Báo động ổ dịch Covid-19 ở Iran, Ý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Số người chết vì dịch Covid-19 ở Trung Quốc đại lục đã vượt mốc 2.400, trong khi đó ở Ý, Iran có số ca nhiễm tăng vọt.
Người dân đeo khẩu trang ở trung tâm thủ đô Tehran, Iran - Ảnh: Reuters
Người dân đeo khẩu trang ở trung tâm thủ đô Tehran, Iran - Ảnh: Reuters
 
Đa số trường hợp tử vong là ở TP.Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), nơi vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) bùng phát cuối năm ngoái.
Trong thông báo ngày 23.2, Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc ghi nhận hơn 630 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở khắp Trung Quốc đại lục lên khoảng 77.000. Chính quyền Vũ Hán hôm qua bắt đầu áp dụng biện pháp bắt buộc cách ly 14 ngày đối với bệnh nhân mắc Covid-19 đã bình phục. Động thái này được đưa ra sau khi một số bệnh nhân xuất viện vẫn có nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng ngày cho biết tình hình dịch Covid-19 vẫn đang “phức tạp và nghiêm trọng”, sẽ ảnh hưởng khá lớn đến kinh tế - xã hội nước này, theo Tân Hoa xã. Ông Tập gọi dịch Covid-19 là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng lớn nhất” kể từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập vào năm 1949.
Tuyên bố được đưa ra giữa lúc dịch Covid-19 đã lan rộng đến hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ dịch bệnh lan sang châu Phi sau khi Ai Cập có ca nhiễm đầu tiên.
Ý cách ly ổ dịch như cách của Trung Quốc
Chính phủ Ý đã bắt đầu đưa ra các biện pháp phong tỏa tương tự như Trung Quốc áp dụng ở tâm dịch Vũ Hán. Thủ tướng Ý Giuseppe Conte tuyên bố cấm bất kỳ ai đến hoặc rời khỏi các ổ dịch sau khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng mạnh lên hơn 100 vào ngày 23.2 và có 2 người tử vong, theo AFP. Hai người chết gồm một công dân Ý và một du khách Trung Quốc. Ông Conte cảnh báo số ca nhiễm có thể tiếp tục gia tăng, nhưng kêu gọi người dân không nên hoảng loạn.
Khu vực chịu ảnh hưởng nhất là vùng Lombardy, phía bắc nước Ý với số ca nhiễm là 89, còn lại là tại vùng Veneto và thủ đô Rome. Ông Conte tuyên bố 11 thị trấn ở Lombardy và Veneto sẽ bị phong tỏa, đồng nghĩa cách ly khoảng 50.000 người. Chính quyền Lombardy tuyên bố đóng cửa tất cả trường học và hủy những sự kiện tập trung đông người kể từ ngày 24.2.
Phát biểu tại cuộc họp với các chuyên gia của Bộ Y tế Ý và vùng Lombardy, Giám đốc phụ trách châu Âu của WHO, ông Hans Kluge nói: “Điều đáng lo ngại về tình hình dịch Covid-19 ở Ý là không phải tất cả các trường hợp nhiễm có lịch sử dịch tễ học rõ ràng, như có mối liên hệ thông qua hoạt động đi lại tới Trung Quốc hoặc với các trường hợp nhiễm bệnh trước đó”.
Iran quyết liệt dập dịch
Chính phủ Iran ra lệnh đóng cửa tất cả trường học và trung tâm văn hóa tại 14 tỉnh ngay sau khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng vọt lên 43 và 8 trường hợp tử vong vào ngày 23.2. Đây là con số tử vong cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục. Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour cho biết chỉ trong ngày 23.2 nhiều ca nhiễm mới được ghi nhận tại thủ đô Tehran, các thành phố Qom, Gilan, Markazi và Tonekabon. Từ khi Iran xác nhận ca nhiễm đầu tiên hôm 19.2, số ca nhiễm gia tăng nhanh và rải rác nhiều nơi.
Quốc gia láng giềng Iraq đã áp dụng biện pháp đề phòng như cấm các chuyến bay và tàu thuyền từ Iran. Hôm qua, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới với Iran.
Cũng liên quan đến dịch Covid-19, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei hôm qua cáo buộc truyền thông nước ngoài lợi dụng dịch bệnh để gây hoang mang và cản trở cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử của nước này hôm 21.2.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ tố chính phủ Nga đứng sau hàng ngàn tài khoản mạng xã hội tung tin giả về dịch Covid-19 để đổ lỗi cho Mỹ tạo ra SARS-CoV-2, nhưng Moscow bác bỏ cáo buộc này.


Tại Nhật Bản, Bộ trưởng Y tế Katsunobu Kato hôm qua 23.2 đã xin lỗi vì để cho 23 hành khách rời du thuyền Diamond Princess lên bờ mà không được xét nghiệm SARS-CoV-2. Tàu Diamond Princess, chở khoảng 3.700 người, bị cách ly ở cảng Yokohama từ ngày 5 - 19.2. Bộ Y tế Nhật ghi nhận hơn 600 ca nhiễm từ du thuyền và 3 hành khách tử vong. Hơn 1.000 thủy thủ đoàn tiếp tục bị cách ly trong 14 ngày. Một số hành khách nước ngoài còn ở lại trên tàu, chờ chính phủ điều máy bay đến để đưa về nước, số khác đã hồi hương tiếp tục bị cách ly. Ngoài ra, Nhật Bản có hơn 130 ca nhiễm cùng 1 người chết trên đất liền.

Theo Phúc Duy (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Rối loạn tâm thần gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội

Rối loạn tâm thần gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội

(GLO)- L.T.S: Tình trạng rối loạn tâm thần đang có chiều hướng gia tăng, gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Đáng chú ý, ngày càng có nhiều người, đặc biệt là giới trẻ phải điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần như: trầm cảm, stress, mất ngủ, rối loạn lo âu, loạn thần do rượu, ma túy…

Phát hiện virus khổng lồ ở Phần Lan

Phát hiện virus khổng lồ ở Phần Lan

Lần đầu tiên ở Phần Lan, các nhà nghiên cứu của Trung tâm Khoa học Nano thuộc Đại học Jyväskylä (Phần Lan) đã cô lập được một chủng virus khổng lồ và đặt tên là Jyvaskylavirus.

Căng thẳng dẫn đến nhiều chứng bệnh nguy hiểm

Căng thẳng dẫn đến nhiều chứng bệnh nguy hiểm

(GLO)- Hiện nay, nhiều người vẫn xem nhẹ căng thẳng, đôi khi không nhận ra bản thân đang gặp stress. Thế nhưng, theo các nghiên cứu, căng thẳng kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ trầm cảm, mất ngủ, thậm chí gây ra bệnh tự miễn dịch, ung thư, tim mạch.