Ba thế hệ gìn giữ "hồn chiêng"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Giữa lúc nghề chỉnh chiêng ngày dần mai một thì ở làng U Diếp (xã Kông Htok, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), gia đình ông Đinh Dốch vẫn dành trọn tâm huyết với công việc này. Đây là trường hợp hiếm thấy khi có 3 thế hệ tiếp nối giữ nghề.

Truyền nhân

Từ lâu, tài chỉnh chiêng của ông Đinh Dốch đã nổi danh khắp vùng. 66 tuổi, ông Dốch đã có 43 năm rong ruổi khắp các buôn xa làng gần để chỉnh chiêng. Ông tâm sự: “Cha mình là Kpui Sich. Trước đây, cha nổi tiếng lắm, được mời đi chỉnh chiêng khắp nơi. Trong mỗi chuyến đi, mình thường theo cha phụ việc vặt, dần dần, âm thanh vang vọng của từng chiếc chiêng thấm vào người lúc nào không hay”.

Trong ký ức của ông Dốch, đôi tay của cha mình thật diệu kỳ. Bộ chiêng nào hỏng tiếng, lạc nhịp, chỉ cần cha dùng búa gõ nhẹ vài cái đã đưa tiếng chiêng về đúng điệu. Mọi động tác, kỹ thuật của cha trên từng chiếc chiêng, ông gần như thuộc làu.

Thế nhưng, phải đến năm 1978, sau khi cha mất, ông Dốch mới bắt đầu lần mò tập “lên dây” cho chiêng. Dân làng nghe thấy tiếng chiêng vọng lại từ nhà ông Dốch và nhận ra đó là “truyền nhân” của làng, liền tìm đến mời ông đi chỉnh chiêng. Dù có năng khiếu Yàng ban, song ông Dốch vẫn phải tập luyện, rèn giũa rất nhiều mới có thể thành thạo như bây giờ.

Ông kể, bộ chiêng đầu tiên khiến ông mất ăn mất ngủ 3 ngày mới có thể chỉnh xong do chưa quen với việc kiểm soát lực tay, phân biệt độ dày, mỏng của chiêng. Dần dần, thời gian chỉnh 1 bộ chiêng được rút ngắn đồng nghĩa độ thành thạo, am hiểu của ông đối với từng loại chiêng cũng tăng lên.

Ông Đinh Dốch đã có hơn 43 năm gắn bó với công việc chỉnh chiêng. Ảnh: Phương Vi
Ông Đinh Dốch đã có hơn 43 năm gắn bó với công việc chỉnh chiêng. Ảnh: Phương Vi


Anh Siu Hiếc-con trai đầu của ông Dốch cũng đã sớm bộc lộ khả năng thẩm âm cồng chiêng. Những ngày cùng ông Dốch rong ruổi khắp các buôn làng để chỉnh chiêng, anh Hiếc mày mò học theo cha. Thấy con trai có năng khiếu và muốn theo nghề, ông Dốch mừng khôn tả, tận tình chỉ dạy.

Đến nay, anh Hiếc đã có hơn 7 năm chỉnh chiêng cùng cha. Những lúc ông Dốch bận rộn, anh Hiếc phụ giúp cha việc chỉnh chiêng. “Cha dạy mình biết đánh cồng chiêng, phân biệt từng loại chiêng và cách chỉnh âm cho chiêng. Mình tự hào lắm, vì nghề này đâu phải ai cũng làm được”-anh Hiếc bày tỏ.

Gìn giữ nghề truyền thống

Chỉnh chiêng không phải cứ học là làm được. Công việc này đòi hỏi người theo nghề phải thật sự có năng khiếu, có khả năng thẩm âm, cảm thụ cao độ của âm thanh tốt. Mọi quy tắc trong chỉnh chiêng đều phụ thuộc vào đôi tai và đôi tay của nghệ nhân. Bởi vậy mà trong hàng ngàn người biết đánh cồng chiêng chỉ có khoảng vài chục người biết “lên dây” chiêng. Vì thế, gia đình ông Dốch là trường hợp hiếm thấy khi cả 3 người đàn ông thuộc 3 thế hệ tiếp nối đều biết và yêu thích công việc chỉnh chiêng.

