Ấn tượng Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 20-1, trong không khí rộn ràng trước thềm xuân mới, tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa-Thể Thao và Du lịch khai mạc Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025 và triển lãm, trưng bày, giới thiệu quá trình hình thành, xây dựng, phát triển của báo chí tỉnh Gia Lai.

Hội báo xuân năm nay trưng bày, giới thiệu gần 300 tờ báo Tết của các cơ quan báo chí trong cả nước và bản tin, đặc san, tập san số Tết của một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Đây là những ấn phẩm đặc biệt được thực hiện công phu, nội dung hấp dẫn và phong phú, trình bày đẹp mắt với nhiều bài viết, hình ảnh chất lượng cao.

Nét mới là khu vực trưng bày Hội báo xuân kết nối liên hoàn với đường hoa xuân 2025 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết làm thành không gian mở hết sức thú vị, tạo điểm nhấn cho hoạt động du xuân, đón Tết của người dân và du khách.

Phong phú giai phẩm Xuân

Năm 2025 có rất nhiều sự kiện lớn của đất nước như: kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025); kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025); kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025)…

Như một sự đồng lòng, hầu hết các bìa báo xuân năm nay đều lấy chủ đề về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với hình tượng chim lạc, cờ búa liềm, cờ đỏ sao vàng, tàu cao tốc, metro… hàm ý về sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tự tin vượt qua thách thức để vươn tới những thành tựu vĩ đại. Đó là báo Tiền Phong với chủ đề “Kỷ nguyên vươn mình”; Tuổi Trẻ TP. Hồ Chí Minh với “Hành trang vào kỷ nguyên mới”; Quân đội nhân dân với “Rạng rỡ Việt Nam”; Pháp luật TP. Hồ Chí Minh với “Đất nước cất cánh”…

Đây cũng là cảm hứng chung của các báo Đảng địa phương như Gia Lai (Vững tin dưới cờ Đảng); Đắk Nông (Xuân vươn mình); Sài Gòn Giải phóng (Việt Nam-kỷ nguyên phát triển và thịnh vượng); Bình Định (Tiến vào kỷ nguyên mới); Cà Mau (Tạo thế và lực để Cà Mau cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới)…

1.jpg
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút (ở giữa) và các đại biểu tham quan khu trưng bày các ấn phẩm của Báo Gia Lai. Ảnh: Đ.T

Về nội dung, cùng với khẳng định niềm tự hào, sự quyết tâm trước vận hội lớn của đất nước, các báo, tạp chí đều dành dung lượng xứng đáng để ôn lại ký ức hào hùng về đại thắng mùa xuân năm 1975 của dân tộc, gặp gỡ các đảng viên tiêu biểu nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam…

Một số nội dung khác không thể thiếu là những thành tựu nổi bật của đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh; nỗ lực của các cá nhân, tổ chức trong gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống; vẻ đẹp Tết Việt; phong trào khởi nghiệp trẻ…

Nhiều báo còn khai thác câu chuyện lý thú của các văn nhân, doanh nhân, người nổi tiếng cầm tinh con rắn-linh vật của năm.

db6ea8db9a9b25c57c8a.jpg
Các bạn đọc tham quan khu trưng bày các ấn phẩm của Báo Gia Lai. Ảnh: Đ.T

Cùng đơn vị đến tham quan Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025, Trung sĩ Nguyễn Tấn Quang (Đại đội vệ binh Tiểu đoàn 27, Bộ Tham mưu Quân đoàn 34) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham quan Hội báo xuân. Không gian của ngày hội rất đẹp với rất nhiều đầu báo hay, thông tin phong phú và hấp dẫn. Đây là một món ăn tinh thần không thể thiếu của người lính trong dịp Tết đến xuân về”.

Được biết, sau khi trưng bày ở khuôn viên Bảo tàng tỉnh, Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025 sẽ phục vụ bạn đọc từ ngày 22-1 đến 7-2 (tức ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ) tại Thư viện tỉnh.

1-2705.jpg
Các đại biểu tìm hiểu quá trình hình thành, xây dựng, phát triển của báo chí tỉnh Gia Lai qua các thời kỳ. Ảnh: L.N

Đặc biệt, khách tham quan Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025 còn có dịp tìm hiểu về quá trình hình thành, xây dựng, phát triển của báo chí Gia Lai qua các thời kỳ ngay tại khu trưng bày chung cũng như tại khu vực trưng bày được trang trí công phu, đẹp mắt của từng đơn vị như: Báo Gia Lai, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.

