Bài 1: Trên quê hương Anh hùng Núp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiến tranh lùi xa gần 40 năm nhưng chân dung những anh hùng như: Đinh Núp, Wừu, Kpăh Klơng, Puih Thu, Kpăh Ó… vẫn lưu giữ trong trái tim mọi người. Ngày nay, cuộc sống mới đã thổi luồng gió mới trên quê hương những anh hùng.
 

 

… Một ngôi làng đã đi vào lịch sử, gắn liền với tên tuổi Anh hùng Núp-cánh chim đầu đàn tiêu biểu cho người Tây Nguyên đánh Pháp. Ngôi làng đã trở thành nguyên mẫu cho nhà văn Nguyên Ngọc viết “Đất nước đứng lên” và sau đó được chuyển thể thành phim. Nối tiếp truyền thống ấy, thế hệ cháu con trên quê hương anh hùng đang ra sức luyện rèn vì một ngày mai tươi sáng hơn.

Làng “Đất nước đứng lên”

Kông Hoa là cái tên văn chương mà Nguyên Ngọc ưu ái đặt cho làng Stơr  khi đưa vào tác phẩm. Trong kháng chiến, theo người làng kể lại, làng Stơr khi ấy chỉ chừng hơn chục nóc nhà. Làng nằm ở vị thế hiểm trở, bốn bề là rừng cây rậm rạp, thâm u, lại có dòng Tơ Tung len lỏi giữa các dãy núi. Địa thế đó đã khiến cho người con Bahnar-Đinh Núp không một ngày trải qua thao trường luyện tập nhưng với tài trí và lòng căm thù giặc-đã bày binh bố trận một cách tài tình và hiểm hóc. Những chông treo, bẫy đá, hầm chông… đơn sơ như chính con người Tây Nguyên yêu nước đứng lên đánh giặc đã bao phen khiến quân thù khiếp đảm.

Về Stơr hôm nay, nhắc đến tên bok Núp, tất thảy người già, người trẻ đều vanh vách kể chuyện vị anh hùng Tây Nguyên đánh giặc như là chuyện mới hôm qua vậy. Ấy là bởi, hình ảnh bok Núp luôn ở trong trái tim mỗi người Bahnar. Trái tim người Stơr nhớ chuyện của bok Núp còn hơn chuyện của chính mình… “Lên 10 tuổi mồ côi cha. 15 tuổi đã bị bắt đi phu cho giặc Pháp. Bị đánh đập, tra tấn khổ cực dã man lại nhìn thấy cảnh dân làng sống chìm trong cảnh giày xéo, anh đã sớm nung nấu trong lòng quyết tâm phải đứng lên giết giặc. Khi chưa gặp cách mạng, anh động viên bà con, thanh niên trong làng làm bẫy đá, hầm chông, cung tên tự tạo. Chỉ là những thứ vũ khí thô sơ nhưng đã khiến không ít tên địch phải bỏ mạng. Gặp ánh sáng cách mạng, anh như được tiếp thêm sức mạnh. Bằng tài trí và sự gan dạ, anh Núp cùng dân làng đã bao lần phá tan các đợt càn quét của địch, diệt hàng trăm tên giặc khát máu, muốn cướp đất, cướp dân làng. Stơr có anh Núp thì vững chãi, chẳng giặc nào cướp được…”-già làng Stơr-Đinh Yom kể liền một mạch.

 

Đường vào làng Stơr. Ảnh Minh Triều
Đường vào làng Stơr. Ảnh Minh Triều

…Giữa những ngày tháng tư lịch sử, Stơr hiền hòa và bình thản trong cái nắng vàng như mật. Con đường Đông Trường Sơn đi qua làng. “Đây là làng mới, còn làng cũ cách đây chừng hai tiếng luồn rừng. Nhà nước di dời dân ra đây để thuận tiện giao thông và phát triển”-già làng Đinh Yom, lý giải. Già bảo rằng, bây giờ muốn vào làng cũ, chỉ có người rành mới đi được, vì phải leo núi, phá đường bởi cây rừng bao năm bít lối. Già khoe, ở trên làng cũ vẫn còn những dấu vết xưa: cây xoài lớn nơi đầu làng, hố đào hầm chông, bẫy đá bên bờ suối… ấy là chứng tích thời bok Núp đánh giặc Pháp. Khi dời làng đến nơi ở mới, dân làng để lại mọi thứ như cố neo giữ ký ức một thời.

Tiếp nối truyền thống anh hùng

Điểm trường làng Stơr vang xa tiếng trẻ tập đọc theo nhịp gõ đều của cô giáo. Trong một lớp học, Đinh Lợi-học sinh lớp 2E nheo nheo con mắt nhìn lên bảng rồi cúi xuống, cặm cụi viết. Mọi hành động diễn ra giống một thước phim quay chậm... Lợi không có được may mắn như bao bạn nhỏ bình thường khác, từ khi lọt lòng mẹ, một bên mắt phải của em đã có dấu hiệu không bình thường. Đôi khi đang viết giữa chừng, con mắt ấy dở chứng làm em khó chịu, phải dùng tay che lại, để bên mắt trái gánh đỡ nhiệm vụ cho cả hai. Vậy nhưng, nghị lực của Lợi lại khiến tất cả các thầy cô của em phải ngỡ ngàng: Em chưa một buổi vắng học, trừ khi đau ốm không còn đủ sức đến lớp. Đó là điều rất hiếm đối với học sinh ở làng. Lợi yêu trường, yêu lớp, yêu con chữ một cách tận tụy-cách tận tụy của một đứa trẻ giàu nghị lực chưa đủ lớn để nói đến ước mơ. Cô giáo Hoàng Thị Đoài-giáo viên chủ nhiệm lớp 2E, chia sẻ: “Gần 20 năm gắn bó với nghề giáo, từng bám trụ với rất nhiều trường làng nhưng tôi chưa từng thấy có nơi nào trẻ em lại hiếu học như ở điểm trường làng Stơr này. Các em hiếm khi bỏ học hay vắng học, kể cả những ngày mưa gió”.