Ông Dốch chia sẻ: “Ngày xưa đi chỉnh 1 bộ chiêng, người ta thường trả 1-2 gùi lúa, tùy vào số lượng chiêng. Bây giờ thì trả khoảng 100-200 ngàn đồng. Có đi xa mấy, mình cũng chỉ lấy tiền công như vậy, giúp bà con có chiêng để sử dụng là vui rồi”.
 


Ông Phạm Viết Nghị-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Sê: “Ông Đinh Dốch là nghệ nhân chỉnh chiêng hiếm hoi của xã Kông Htok nói riêng và huyện Chư Sê nói chung. Mới đây, chúng tôi đã lập hồ sơ đề nghị cấp trên xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho ông Đinh Dốch. Hy vọng đây sẽ là nguồn động viên để ông tiếp tục cống hiến. Chúng tôi cũng mong anh Siu Hiếc sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò của cha mình thật tốt và truyền được niềm đam mê với nghề cho lớp trẻ”.

Với thâm niên 7 năm trong nghề, tên tuổi của anh Hiếc cũng được nhiều người biết đến. Qua mỗi lần “lên dây” chiêng, anh lại tích lũy thêm kinh nghiệm.

Anh tâm sự: “Khi mới học, mình chỉ dám nhận chỉnh những bộ chiêng “nặng”, tức là chiêng đúc dày dặn. Bởi lúc đó, mình chưa rành việc phân bổ lực tay, nếu chỉnh chiêng “nhẹ”, lỡ tay một chút là làm hỏng chiêng của người ta ngay. Phải mất 3 tháng ròng rã, mình mới biết chỉnh sơ sơ. Sau này, mình được cha chỉ dạy cách kiểm tra độ dày mỏng của chiêng; từ đó chỉnh sao cho đúng; cách nhận diện chiêng như thế nào là lạc điệu, cần nâng âm lên cao hay hạ xuống thấp”.  

Công việc chỉnh chiêng đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung cao độ và mang đậm tính nghệ thuật ấy lại đang đứng trước nguy cơ mai một. Người biết chỉnh chiêng vốn đã ít nay lại càng khó tìm bởi nhiều nguyên do. “Bây giờ, bà con không còn giữ nhiều chiêng nữa. Rất ít gia đình còn lưu giữ chiêng trong nhà, phần lớn không sử dụng, để lâu cũng bị hư hỏng nhiều. Còn chiêng chung của làng bây giờ thường là chiêng treo, dùng để biểu diễn những bài hát hiện đại nhiều hơn”-ông Dốch trầm ngâm.

Suốt 43 năm theo nghề, ông Dốch chỉ tìm được người học trò duy nhất, cũng là con trai của mình. Dù rất muốn truyền dạy thêm cho nhiều người, nhưng công việc ngày ngày cặm cụi lắng nghe, sờ nắn và gõ gõ vào mặt chiêng không làm lớp trẻ trong làng thấy hứng thú. Âm thanh trầm hùng của cồng chiêng vốn là niềm tự hào của thế hệ ông bà, giờ bỗng có chút xa lạ với người trẻ.

“Ai muốn học, mình sẽ dạy ngay để họ có thể tiếp nối gìn giữ nghề truyền thống. Mình sợ rằng sau này, các bộ chiêng sẽ không còn ai giữ đúng nhịp, rồi chúng cũng sẽ dần bị bỏ quên”-ông Dốch bộc bạch.
 

PHƯƠNG VI
 

Có thể bạn quan tâm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.

Bảo tồn và phát huy di sản

Bảo tồn và phát huy di sản

Câu chuyện biệt thự “nhà lầu ông Phủ” (ven sông Đồng Nai, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xôn xao dư luận những ngày qua như một tín hiệu vừa mừng vừa đáng suy ngẫm. Mừng khi cộng đồng ngày càng quan tâm thiết thực đến các giá trị di sản văn hóa.

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Trước nay, các nhà nghiên cứu đều cho rằng mỹ thuật Đông Sơn bị trống vắng yếu tố thực vật. Thế nhưng với sự phát hiện hoa văn vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa là hoa cúc được cách điệu, đã cho thấy yếu tố thực vật chưa bao giờ vắng bóng trong trang trí ở trống đồng.
Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Khung tre được uốn nắn tỉ mỉ, bọc bên ngoài là tấm giấy đầy màu sắc rực rỡ, nghệ nhân Trần Thanh Tùng (80 tuổi, thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) làm thành những chiếc lồng đèn trung thu truyền thống.