Bầu cử Mỹ: Con đường nào dẫn đến chiến thắng cho bà Harris và ông Trump?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Các nhà bình luận cho rằng cả bà Kamala Harris và ông Donald Trump đều có "con đường hẹp" đi đến chiến thắng.

Dự báo triển vọng bầu cử trước đây của đài CNN cho thấy cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có lợi thế rõ ràng trong cuộc đua giành 270 phiếu đại cử tri. Nhưng lợi thế đó đã tan biến khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tham gia đường đua.

Bà Harris đã thành công nhanh chóng trong việc thống nhất Đảng Dân chủ và khôi phục sức mạnh chính trị với một số nhóm cử tri quan trọng như cử tri da màu, cử tri trẻ và cử tri nữ, vốn là một phần của các liên minh đảm bảo chiến thắng gần đây cho các ứng cử viên Đảng Dân chủ.

Định đoạt tại các bang chiến trường

Trong viễn cảnh bầu cử nói trên, 4 bang từ nghiêng về Đảng Cộng hòa bị chuyển sang trạng thái chiến trường không chắc chắn, gồm Michigan, Georgia, Nevada và Bắc Carolina. 4 bang này có tổng cộng 53 phiếu đại cử tri.

Ông Trump hiện có 24 bang (và một khu vực quốc hội ở Maine) ủng hộ ông hoặc nghiêng về phía ông với tổng số 219 phiếu đại cử tri, thiếu 51 phiếu so với số phiếu cần thiết là 270 để giành chiến thắng.

Hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris. Ảnh: MLive.com
Hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris. Ảnh: MLive.com

Về phần mình, bà Harris có 19 bang cùng với Quận Columbia ủng hộ bà hoặc nghiêng về phía bà. Tổng số phiếu đại cử tri bà có thể nhận là 225, thiếu 45 phiếu so với con số 270 phiếu.

Hiện tại, CNN đánh giá có 7 bang - Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, Bắc Carolina, Pennsylvania, Wisconsin -và một khu vực quốc hội của bang Nebraska với tổng số 94 phiếu đại cử tri là chưa rõ bỏ phiếu cho ai.

Bình luận trên trang Daily Mail cũng đồng ý với con số 7 bang chiến trường nói trên nhưng cho rằng sự quyết định sẽ nằm ở 3 bang trong số này.

Bang chiến trường có nhiều phiếu đại cử tri nhất là Pennsylvania (19 phiếu). Ứng viên nào chiến thắng ở bang này, con đường đến chiến thắng trở nên dễ dàng hơn. Hai bang khác là Georgia và Bắc Carolina, cùng có 16 phiếu đại cử tri.

7 bang chiến trường có tổng cộng 93 phiếu đại cử tri. Ảnh: Ảnh: Daily Mail
7 bang chiến trường có tổng cộng 93 phiếu đại cử tri. Ảnh: Ảnh: Daily Mail

Các kịch bản của bà Harris

Nếu bà Harris thắng ở Pennsylvania, bà chỉ cần giành thêm tối đa 2 hoặc 3 bang chiến trường nữa là có thể trở thành tổng thống. Nhưng nếu thua ở bang then chốt này, bà rất khó giành được chiến thắng.

Đảng Dân chủ chưa từng thắng Nhà Trắng mà không thắng Pennsylvania kể từ thời Tổng thống Harry Truman năm 1948.

Bang này đã chuyển sang ủng hộ ứng viên Joe Biden vào năm 2020 nhưng cũng chính nơi này đem lại chiến thắng cho ông Trump 4 năm trước đó (trước cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton).

Nếu ông Trump thắng ở Pennsylvania năm nay, bà Harris cần phải thắng ở ít nhất 4 bang chiến trường khác, trong đó có ít nhất một bang có 16 phiếu đại cử tri.

Điều này đồng nghĩa cuộc đua sẽ diễn ra trực tiếp tại Bắc Carolina hoặc Georgia. Cuộc thăm dò mới nhất cho thấy tỉ lệ ủng hộ của hai ứng viên tại hai bang này là sít sao.