Các hình ảnh, tư liệu, ấn phẩm đã giúp người xem có sự đối chiếu, so sánh về quá trình phát triển của các cơ quan báo chí, các loại hình báo chí trên địa bàn cũng như sự quan tâm, động viên của lãnh đạo tỉnh đối với người làm báo.

Hàng chục tác phẩm ảnh nghệ thuật của hội viên Chi hội Nhiếp ảnh (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh) về đề tài “Đất và người Gia Lai” cũng được giới thiệu đến người xem, phản ánh rõ nét thành tựu của tỉnh trên tất cả các lĩnh vực.

Náo nức Ngày hội “Bánh chưng xanh”

Diễn ra cùng lúc với Hội báo xuân là Ngày hội “Bánh chưng xanh” năm 2025 do Thư viện tỉnh phối hợp với Thành Đoàn Pleiku tổ chức. Trong không khí náo nức, rộn ràng, 100 thanh thiếu nhi đã tham gia trải nghiệm gói 500 cái bánh chưng để tặng trẻ em nghèo trên địa bàn TP. Pleiku. Không gian tràn ngập phong vị ngày Tết với lá dong, đậu đỗ, thịt heo…

Chương trình được 2 đơn vị phối hợp duy trì nhiều năm qua nhằm chung tay gìn giữ những nét văn hóa truyền thống trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc; trao gửi những món quà yêu thương ngày Tết đến các hoàn cảnh khó khăn.

Không khỏi thích thú khi tập gói bánh chưng cùng bạn bè, em Lê Thủy Tiên (lớp 7/3, Trường Tiểu học và THCS Bùi Thị Xuân, TP. Pleiku) cho hay: “Em rất háo hức khi được trải nghiệm gói bánh chưng. Em mong được tham gia nhiều hơn nữa những hoạt động như thế này vào dịp năm mới để được học hỏi, giữ gìn phong tục truyền thống và chia sẻ với các bạn còn khó khăn”.

z6247631160265-5ff9882b621de65af36c6729a075a482.jpg
Học sinh hào hứng tham gia Ngày hội “Bánh chưng xanh”. Ảnh: L.N

Ngoài gói bánh, Ngày hội “Bánh chưng xanh” còn tổ chức không gian trải nghiệm thú vị, độc đáo, tô điểm nét đẹp trong phong tục đón Tết cổ truyền với hoạt động viết thư pháp, hướng dẫn trang trí mâm ngũ quả ngày Tết, giới thiệu sách về phong tục ngày Tết…

Tham quan các nội dung trong chương trình khai mạc Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025, bạn trẻ Võ Hoàng Minh (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) nhận xét: “Năm nay, Hội báo xuân tổ chức ở khu vực này là rất hợp lý. Không gian mở, có sự kết nối với đường hoa xuân nên vô cùng sống động, đúng không khí Tết.

Các đầu báo Trung ương, ngành, địa phương và triển lãm giới thiệu quá trình hình thành, xây dựng, phát triển của báo chí tỉnh Gia Lai làm cho khuôn viên này thật rực rỡ, tạo sự kết nối giữa lịch sử, hiện tại và tương lai.

Riêng Ngày hội “Bánh chưng xanh” cũng cho thấy sự gắn kết thế hệ, gắn kết truyền thống với hiện đại. Hy vọng những năm sau, Hội báo xuân tiếp tục được tổ chức với tinh thần đổi mới như thế này”.

Nhà báo Trần Quốc Anh-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh: “Với rất nhiều đổi mới, Hội báo Xuân Ất Tỵ 2025 góp phần lan tỏa văn hóa đọc đến cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trong tỉnh; động viên, khích lệ người làm báo tiếp tục sáng tạo, cống hiến để có những tác phẩm báo chí tiêu biểu về đất và người Gia Lai, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn.

Chương trình cũng đem đến cái nhìn tổng thể về sự đổi mới của đất nước và sự phát triển của báo chí, qua đó giúp người đọc ngày càng hiểu sâu sắc hơn về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu kinh tế-xã hội của cả dân tộc cũng như của tỉnh Gia Lai; đồng thời, cổ vũ Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước và của tỉnh”.

Có thể bạn quan tâm

Đại lễ Phật đản góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Phật giáo

Đại lễ Phật đản góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Phật giáo

(GLO)- Lời Tòa soạn: Nhân dịp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn Hòa thượng Thích Từ Vân-Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh về ý nghĩa cũng như hoạt động của Giáo hội nhân sự kiện này.

