Bác sĩ Hàn Quốc đình công: Các bệnh viện ở Seoul có thể bị thiệt hại gần 72 triệu USD

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 23-6, chính quyền TP. Seoul (Hàn Quốc) cho biết, nếu như các bác sĩ thực tập không quay lại làm việc và tình trạng đình công tiếp tục kéo dài đến cuối năm thì 2 bệnh viện lớn có thể bị thiệt hại gần 100 tỷ won (gần 72 triệu USD) trong năm nay, TTXVN đưa tin.

Theo đó, 2 bệnh viện lớn bị thiệt hại nặng nề nói trên là là Trung tâm Y tế Seoul và Trung tâm Y tế Boramae.

Cụ thể, trong số 203 bác sĩ tại Trung tâm Y tế Seoul có 22% là bác sĩ thực tập và tỷ lệ này tại Boramae là 33,9%.

Một tấm áp phích có nội dung chỉ trích hành động đình công của các giáo sư y khoa thuộc Đại học Quốc gia Seoul (SNU) tại bệnh viện ở Seongnam, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Một tấm áp phích có nội dung chỉ trích hành động đình công của các giáo sư y khoa thuộc Đại học Quốc gia Seoul (SNU) tại bệnh viện ở Seongnam, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Hậu quả từ các cuộc đình công đã khiến công suất sử dụng giường bệnh tại 2 cơ sở y tế này giảm hơn 20% còn số bệnh nhân ngoại trú của Trung tâm Y tế Boraemae giảm hơn 10%. Vì vậy, các trung tâm y tế này đã kích hoạt chế độ quản lý khẩn cấp và thực hiện các biện pháp giảm chi phí.

Theo chính quyền TP. Seoul, đã có kế hoạch “bơm” 45,6 tỷ won để hỗ trợ 2 bệnh viện này nhằm đảm bảo cung cấp các dịch vụ y tế cần thiết cho người dân.

Vnexpress.net cho biết, kể từ ngày 20-2, các bác sĩ nội trú và thực tập đã đình công tập thể để phản đối chính sách tăng 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh của Chính phủ.

Giới chức cho hay, đây là phương pháp để ứng phó với tình hình dân số già và phân bổ thêm bác sĩ cho vùng nông thôn.

Tuy nhiên, giới y khoa lại nhận định việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh sẽ làm suy yếu chất lượng giáo dục y tế, khiến chi phí y tế của bệnh nhân tăng cao hơn. Họ cho rằng Chính phủ trước tiên nên cải thiện chế độ lương thưởng, đãi ngộ cho các bác sĩ, tăng cường bảo vệ về mặt pháp lý trước các vụ kiện về sơ suất y tế.

Có thể bạn quan tâm