Miền Tây Nam Bộ thời hoang vu vô vàn thú dữ, trong đó có những loài rắn độc đe dọa tính mạng con người. Có lẽ vì thế mà những thầy rắn đã ra đời gắn liền với những bảo bối huyền bí.
Khái niệm “thầy rắn” ở đây bao gồm cả nghệ thuật bắt rắn và bí quyết thu phục rắn. Chuyến hành trình qua miền Tây mùa nước nổi, PV báo GĐ&XH Cuối tuần đã kỳ công tìm lại những cao nhân cuối cùng còn nắm giữ bảo bối trị xà nổi danh ở vùng đất này.
Ở miệt U Minh Hạ (Cà Mau), cụ Hai Tây (95) tuổi được mệnh danh là “thầy rắn”. Những năm tháng sinh tồn giữa chốn rừng thiêng, nước độc lúc nhúc mãng xà, cụ đã tự học võ nghệ đến mức xuất thần nhập hóa để phòng vệ. Đặc biệt hơn, người dân nơi đây còn khẳng định cụ đang nắm giữ một bài thuốc “cải tử hoàn sinh” khi bị độc xà cắn cực kỳ linh nghiệm.
Cao nhân ẩn mình chốn rừng thiêng nước độc
Thành phần bài thuốc trị rắn Cụ Hai Tây chia sẻ, bài thuốc trị rắn của cụ hiện tại có hai dạng. Thuốc chữa cho người trúng độc có: hồng hoàng, đại hoàng, thạch thục, quê chi, ban khuyến, long não, trần bì. Với người trúng độc bị chết lâm sàng có: ngưu hoàng, xạ hương, đinh hương, thái ngân, mậu bài. Tất cả các loại thảo dược trên đều phải được nghiền nát ra thấm nước cơm nếp với mật ong, cô lại thành viên nhỏ phơi nắng cho khô dùng dần. Bên cạnh đó hỗ trợ bài thuốc còn có sừng con dinh. Ông Hai Tây còn giữ miếng sừng dinh nhỏ, khi ai đó bị rắn cắn thì áp miếng sừng này vào vết thương nó sẽ hút độc tố khi nào hết độc thì nó sẽ tự nhả ra. Cụ Hai Tây bảo, đối với bài thuốc trị rắn, nếu ai muốn học cụ sẵn sàng truyền lại. |
Trải qua hàng trăm năm hoang vu, miệt U Minh trở thành “thiên đường” của những loài rắn độc như hổ mây khổng lồ dài hàng thước, nặng hàng trượng, hổ mang đất, chàm oạp, mái gầm… Có lẽ vì thế, những “thầy rắn” cao tay xuất hiện để chế ngự chúng như một lẽ tất yếu. Tuy nhiên ngày nay, rừng bị thu hẹp dần, rắn cũng trở thành món khoái khẩu của thợ săn… Vì thế, những giai thoại về “thầy trị rắn” dường như cũng trở thành quá vãng. Phần lớn họ đã mất hoặc ẩn danh và mang theo luôn những bài thuốc huyền bí của mình. Sau nhiều ngày lặn lội khắp miệt U Minh Hạ, cuối cùng chúng tôi mới cũng được một lão ông mà người ta thường gọi là “thầy rắn”. Đó là cụ Nguyễn Văn Đã (biệt danh “thầy rắn” Hai Tây), biệt tài trị rắn độc của cụ xưa nức tiếng miệt rừng U Minh nhưng nay cụ đã vào hàng “bách niên giai lão” nên lui về ở ẩn cùng con cháu.
Cụ Hai Tây sống cùng gia đình người con ở vùng viền rừng U Minh Hạ (thuộc huyện Trần Văn Thời). Đường vào nhà cụ Hai Tây khúc khuỷu men theo từng con rạch, chúng tôi được một người tỉ mẫn dẫn đường. Là người sinh ra và lớn lên ở đây nên anh “hoa tiêu” biết khá nhiều về ông cụ, vừa đi vừa thao thao nói như một hướng dẫn viên kể “đặc sản” du lịch của xứ mình. Rằng, cụ Hai dù đã già nhưng vẫn còn minh mẫn lắm, cái tên “Hai Tây” cũng được người dân gán cho bởi cụ đánh Tây giỏi nhất vùng. Hơn nữa cụ lại là người sống vắt qua hai thế kỷ, nên những chuyện xưa ở U Minh cụ thuộc nằm lòng, rồi anh nói về những câu chuyện trị rắn ly kỳ mà anh từng tận tai nghe cụ kể.
Ngồi tiếp chúng tôi là lão ông cao gầy, trán cao với cặp dái tai dài của người thọ lão, dù trải qua gần trăm mùa cây rừng U Minh rụng lá nhưng cái chất hoạt bát vẫn chưa mất đi. Xưa kia, cụ Hai Tây vóc người cao lớn, là võ sỹ bất bại ở Cà Mau. Ngày tham gia cách mạng, cụ được giao nhiệm vụ bảo vệ cán bộ nòng cốt trong rừng. Những chiến tích đó được phản ánh một phần trên bộ quân phục bạc màu đính đầy huân, huy chương mà cụ thường mặc khi tiếp khách. Kể về những năm tháng lăn lộn giữa rừng U Minh, cụ tâm sự: “Tôi sống được đến hôm nay cũng nhờ võ nghệ và bài thuốc trị rắn công hiệu. Ở chốn rừng thiêng, nước độc này, chuyện tôi thành “thầy rắn” cũng là hệ quả từ bản năng sinh tồn tự nhiên”.