Ông Trump giành chiến thắng ở Bắc Carolina trong cả hai năm 2016 và 2020. Còn tại bang Georgia, ông để thua ông Biden với cách biệt chưa đầy 12.000 phiếu bầu hồi năm 2020.

Vài nét về ứng viên Kamala Harris của Đảng Dân chủ. Đồ họa: Thanh Long
Vài nét về ứng viên Kamala Harris của Đảng Dân chủ. Đồ họa: Thanh Long

Các kịch bản của ông Trump

Nếu ông Trump không giành chiến thắng ở Pennsylvania, con đường đến Nhà Trắng của ông cũng khó khăn hơn nhiều.

Ngay cả khi giành được Arizona (11 phiếu đại cử tri), Nevada (6), Michigan (15) và Wisconsin (10), ông Trump vẫn không đạt đủ 270 phiếu đại cử tri cần thiết và không thể thắng cử nếu không thắng tại Georgia hoặc Bắc Carolina.

Trong kịch bản thắng ở cả Georgie và Bắc Carolina, ông vẫn cần thắng tại ít nhất 2 bang chiến trường khác để bù đắp cho thất bại ở Pennsylvania.

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Pennsylvania được cả 2 ứng viên chú trọng trong giai đoạn cuối của cuộc vận động tranh cử.

Vài nét về ứng viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa. Đồ họa: Thanh Long
Vài nét về ứng viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa. Đồ họa: Thanh Long

Cục diện Đại cử tri đoàn

Ủng hộ mạnh mẽ Đảng Cộng hòa (tổng cộng 188 phiếu đại cử tri): Alabama (9), Alaska (3), Arkansas (6), Idaho (4), Indiana (11), Iowa (6), Kansas (6), Kentucky (8), Louisiana (8), Mississippi (6), Missouri (10), Montana (4), Nebraska (4), Bắc Dakota (3), Ohio (17), Oklahoma (7), Nam Carolina (9), Nam Dakota (3), Tennessee (11), Texas (40), Utah (6), Tây Virginia (4), Wyoming (3).

Nghiêng về phía Đảng Cộng hòa (tổng cộng 31 phiếu đại cử tri): Florida (30), khu vực bầu cử quốc hội thứ 2 của Maine (1)

Khó dự đoán (tổng cộng 94 phiếu đại cử tri): Arizona (11), Georgia (16), Michigan (15), khu vực bầu cử quốc hội thứ 2 của bang Nebraska (1), Nevada (6), Bắc Carolina (16), Pennsylvania (19), Wisconsin (10)

Nghiêng về Đảng Dân chủ (tổng cộng 50 phiếu đại cử tri)

Colorado (10), Minnesota (10), New Hampshire (4), New Mexico (5), Oregon (8), Virginia (13)

Ủng hộ mạnh mẽ Đảng Dân chủ (tổng cộng 175 phiếu đại cử tri): California (54), Connecticut (7), Delaware (3), Quận Columbia (3), Hawaii (4), Illinois (19), Maine (3), Maryland (10), Massachusetts (11), New Jersey (14), New York (28), Rhode Island (4), Vermont (3), Washington (12)

Theo Anh Thư (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

Cận kề ngày Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ, Anh và Pháp để tấn công Nga và phản ứng của các nước

(GLO)- Sau khi tổng thống Biden quyết định cho Kiev sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga, Anh và Pháp cũng liền có động thái tương tự. Một số nguồn tin dự đoán vài ngày tới có thể Ukraine sẽ tiến hành những đợt tấn công đầu tiên vào đối phương với tên lửa có tầm bắn tới 306 km.

Triều Tiên tố Hàn Quốc chuyển những thứ rác rưởi sang lãnh thổ của mình

Triều Tiên tố Hàn Quốc chuyển những thứ rác rưởi sang lãnh thổ của mình

(GLO)- Lâu nay, hoạt động tuyên truyền của Hàn Quốc và thả rác thải của Triều Tiên gây nên mâu thuẫn và căng thẳng giữa 2 nước. Tuy nhiên mới đây, đến lượt Triều Tiên tố Hàn Quốc sử dụng truyền đơn và đồ dùng mà Bình Nhưỡng gọi là rác rưởi sang lãnh thổ của mình với mục đích chống phá.