Báu vật ghi khắc chủ quyền biển đảo Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vạn Lý Hoàng Sa với bãi cát vàng vạn dặm đã được thủy quân Việt Nam cắm mốc chủ quyền cách đây gần 2 thế kỷ và ngư dân cũng thường ra khai thác các sản vật như hải sâm, đồi mồi… Điều đó đã được ghi khắc trong khối Di sản tư liệu thế giới Mộc bản triều Nguyễn (MBTN) đang được cất giữ tại thành phố Đà Lạt.

Mới đây, khi tiếp đoàn của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ ngành chức năng, ông Nguyễn Xuân Hùng, giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (số 2 Yết Kiêu, Đà Lạt) cho biết có 34.619 tấm mộc bản với 55.320 mặt khắc đang được bảo quản tại đây. Đó là những bộ biên niên sử phản ánh lịch sử nước ta hàng bao thế kỷ. Đặc biệt, có 17 tấm với 19 mặt khắc mô tả vị trí địa lý, đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên; quá trình xác lập chủ quyền và quản lý của triều Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tham quan kho bảo quản MBTN.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tham quan kho bảo quản MBTN.

Cắm mốc chủ quyền

Cán bộ phòng lưu trữ cho chúng tôi xem mặt khắc 24, quyển 10 của sách “Đại Nam thực lục tiền biên” (ghi chép các sự kiện lịch sử giai đoạn 1558-1777), trong đó miêu tả cụ thể về Hoàng Sa: “Ở ngoài biển thuộc về xã Vĩnh An, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 130 bãi cát cách nhau một ngày đường hoặc vài trống canh, kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là “Vạn Lý Hoàng Sa - Bãi cát vàng vạn dặm”.

Trên bãi cát có nguồn nước ngọt. Sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, vích, ba ba… Buổi quốc sơ đặt đội Hoàng Sa 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm đến tháng ba thì đi thuyền ra, đi độ 3 ngày đêm thì đến bãi, tìm lượm hóa vật, đến tháng tám thì về nộp…”. Còn tại quyển 8, mặt khắc 10 ghi rõ vào tháng 4 mùa hạ, năm Tân Mão (1711) chúa Nguyễn Phúc Chu “sai người đi đo đạc bãi biển Trường Sa, chiều dài, ngắn, rộng, hẹp là bao nhiêu”.

Giám đốc Hùng nói dưới triều Nguyễn, việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa được thực thi liên tục. Chỉ riêng mộc bản sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ” đã có 5 mặt khắc minh chứng điều này. Mặt khắc 2, quyển 22 ghi rõ vào năm Quý Hợi 1803 (tức chỉ mới 1 năm sau khi lên ngôi), vua Gia Long đã cho tái lập đội Hoàng Sa: “Lấy cai cơ Võ Văn Phú làm Thủ ngự của biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch làm đội Hoàng Sa”. Đến năm 1815, vua Gia Long tiếp tục “sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò, đo đạc thủy trình” (mặt khắc 6, quyển 50). 

 

Bia ghi dấu chủ quyền Việt Nam Cộng hòa trên đảo - ảnh tư liệu.
Bia ghi dấu chủ quyền Việt Nam Cộng hòa trên đảo - ảnh tư liệu.

Cũng theo sách này, năm 1836, vua Minh Mạng chuẩn y lời tâu của các quan trong triều, cho đội thủy quân Phạm Hữu Nhật ra Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền: “… Cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi, mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, mặt bài khắc chữ “Minh Mạng thứ 17, năm Bính Thân, thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom, đo đạc, đến đây lưu dấu ghi nhớ” (mặt khắc 25, quyển 165).

“Tháng 6, năm Ất Mùi (1835) dựng đền thờ thần ở đảo Hoàng Sa - Quảng Nghĩa. Hoàng Sa ở hải phận Quảng Nghĩa, có một cồn cát trắng, cây cối xanh um. Giữa cồn cát có giếng, phía tây nam có miếu cổ, có tấm bài khắc bốn chữ: “Vạn Lý Ba Bình - có nghĩa: Vạn dặm sóng êm”. Cồn Bạch Sa có chu vi 1.070 trượng, tên cũ là núi Phật Tự, bờ phía đông, tây, nam, đều có đá san hô vòng quanh mặt nước, phía bắc tiếp giáp với một cồn toàn đá san hô, nổi lên sừng sững, có chu vi rộng 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, sánh cùng với đồi cát gọi là bàn than thạch”  (mặt khắc 4, quyển 154).

Cán bộ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia  IV còn tìm thấy bản khắc ghi lại chuyện một số nhà buôn phương Tây ví  Hoàng Sa và Trường Sa như là vùng “đầy ma quỷ” và “buồn thảm” bởi quá hiểm yếu khiến nhiều tàu thuyền gặp nạn. Còn triều đình nhà Nguyễn đã nhiều lần cùng ngư dân tiến hành cứu hộ, thực thi nghĩa vụ, trách nhiệm của nước có chủ quyền. Năm Canh Dần (1830), khi thuyền buôn của Pháp bị mắc cạn và đắm tại phía tây đảo Hoàng Sa, viên Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng đã ra lệnh cho thuyền của cảng mang theo nước ngọt ra biển tìm kiếm, hộ tống những người gặp nạn trên biển đưa về cảng an toàn.