 

Một lớp học ở điểm trường làng Stơr. Ảnh: Lê Hòa
Một lớp học ở điểm trường làng Stơr. Ảnh: Lê Hòa

Cô giáo Lý Thị Theo-giáo viên chủ nhiệm lớp 4-5, cho biết: lớp cô có 18 em, đa phần các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đặc biệt là lớp có tới 5 em mồ côi nhưng các em vẫn đoàn kết, yêu thương và đùm bọc nhau hết mực. “Các em rất có năng khiếu văn nghệ, hầu như đứa bé nào ở đây cũng cảm thụ âm nhạc rất nhanh. Các em múa hát và thậm chí là tự dàn dựng tiết mục văn nghệ rất ấn tượng, đôi khi người lớn cũng phải bất ngờ”-cô Lý tự hào nói về những cô cậu trò nhỏ. Trước đây, ở làng Stơr có Đinh Thị Hội-là cháu họ của Anh hùng Núp, đã được chính nhạc sĩ An Thuyên tuyển chọn và đưa ra Hà Nội cho theo học tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Già làng Đinh Yom nheo nheo con mắt, phấn khởi nói về cuộc sống của dân làng Stơr hôm nay: “Đổi thay nhiều lắm! Ngày xưa làng đói, mùa giáp hạt phải lên rừng kiếm củ mài về ăn. Giờ cơm gạo ấm cái bụng rồi. Dù chưa giàu có như người ta nhưng bữa ăn đã có con cá, trẻ con được đến trường, người đau bệnh có thuốc uống. Đường sá sạch đẹp, điện về tới từng nhà”. Theo già, góp công đầu tiên vào sự đổi thay của làng cũng chính nhờ bok Núp. Bok Núp là người giúp đem cây lúa nước về với dân làng. Ngày xưa lúa rẫy mỗi năm một vụ, cả sào chỉ thu được vài gùi mà lại phải chặt cây, phá rừng tìm đất tốt. Giờ trồng lúa nước, cứ ruộng đấy một năm 2 vụ, như 5 sào lúa nước nhà già mỗi năm cho bảy tám chục bao lúa. Làm gì còn nhà ai phải chịu đói nữa.

 

Già Đinh Yom kể chuyện về Bok Núp. Ảnh Minh Triều
Già Đinh Yom kể chuyện về Bok Núp. Ảnh Minh Triều

Kinh tế khá rồi, dân làng bảo ban nhau sống hòa thuận, nuôi dạy con cái cho tốt. Con cháu làng Stơr noi gương Bok Núp. “Stơr mình là làng văn hóa kiểu mẫu của tỉnh mà, làng có 7 đảng viên rồi. Người Stơr phải sống xứng với truyền thống anh hùng! Không tin, không nghe, không theo lời kẻ xấu, phải chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp”-già làng Đinh Yom nói trong niềm tự hào.

Stơr bây giờ không chỉ có hơn chục nóc nhà thưa thớt mà đã nhân lên thành 66 hộ, trong đó có 3 hộ người Kinh đến đây lập nghiệp. Khu nhà tưởng niệm anh hùng Núp được xây dựng bề thế, khang trang ngay chính giữa làng, đối diện nhà rông. Điểm trường làng Stơr chỉ cách nhà rông mươi thước. Con đường huyết mạch Đông Trường Sơn xuyên qua làng, như sợi chỉ nối dài vô tận. Dòng Kzắc hiền hòa, cần mẫn dẫn dòng nước mát lành từ suối mẹ Tơ Tung về với làng, tưới mát cho cánh đồng rộng hàng chục ha. Những quả đồi bát úp lơ lửng bao quanh làng, từng ruộng mía mới lên xanh nối tiếp nhau kéo dài tít tắp. Xa xa, núi Kông vẫn sừng sững như một điểm tựa…

 

*

*    *
 

Chuyện bok Núp đánh Pháp ai bảo là chuyện xưa? Bok vẫn ở gần đây đấy thôi, ngay trong những câu chuyện bên bếp lửa mỗi nhà khi màn đêm buông xuống, vẫn trầm bổng theo lời kể già làng bên ánh lửa bập bùng đêm hội nhà rông. Người Bahnar dù ở nơi đâu vẫn tự hào vì có bok Núp. Ông là nguồn lửa ấm, là mạch nguồn máu nóng chảy trong huyết quản người Bahnar. Bok đi rồi nhưng núi Kông còn đó, sừng sững che chở cho dân làng Stơr và Tơ Tung ngày đêm tuôn dòng nước mát tưới thắm ruộng nương. Stơr không còn đói, Stơr sẽ hết cái nghèo. Con em Stơr hôm nay ngày ngày cắp sách tới trường-một thế hệ trẻ đang làm cách mạng, cuộc cách mạng bắt đầu từ con chữ để đổi thay cuộc đời, để viết nên những câu chuyện đẹp hơn: câu chuyện không có chiến tranh, không có mùi thuốc súng, câu chuyện của làng Stơr trong yên bình và phát triển.
 

Những mái nhà sàn vẫn còn tồn tại nhiều ở làng Stơr. Ảnh Hồng Thi
Những mái nhà sàn vẫn còn tồn tại nhiều ở làng Stơr. Ảnh Hồng Thi

Minh Dưỡng-Lê Hòa-Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.