỗi thằng Dương lộc ngà lộc ngộc...
Bà Thuấn vịn gốc phượng vĩ đứng lên. Chiều muộn rồi, cữ này mẹ con cái Hương chắc đã về đến nơi. Cái Hương giỏi giang cũng chẳng né được trời, thuốc thang bao năm mới được nhõn thằng Thắng. Giời cho khỏe, thế nào rồi cũng phải lên chơi với con cháu ít ngày.
Pim pim... Lại xe. Đã nép vào sát cây phượng vĩ, giẫm lên cả bụi thạch thảo, bà vẫn bị một đứa xô vào. Hóa ra thằng Dương, nay thứ bảy, cu cậu bám ôtô về quê, tróc tiền tróc gạo của bố đây. Mẹ nó chứ, đòi cõng bà. Gớm, mười tám rồi đấy, tân khoa đại học cơ đấy, bà mắng như mắng giặc, cu cậu vẫn cười. Thằng này giống hệt ông nội ở cái gan to, tiếng cười cũng to.
Chếch bên trời một chùm phượng sót đỏ vào chiều thu, người từ đồng lúa bước lên, xúm về bến đá, cười cười nói nói. Mấy chị, mấy cô chẳng ai hay có một cụ bà vẫn âm thầm gọi đấy là bến Dạ Hương.
Theo Đỗ Văn Nhâm (CANDO)