 

Mộc bản ghi lại việc vua Minh Mạng cho cắm mốc chủ quyền ở Hoàng Sa.
Mộc bản ghi lại việc vua Minh Mạng cho cắm mốc chủ quyền ở Hoàng Sa.

Quyển 176 mộc bản sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ” ghi nhận một trường hợp khác: “Mùa đông, tháng 12, năm Bính Thân (1836), thuyền buôn Anh Cát Lợi đi qua Hoàng Sa, mắc cạn, bị vỡ và đắm, hơn 90 người đi thuyền sam bản đến bờ biển Bình Định. Vua được tin, dụ tỉnh thần lựa nơi cho họ trú ngụ, hậu cấp tiền và gạo. Lại phái thị vệ thông ngôn đến phiên dịch để gửi lời thăm hỏi, tuyên chỉ ban cấp. Bọn họ đều quỳ dài, khấu đầu không thôi. Sự cảm kích biểu lộ ra lời nói và nét mặt”.

Di sản thế giới

Ngày đó, việc làm hồ sơ để được vinh danh ở Chương trình ký ức thế giới là việc hoàn toàn mới mẻ ở Việt Nam, do vậy khi được giao chủ trì, nghiên cứu dịch thuật và thuyết minh hồ sơ đăng ký MBTN vào chương trình này, TS Phạm Thị Huệ (lúc đó là Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV) cùng các cán bộ trong cơ quan phải dò dẫm từng bước. Sau 2 năm kiên trì làm đi làm lại nhiều lần, ngày 31-7-2009, MBTN đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới đầu tiên ở 3 nước Đông Dương.

“Thực ra mình đã bén duyên với MBTN từ năm 1983, lúc mới 25 tuổi. Năm đó vợ chồng mình được biệt phái lên Đà Lạt nghiên cứu về khối MBTN đang được cất giữ ở Nhà dòng Chúa cứu thế, nay là Viện Sinh học Tây Nguyên. Nhà dòng rất xa trung tâm thành phố, tọa lạc trên ngọn đồi cách biệt trông rất hoang vu. Ôm đứa con nhỏ đến một nơi như thế, lúc đầu mình cũng buồn và lo lắm nhưng càng tiếp cận MBTN thì mình càng mê và chỉ ước một điều là có thật nhiều thời gian để thỏa sức nghiên cứu. MBTN là dạng tài liệu đặc biệt của nước ta và hiếm có trên thế giới. Mỗi tấm mộc bản không chỉ là một trang tài liệu quý có giá trị lịch sử mà còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo”, TS Huệ hào hứng nói.

 

TS Phạm Thị Huệ tại kho lưu trữ MBTN.
TS Phạm Thị Huệ tại kho lưu trữ MBTN.

Thật vậy, chúng tôi đã được tham khảo nhiều tài liệu Hán - Nôm nhưng chưa thấy loại văn bản nào có sức cuốn hút đến thế. Dẫu in dấu thời gian hàng trăm năm nhưng những con chữ trên các tấm ván khắc màu sáng trắng hoặc xám đen vẫn sắc nét, đẹp đến lạ lùng. Các chữ viết, nét khắc khi thì cứng rắn kiên cường, lúc lại mềm mại uyển chuyển như rồng bay phượng múa.

Từng tham gia chỉnh lý mộc bản, thầy Nguyễn Thanh Châu (nguyên giảng viên Đại học Đà Lạt) cho hay MBTN là những văn bản chữ Hán-Nôm khắc ngược trên gỗ để in thành sách. Tất cả bản thảo đều được hoàng đế “ngự lãm”, phê duyệt trước khi khắc lên gỗ. Loại gỗ phổ biến nhất dùng làm ván khắc là thị vì có ưu điểm dai, mềm, mịn, khó bị nứt nẻ, chữ khắc không bị lệch. Còn theo sách Đại Nam nhất thống chí, mộc bản được chế tác từ gỗ cây nha đồng, tục danh là sống mật với sớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi.

 

Nhận định MBTN là di sản tư liệu quý hiếm của quốc gia, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo các bộ ngành phối hợp xây dựng kế hoạch để đưa ra trưng bày, triển lãm ở nước ngoài nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu lịch sử, văn hóa của Việt Nam.

TS Huệ nói thêm: MBTN được sản sinh chủ yếu trong quá trình hoạt động của Quốc sử quán triều Nguyễn tại Huế. Bản khắc cổ nhất đã ra đời cách đây gần 200 năm dưới triều vua Minh Mạng. Qua nhiều đời vua nhà Nguyễn, việc lưu giữ, chỉnh lý MBTN luôn được quan tâm. Năm 1959, khi Bảo Đại chọn Đà Lạt làm “kinh đô” Hoàng Triều cương thổ thì MBTN được chuyển về miền đất cao nguyên này.

Trải hàng chục năm chiến tranh và ngay cả trong những năm đầu khi miền Nam vừa được giải phóng, việc bảo quản còn bị xem nhẹ. Hậu quả là nhiều tấm mộc bản bị thất lạc hoặc nứt, gãy, mối mọt, thậm chí một số người còn chẻ ra làm củi. May mắn là vẫn còn lưu giữ được một số tài liệu quan trọng về Hoàng Sa và Trường Sa.

Kim Anh/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.