Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán, thiếu nước xảy ra liên tục, việc sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả như tưới béc phun mưa, tưới nhỏ giọt là giải pháp đang được người dân trên địa bàn huyện Đak Đoa áp dụng rộng rãi.

 Mô hình tưới nước phun mưa trên cây hồ tiêu. Ảnh: L.N
Mô hình tưới nước phun mưa trên cây hồ tiêu. Ảnh: L.N

Hiện nay, người dân trên địa bàn huyện Đak Đoa đang tập trung tưới nước đợt 2 cho cây cà phê, còn cây hồ tiêu thì đang thu hoạch và tưới nước giữ cho cây phát triển. Song với hệ thống béc phun mưa đã được nhiều người dân lắp đặt tại vườn thì việc tưới nước trở nên rất đơn giản và không tốn công lao động. Với hệ thống này, người dân chỉ cần bật công tắc điện là có thể tưới cho cả vườn, thậm chí những hộ dân sử dụng bộ điều khiển cảm biến thì chỉ cần ở nhà bấm điện thoại là có thể tưới nước rẫy của mình.

Anh Trương Văn Thành (tổ dân phố 3, thị trấn Đak Đoa) có hơn 1 ha cà phê trồng xen hồ tiêu tại xã Glar. Hiện nay, anh chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể điều khiển tưới nước cho vườn nhà mình qua kết nối giữa điện thoại và bộ cảm biến đặt tại vườn. Anh Thành cho biết: Trước tình hình biến đổi khí hậu làm cho nguồn nước ngày càng giảm nên việc áp dụng phương pháp tưới béc phun mưa giúp tiết kiệm được nước. Việc lắp đặt bộ cảm biến để tưới nước rất đơn giản, chỉ mất khoảng 4 triệu đồng. Đồng thời, tôi mua ống nước và béc phun mưa hết hơn 20 triệu đồng về lắp đặt hết trong vườn. Với sự kết hợp này, mình chỉ cần nhấn nút điều khiển là có thể tưới cho cả vườn. Vừa rồi, gia đình tôi về quê ăn Tết nhưng vẫn có thể điều khiển tưới cà phê và hồ tiêu giúp cây phát triển tốt.

Nhờ áp dụng mô hình tưới nước phun mưa mà khoảng 1.600 trụ tiêu của gia đình anh Lê Đình Tứ (thôn 4, xã Hneng) phát triển rất tốt, cho năng suất cao. Anh Tứ cho hay: “Gia đình có 1.600 trụ tiêu, trong đó khoảng 700 trụ đã cho thu hoạch. Từ khi xuống giống đến nay, nhờ mô hình tưới nước nhỏ giọt mà diện tích tiêu của gia đình phát triển ổn định, cho năng suất cao. Ước tính vụ này, gia đình có thể thu bình quân khoảng 6 kg tiêu khô/trụ. Còn năm trước, tôi thu được bình quân 9 kg tiêu khô/trụ. Đầu tư hệ thống tưới phun mưa rất đơn giản, mình chỉ cần mua ống nước và béc phun mưa về là có thể tự lắp đặt được, chi phí khoảng 30 triệu đồng/ha. Việc tưới nước phun mưa giúp mình tiết kiệm nước, công tưới. Nếu như trước đây tưới dí phải thuê công khoảng 20-30 ngàn đồng/giờ thì nay chi phí đó đã được giảm hoàn toàn. Như vậy mỗi đợt tưới, tôi có thể giảm được khoảng 1,5 triệu đồng tiền thuê công. Đồng thời, nếu tưới dí thì cây tiêu chỉ nhận được lượng nước dưới gốc, còn tưới phun mưa giúp làm mát cây tiêu từ trên xuống dưới, đều nhau như mưa tự nhiên.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn huyện Đak Đoa, những năm qua, mô hình tưới nước nhỏ giọt và tưới phun mưa đã được người dân trong huyện áp dụng rộng rãi trên tất cả các loại cây trồng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì đối với hơn 27.000 ha cà phê trên địa bàn có khoảng 20-30% diện tích được áp dụng tưới béc và khoảng 80-90% diện tích hồ tiêu được người dân áp dụng phương thức tưới béc phun mưa, tưới nhỏ giọt. Ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết: Trước tình hình biến đổi khí hậu và dự báo lượng nước ngày càng sụt giảm, việc áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm là hết sức cần thiết. Hiện nay, trình độ và kỹ thuật canh tác của người dân được nâng lên rất nhiều. Việc áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm sẽ giảm lượng nước và công lao động. Ngoài ra, người dân cũng có thể bón phân qua hệ thống tưới nước phun mưa và nhỏ giọt, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, không ảnh hưởng đến bộ rễ của cây trồng, tiết kiệm chi phí… Trong thời gian tới, cơ quan chuyên môn của huyện sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến người dân trên địa bàn để nhân rộng mô hình này.

 Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Cây dâu tằm “bén đất” Ia Pa

Cây dâu tằm “bén đất” Ia Pa

(GLO)- Mặc dù mới “bén đất” Ia Pa (tỉnh Gia Lai) hơn 1 năm nay, song mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mang lại hiệu quả cao, mở ra cơ hội chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Các hộ dân tham quan mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR97 tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Ánh (buôn Chính Hòa, xã Ia Mlah). Ảnh: Hữu Minh

Giống lúa TBR97 tại xã Ia Mlah ước đạt năng suất 80 tạ/ha

(GLO)- Sáng 26-4, tại xã Ia Mlah (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed-Miền Trung Tây Nguyên (trực thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed) tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình trình diễn sản xuất giống lúa chất lượng cao TBR97.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ Lâm Đồng kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu

Bộ Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ Lâm Đồng kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu

Căn cứ văn bản đề nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc hỗ trợ địa phương kiểm soát chất lượng sản phẩm sầu riêng phục vụ xuất khẩu niên vụ năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp triển khai hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng.

Thu nhập khá nhờ trồng ổi Ruby

Thu nhập khá nhờ trồng ổi Ruby

(GLO)- Sau gần 6 năm chuyển đổi từ trồng rau màu sang trồng ổi Ruby, gia đình chị Nguyễn Thị Yến (làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) đã có thu nhập ổn định. Với việc áp dụng kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, sản phẩm ổi của chị cũng đã được chứng nhận đạt OCOP 3 sao.