Bánh gai Ninh Giang trên vùng đất mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vùng đất Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) có một loại đặc sản nức tiếng, đó là bánh gai. Người Ninh Giang đi xa lập nghiệp cũng không quên loại bánh mang hương vị của quê nhà, như một cách vọng nhớ cố hương.

Để làm nên chiếc bánh gai phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, khéo léo.                          Ảnh: P.L
Để làm nên chiếc bánh gai phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, khéo léo. Ảnh:  Phương Linh

Rời xã Hiệp Lực (huyện Ninh Giang) theo chồng vào vùng đất Chư Sê lập nghiệp, trong hành lý của chị Kim Thị Thu (thôn Bình Minh, xã Dun) có món bánh gai truyền thống. Từ Bắc vào Nam, bánh gai của mỗi vùng miền lại mang phong vị riêng nhưng đặc biệt nhất phải kể đến bánh gai Ninh Giang. Chiếc bánh gai mềm dẻo thơm mùi lá chuối khô, vỏ bánh mềm mượt đen nhẵn bọc lấy phần nhân đậu xanh vàng ươm được nghiền nhuyễn trộn chung với dừa sợi, mứt bí, mỡ heo, đậu phộng...  

Từ ngày vào Chư Sê lập nghiệp, mỗi dịp Tết đến, chị Thu lại sắm sửa, bày biện đồ nghề, nguyên liệu làm bánh gai vừa để dâng lên bàn thờ tổ tiên vừa để bày bán giới thiệu sản vật quê nhà nơi vùng đất mới. So với khi ở quê thì việc làm bánh nơi vùng đất mới vất vả hơn nhiều bởi phải tìm nguồn lá chuối, gạo nếp ngon, nơi xay bột... “Bây giờ ở ngoài quê, việc làm bánh cũng được sự hỗ trợ nhiều của máy móc nên nhàn hơn. Còn ở đây, vì làm số lượng ít và không thường xuyên nên hầu hết các khâu hoàn toàn phải làm thủ công từ ép, trộn lá gai, nhào bột, làm nhân bánh...”-chị Thu tâm sự.

 

Những chiếc bánh gai mang hương vị quê nhà(1)a
Những chiếc bánh gai mang hương vị quê nhà. Ảnh:  Phương Linh

Nguyên liệu quan trọng nhất để làm nên hương vị riêng của bánh chính là lá gai. “Lá gai để làm bánh phải sơ chế qua nhiều công đoạn rất mất thời gian. Làm bánh gai tuy không khó nhưng rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, kiên trì và khéo léo sắp xếp công việc sao cho thuận tiện”-chị Thu cho biết. Ngoài lá gai thì một nguyên liệu không thể thiếu khi làm bánh là lá chuối. Nhất định phải là lá chuối khô thì bánh mới thơm và lên màu đen hơn. Bánh sau khi được gói xong thì cho vào nồi hấp trên bếp củi khoảng 3 giờ đồng hồ là chín. Không giống như các loại bánh làm bằng nếp khác, bánh gai ăn ngon nhất là khoảng 2 ngày sau khi nấu, lúc này phần vỏ bánh đã hơi se lại.

Bây giờ, khi đã có lượng khách quen, chị Thu làm bánh thường xuyên hơn vào ngày mùng Một và ngày Rằm hàng tháng. Mỗi lần làm chỉ khoảng 200 chiếc bánh, vừa đủ đem ra chợ bán, còn một ít bày bán trước nhà, ngay bên quốc lộ 25 cho khách phương xa thưởng thức. Giá của mỗi chiếc bánh bình dị mang hương vị quê hương ấy cũng chỉ có 7.000 đồng. Ngoài ra, chị Thu cũng nhận đặt hàng theo đơn của khách, tùy vào sở thích của khách mà chị làm các loại nhân khác nhau.

Chiếc bánh gai với dáng vẻ mộc mạc, bình dị, vị ngọt ngào được chị Thu chắt chiu, tỉ mỉ làm nên như một cách đem quê hương đến gần hơn cho vơi bớt nỗi nhớ nhà.

 Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đang mang về hàng tỷ USD lợi nhuận, nhưng các chuyên gia cảnh báo, tình trạng bán sầu riêng non, chạy theo số lượng - bỏ chất lượng có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cả ngành hàng rất tiềm năng và lợi thế này.
Chi trả gần 1,1 tỷ đồng bảo hiểm cho khách hàng

Chi trả gần 1,1 tỷ đồng bảo hiểm cho khách hàng

(GLO)-Sáng 22-7, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) phối hợp với BIDV Nam Gia Lai chi trả quyền lợi bảo hiểm trị giá gần 1,1 tỷ đồng cho gia đình khách hàng Phạm Văn Tụng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai).
Pleiku có 115 hội viên, phụ nữ đã thoát nghèo và cận nghèo

Pleiku có 115 hội viên, phụ nữ đã thoát nghèo và cận nghèo

(GLO)- Chiều 17-7, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP. Pleiku tổ chức hội nghị Ban Chấp hành lần thứ VIII (mở rộng) để sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ TP. Pleiku lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2021-2026), sơ kết công tác Hội và phong trào phụ nữ 6 tháng đầu năm 2024.