Bâng khuâng chiều Thành cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(GLO)- Giữa cái nắng oi ả của những ngày tháng 3 lịch sử, tôi về thăm quê mẹ. Nằm chon von ở khúc ruột miền Trung gánh hai đầu đất nước, Quảng Trị vẫn còn nghèo lắm. Nhưng nơi đây lại ngập tràn nhuệ khí đấu tranh và đặc biệt là giàu tinh thần yêu nước.

Từng có khu phi quân sự vĩ tuyến 17, là giới tuyến chia cắt giữa 2 miền nên Quảng Trị cũng là một trong những chiến trường ác liệt nhất suốt 21 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975). Đi dọc các tỉnh miền Trung và kể cả miền Nam nhưng chưa có nơi nào lại thấm đẫm máu đào của các anh hùng liệt sĩ nhiều như Quảng Trị. Riêng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị đã là nơi an nghỉ của hàng vạn liệt sĩ ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chừng ấy con số thống kê cũng đủ để chứng minh tinh thần quả cảm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của lớp lớp thế hệ cha anh đi trước.

Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị tọa lạc ở trung tâm thị xã Quảng Trị. Thành cổ Quảng Trị từng là nơi giao tranh ác liệt với hàng chục trận đánh lớn nhỏ giữa ta và địch. Trong đó, đáng kể nhất là 2 trận đánh năm 1968 và 1972. Đặc biệt, trận chiến 81 ngày đêm (từ ngày 28-6 đến 16-9-1972) giữa lực lượng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam với liên minh Quân đội Hoa Kỳ-Quân lực Việt Nam Cộng hòa là trận đánh khốc liệt nhất, gây thương vong nhiều nhất cho cả ta và địch. 81 ngày đêm ấy trên Thành cổ chưa đầy 300 ngàn m2 đã bị xóa nhòa, trộn lẫn bởi khối lượng quá lớn con người, vũ khí, kể cả những vũ khí tối tân thời ấy như bom pháo, xe phun lửa, xe thiết giáp hạng nặng, pháo hạm. Trong vòng 81 ngày đêm, Mỹ-ngụy đã ném hơn 328 ngàn tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản vào năm 1954, hòng biến nơi đây thành tử địa của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Nhưng với lời thề “K3 Tam Đảo còn-Thành cổ Quảng trị còn, dù phải hy sinh đến người lính cuối cùng”, quân đội ta đã làm thất bại ý đồ “tái chiếm Thành cổ của địch”. Máu xương của hơn 4.000 anh hùng, liệt sĩ đã hòa lẫn với từng tấc đất, từng ngọn cỏ, nhành cây trong những ngày tháng oanh liệt ấy. Cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng trị đã khiến hàng ngàn người con ưu tú của non sông Việt Nam mãi mãi ra đi cho sự trường tồn của dân tộc. Sự hy sinh ấy khẳng định giá trị bất biến về lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng độc lập, tự do, thống nhất của người dân Việt Nam trước toàn thể nhân loại.

Cuộc chiến ấy góp phần quyết định vào thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris năm 1973. Đây là tiền đề quan trọng tiếp lửa cho các tỉnh, thành miền Nam, miền Trung, trong đó có tỉnh Gia Lai những ngày tháng 3 của 49 năm về trước đánh thắng địch, giải phóng tỉnh nhà để đất nước cùng hoan ca bài ca thống nhất đất nước (30-4-1975).

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Q.T

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Q.T

Ký ức hào hùng một thời của quân và dân ta vẫn còn lưu giữ tại ngôi mộ chung và nhà Bảo tàng trong Thành cổ. Đó là tấm hình ghi dấu nụ cười sảng khoái, vô ưu của người lái đò cùng con gái đưa bộ đội sang sông, từng nắm cơm người dân Quảng Trị dành cho bộ đội, mảnh tường loang lổ vết bom, từng khẩu súng hoen rỉ nhưng chứa một nội lực sống mãnh liệt của đất và người nơi đây. Đặt từng bước chân giữa lòng Thành cổ, không ai bảo ai đều chậm, nhẹ hết sức có thể để không làm đau thêm từng ngọn cỏ nơi này. Bởi lẽ, ngay nơi chúng tôi đang đứng cũng là nơi các bác, các chú đã kiên cường chiến đấu với kẻ thù, với vô vàn thiếu khó và vĩnh viễn nằm lại.

Đi giữa lòng Thành cổ những ngày tháng 3 lịch sử, chúng tôi mới thấy rõ hơn giá trị của hòa bình, thấy rõ hơn sự hy sinh vô bờ bến của các anh hùng, liệt sĩ để lớp trẻ hưởng trọn niềm hạnh phúc nước nhà độc lập.

Xin được mượn lời thơ “Xuôi dòng Thạch Hãn” của nhà thơ Lê Bá Dương để thắp nén tâm hương gửi đến các anh hùng, liệt sĩ đã mãi mãi nằm xuống tại Thành cổ Quảng Trị, góp phần cho dân tộc trường tồn, cho tuổi thanh xuân của chúng tôi được đơm hoa, kết trái: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn phố

Nồng nàn phố

(GLO)- Tiết trời đã bắt đầu chuyển sâu vào hạ. Những đợt nắng nóng nối nhau làm cho cả con người lẫn cỏ cây “khó ở”.
Phố khuya

Phố khuya

(GLO)- Thỉnh thoảng có việc ra ngoài, trở về nhà khi trời đã ngả dần về khuya, tôi thường chạy xe thật chậm. Dường như những lúc đó, luôn có một lý do níu tôi chậm lại để quan sát một đời sống khác, khi phố đã vào đêm.
Xáo chuối: Món ăn nhớ về lịch sử

Xáo chuối: Món ăn nhớ về lịch sử

(GLO)- Trong hầu hết mâm cỗ cúng đình miếu ở vùng An Khê và Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đều có món xáo chuối. Đây là món đạm bạc nhưng lại hàm ẩn nhiều giá trị lịch sử và nhân văn mà người dân nơi đây muốn gửi gắm, trao truyền cho các thế hệ sau.
Phát triển văn hóa đọc

Phát triển văn hóa đọc

(GLO)- Trước sự chi phối mạnh mẽ của các loại hình giải trí cùng nhiều thiết bị công nghệ, việc “cạnh tranh” để xây dựng chỗ đứng nhất định của sách và văn hóa đọc trong đời sống là không hề dễ dàng.

Phố hoa

Phố hoa

(GLO)- Pleiku những ngày chớm hạ đủ sắc hoa rực rỡ, từ hoa dầu, hoa giấy đến bằng lăng, muồng hoàng yến, điệp vàng, phượng tím...