Giải mã bài thuốc bí truyền
Thời cụ Hai Tây còn trai tráng, cả miệt Cà Mau chỉ toàn rừng rú. Bởi vậy, con người phải chấp nhận sống chung cùng thú dữ. Thuở nhỏ, cụ Hai Tây có theo học võ và bài thuốc trị rắn của một ông thầy thuốc nổi tiếng. Nhờ ý chí ham học, sự cầu tiến, cụ nhanh chóng lĩnh hội hết tuyệt chiêu võ và bài thuốc trị rắn độc. Võ thì dùng để rèn luyện bản lĩnh chống lại thú dữ và đánh giặc, còn thuốc để phòng thân và cứu người khi bị rắn độc cắn. “Ngày trước nào cọp, lợn lòi, rắn hổ mây, hổ mang đất… Người đi rừng không khéo là chết ngay, đêm ngủ có khi rắn còn chui vào giường nằm khoanh đòng”, cụ Hai Tây kể.
Vì có cái tài đặc biệt nên nhiều người bảo cụ có lá bùa rắn của ông Lỗ Ban xưa để áp chế rắn độc. Khi được hỏi, cụ Hai Tây khẳng định lá bùa chỉ giúp một phần, chủ yếu vẫn là bài thuốc lấy từ rừng. Đưa cánh tay có chữ “Dị” (người thuộc môn phái bùa Lỗ Ban), cụ Hai Tây kể: “Thuở nhỏ ở U Minh, tôi từng theo học võ và học làm bùa Lỗ Ban trị rắn từ một ông thầy nổi tiếng. Tuy nhiên, chuyện dùng “bùa khiển rắn” thì tôi chưa lĩnh hội được. Tôi đã thấy có lần sư phụ dùng “bùa” này sai rắn từ trong hang bò ra. Nhưng tôi nghĩ “bùa rắn” chỉ là thứ trấn an tinh thần vì ngày trước dân còn mê tín, phần lớn người ta dùng thuốc là chính”.
Cụ Hai Tây kể, sư phụ truyền cho ông bài thuốc rắn là võ sư danh bất hư truyền Ba Lễ, ẩn tu trong đại ngàn U Minh. Vừa có võ lại nắm bảo bối trị rắn trong tay nên những năm làm cách mạng, cụ Hai Tây được giao nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Phan Trọng Tuệ (nguyên Chính ủy khu 9, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 1974–1975). Những cán bộ, đồng đội hay người dân không may bị rắn độc cắn, cụ lại đưa bài thuốc bí truyền của mình ra cứu chữa. “Bài thuốc này được làm từ cả thuốc Nam và thuốc Bắc và từ một số thảo dược ở trong rừng. Trong đó, thuốc Nam chuyên chữa trị những ai bị rắn độc cắn nhưng chưa chết còn thuốc Bắc thì chữa cho những nạn nhân đã chết lâm sàng”, cụ Hai nói.
Để chứng minh những điều mình nói, cụ Hai Tây vào căn buồng lấy ra cho chúng tôi xem một hũ nhỏ, bên trong đựng những viên thuốc tròn như đầu đũa. Cụ bảo, viên lớn bằng hai đầu đũa là thuốc giải độc cho những ai bị rắn độc cắn mà chưa nguy kịch, còn viên nhỏ hơn là loại thuốc “cải tử hoàn sinh”. Người bị rắn cắn chết lâm sàng vài ba tiếng đồng hồ, chỉ cần cạy miệng bỏ vào trong họng một vài viên này thì sẽ tỉnh lại ngay. Cụ Hai Tây cho biết đã chữa cho khoảng 10 người bị rắn độc cắn rơi vào trạng thái chết lâm sàng, hiện những ân nhân ấy vẫn còn sống ở U Minh. Cụ nhớ nhất là trường hợp một thanh niên đi rừng bị rắn độc cắn, khi đến được bệnh viện Cà Mau thì các bác sĩ đã lắc đầu quá muộn. Nạn nhân được đưa vào nhà xác chờ người nhà nhận về mai táng. Nghe tin cụ tìm đến, bỏ vào miệng nạn nhân 2 viên thuốc, không lâu sau nạn nhân tỉnh lại.
Ngày trước cụ còn cuốn sổ dày đặc ghi tên tuổi địa chỉ những ai đến chữa, rắn cắn nhưng do bất cẩn nên bị ướt hỏng mất. Một điều đặc biệt là “thầy rắn” Hai Tây chữa cho bất cứ ai cũng không hề lấy công trạng, ngược lại cụ còn biếu thuốc và bày cho người ta phương pháp bào chế loài thuốc này. “Bài thuốc thì khá đơn giản nhưng hiện nay ít người biết. Với điều kiện xa xôi như ở U Minh nếu có thuốc này phòng thân bên người thì nạn nhân có thể uống ngay để giải độc”, cụ Hai Tây tâm sự.
Nhà cụ đông con nhiều cháu, nhưng đến nay chỉ có anh Nguyễn Văn Nam là người cháu đích tôn được cụ tin tưởng thừa truyền cho bài thuốc này. Trước khi giao bảo bối trên cho cháu, cụ Hai Tây luôn nhắc nhở đạo đức một người thầy thuốc trị rắn là không được dùng nó để trục lợi bản thân, không làm phương hại đến loài rắn. Cụ Hai Tây chỉ buồn rằng ngay nay nhiều người thiển cận coi rắn như một thứ đặc sản, hay vị thuốc ngâm rượu nên tận diệt chúng. “Rắn độc chỉ có hại khi chúng ta đối xử tệ bạc với chúng”, cụ Hai Tây đúc rút. Minh chứng là sống giữa đại ngàn rắn độc nhưng đến nay “khắc tinh” độc xà vẫn yên bình vui vầy sống cùng con cháu.
Dân Việt (Theo Vân Linh/Báo GĐ&XH)