Gia tài của cha

Gia tài của cha

(GLO)- Hoài niệm về ký ức quãng đời sống cùng cha mẹ, anh chị em chúng tôi thường nhắc đến gia tài của cha-di sản truyền thế hệ, chất keo kết dính tình thủ túc dường như chẳng có nỗi buồn.

Thơ Đào An Duyên: Mây biên giới

Thơ Đào An Duyên: Mây biên giới

(GLO)- “Mây biên giới” của tác giả Đào An Duyên là bài thơ giàu cảm xúc về vẻ đẹp thanh bình nơi biên cương Tổ quốc. Tác giả khắc họa hình ảnh cột mốc trong nắng dịu, mây trời không lằn ranh, rừng khộp lặng im... như một bản hòa ca của thiên nhiên và lịch sử...

Nhớ khói đốt đồng

Nhớ khói đốt đồng

(GLO)- Mỗi khi tiết trời chuyển mình vào hạ, tôi lại chộn rộn một nỗi nhớ không tên. Tôi nhớ quê, nhớ cánh đồng, nhớ mùi khói đốt đồng lan trong gió chiều nhè nhẹ. Đó là mùi của đất, của nắng, của thời gian và tuổi thơ nơi đồng bãi.

Xây dựng hồ sơ nghệ nhân tạc tượng: Gìn giữ, trao truyền vốn quý

Xây dựng hồ sơ nghệ nhân tạc tượng: Gìn giữ, trao truyền vốn quý

(GLO)- Là đại diện của nền điêu khắc dân gian Tây Nguyên, tượng gỗ mang giá trị biểu đạt cao về đời sống và quan niệm thẩm mỹ của đồng bào dân tộc thiểu số. Tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), một hồ sơ nghệ nhân tạc tượng đã được xây dựng với mong muốn gìn giữ và trao truyền vốn quý di sản.

Nhà giáo Tạ Chí Tào tặng hiện vật quý cho Bảo tàng tỉnh

Nhà giáo Tạ Chí Tào tặng hiện vật quý cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai

(GLO)- Nhiều lần đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh (thuộc Bảo tàng tỉnh Gia Lai), nhà giáo Tạ Chí Tào rất tâm đắc với những hiện vật thể hiện tấm lòng của người dân Tây Nguyên đối với Bác. Vì vậy, ông đã quyết định trao tặng một số hiện vật liên quan đến Bác Hồ mà mình đã sưu tầm cho Bảo tàng tỉnh.

Bên chiếc cầu thang nhà dài

Bên chiếc cầu thang nhà dài

(GLO)- Ngày trước, khi đến buôn Đôn (Đắk Lắk), tôi được ngắm nhìn những ngôi nhà dài bằng gỗ lâu niên của người Ê Đê đẹp đến nao lòng. Ấn tượng đầu tiên là 2 chiếc cầu thang dẫn lên nhà sàn còn in đậm vết thời gian.

Vấn vương bông gòn

Vấn vương bông gòn

(GLO)- Trong vườn còn sót lại một cây gòn. Đến mùa, chúng bung ra những bông nhẹ bẫng, mềm như mây trắng vắt ngang trời, theo gió tản mát muôn phương.

Giữ “hồn trà” trong từng dáng ấm

Giữ “hồn trà” trong từng dáng ấm

(GLO)- Không ít người vừa mê trà vừa có thú sưu tầm ấm. Với họ, chiếc ấm không chỉ để pha trà mà còn là bạn tri âm, lặng lẽ đồng hành trong từng cuộc trà. Họ “dưỡng ấm” như nâng niu một thú chơi đầy tinh tế.

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

(GLO)- Trong bài thơ "Nghe con đọc thơ về Tổ quốc", tác giả Lê Thành Văn để mạch cảm xúc tuôn chảy tự nhiên: từ sự rưng rưng khi nhớ về chiến tranh đến niềm tin lặng lẽ gửi gắm vào thế hệ mai sau. Bài thơ như một nhịp cầu nối liền quá khứ đau thương và hiện tại bình yên.

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Từ trong câu ca nghĩa tình

Từ trong câu ca nghĩa tình

(GLO)- Trước việc Bình Định-Gia Lai chuẩn bị về một nhà, chuẩn bị một hành trình mới của đất nước, địa phương và cá nhân, người viết chợt nhớ… chuyện xưa, “cố tình” tìm mối liên hệ với những điều nhỏ nhặt.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.