Bảo hiểm xã hội Gia Lai: Đẩy mạnh giao dịch điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai là một trong những đơn vị đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết công việc. Qua đó, người dân được tiếp cận các chế độ, chính sách về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) một cách nhanh chóng, thuận tiện. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Gia Lai Điện tử có cuộc phỏng vấn ông Lê Quốc Khánh-Phó Giám đốc BHXH tỉnh.  
* P.V: Công tác cải cách thủ tục hành chính nói chung, đẩy mạnh giao dịch BHXH điện tử nói riêng tại  BHXH tỉnh được đánh giá là triển khai khá đồng bộ. Đến nay, ngành đã đạt được những kết quả quan trọng nào trong công tác này, thưa ông?
- Ông LÊ QUỐC KHÁNH: Trong những năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của BHXH Việt Nam, BHXH tỉnh không ngừng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Số lượng thủ tục hành chính giảm mạnh (trên 70%), từ 115 thủ tục còn 27 thủ tục. Rút ngắn thời hạn cấp sổ BHXH xuống còn 20 ngày, thẻ BHYT từ 7 ngày xuống còn 5 ngày (riêng với người hưởng trợ cấp thất nghiệp không quá 2 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định), cấp lại thẻ BHYT không thay đổi thông tin được thực hiện trong ngày. Giảm thời gian giải quyết các chế độ BHXH từ 30% đến 50%. Cụ thể, thời gian giải quyết các chế độ: hưu trí giảm từ 20 ngày xuống còn 12 ngày; ốm đau, thai sản giảm từ 10 ngày xuống còn 6 ngày; chế độ tử tuất giảm từ 15 ngày xuống còn 8 ngày; hưởng BHXH một lần giảm từ 10 ngày xuống còn 5 ngày…
 Ngành BHXH tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đáp ứng sự hài lòng của người dân. Ảnh: N.N
Ngành BHXH tỉnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đáp ứng sự hài lòng của người dân. Ảnh: N.N
Ngoài ra, ngành tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ I-VAN thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT, BHTN; cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết các chế độ BHXH cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của ngành BHXH. Đến nay, tỷ lệ các đơn vị đăng ký tham gia giao dịch điện tử với BHXH tỉnh đạt trên 80%, tỷ lệ hồ sơ thực hiện giao dịch điện tử đạt trên 20%; kết nối thông tin khám-chữa bệnh BHYT giữa BHXH và các cơ sở ký hợp đồng khám-chữa bệnh BHYT. Ngành BHXH cũng đã triển khai hệ thống tương tác đa phương tiện với các cá nhân, tổ chức qua hệ thống SMS (7 dịch vụ tin nhắn được thực hiện trong lĩnh vực BHXH, BHYT, tra cứu thời gian tham gia BHXH, thời hạn sử dụng thẻ BHYT; tra cứu hồ sơ đã nộp, tình trạng hồ sơ… qua đầu số 8079 và tự động gửi thông báo thông tin giám định BHYT, kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN của đơn vị).
* P.V: Giao dịch BHXH điện tử mang lại nhiều thuận lợi cho khách hàng, rút ngắn thời gian giao dịch, hướng tới sự hài lòng của người dân. Vậy còn khó khăn, theo ông là gì? 
- Ông LÊ QUỐC KHÁNH:Thực hiện giao dịch điện tử nói chung, giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN nói riêng mang lại nhiều lợi ích; thể hiện trình độ phát triển của một đất nước, của một ngành, một đơn vị, người dân tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc, hoạt động, sinh hoạt hàng ngày… Giao dịch điện tử đảm bảo sự chính xác, minh bạch, giảm thời gian và chi phí của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; chống những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, phiền hà của cá nhân và cơ quan nhà nước trong giải quyết công việc, hướng tới tạo sự hài lòng của người dân.
Tuy nhiên, việc triển khai giao dịch điện tử trên địa bàn tỉnh cũng còn một số những khó khăn. Vẫn còn có đơn vị chưa thấy hết lợi ích của giao dịch hồ sơ điện tử, vẫn còn thói quen nộp hồ sơ trực tiếp. Một số nơi cấp ủy, chính quyền chỉ đạo triển khai giao dịch điện tử còn chưa quyết liệt; cơ sở vật chất có nơi chưa đáp ứng, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn có những hạn chế. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp nhỏ số lượng người lao động ít, hàng năm giao dịch với cơ quan BHXH ít nên không đăng ký giao dịch điện tử…
* P.V: Ngành BHXH tỉnh sẽ có những giải pháp gì để triển khai giao dịch điện tử đạt kết quả cao hơn trong thời gian đến?
- Ông LÊ QUỐC KHÁNH: Ngành BHXH tỉnh xác định phải không ngừng đổi mới tư duy phục vụ, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mà trọng tâm là đẩy mạnh giao dịch điện tử. Để đạt được kết quả cao hơn trong thời gian đến, BHXH tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân thấy được lợi ích thiết thực khi thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng cần quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn; các nhà mạng triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đẩy mạnh giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.
Bên cạnh đó là nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, viên chức trong các cơ quan BHXH, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính mà trọng tâm là triển khai giao dịch điện tử. Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị và thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, hướng dẫn nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, viên chức. Hàng năm, BHXH tỉnh triển khai phát động các phong trào thi đua chuyên đề về cải cách thủ tục hành chính, giao dịch điện tử nhằm kịp thời động viên, khen thưởng, khuyến khích những đơn vị triển khai tốt.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
NHƯ NGUYỆN (thực hiện)
---------------------------------
Chuyên đề này có sự phối hợp của Bảo hiểm Xã hội Gia Lai

Có thể bạn quan tâm