Ai được như con gái Giẻ Triêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những chàng trai người Kinh bén duyên cùng các “sơn nữ” từ lâu đã không còn là chuyện mới trên đất cao nguyên. Thế mà tôi vẫn phải ngạc nhiên khi biết ở xã Đak Dục (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) có những hơn 20 cặp chồng người Kinh-vợ Giẻ Triêng.
Tôi tìm đến nhà cụ A Bình-người uy tín của làng Nông Kon để tìm hiểu cơ duyên nào khiến Đak Dục trở thành “đất lành duyên đậu” như vậy? Tham gia dân công hồi chống Pháp rồi vào bộ đội thời chống Mỹ, nay đã hơn 80 tuổi nhưng cụ A Bình vẫn rất minh mẫn “cầm trịch” cho mọi cuộc hôn nhân trong ngôi làng này. Cụ bảo: Con gái Giẻ Triêng vốn chịu khó, hay lam hay làm. Con trai người Kinh thì biết tính toán, biết cách quản trị gia đình. Bởi thế, so với các cặp vợ chồng người địa phương cùng trang lứa, họ không những hơn hẳn về kinh tế mà cuộc sống cũng văn minh hơn. Rồi cụ kể cho tôi nghe những đức tính quý báu đã thành truyền thống của người con gái Giẻ Triêng mà theo cụ ít có phụ nữ dân tộc nào ở Tây Nguyên sánh bằng.
 Ngày về nhà chồng, các cô gái Giẻ Triêng có thể thiếu tiền, vàng nhưng tuyệt đối không thể không có củi.   Ảnh: K.N.B
Ngày về nhà chồng, các cô gái Giẻ Triêng có thể thiếu tiền, vàng nhưng tuyệt đối không thể không có củi. Ảnh: internet
Khác với một số dân tộc có tình trạng tảo hôn, lệ tục của người Giẻ Triêng từ xưa đã quy định: Con gái đủ 18 tuổi mới được bắt chồng. Để tiến tới hôn nhân, các cô gái đều phải trải qua cả một núi công việc nặng nhọc. Đầu tiên là phải có 100 bó củi hứa hôn. Bởi củi “đẹp” hay “xấu” là thước đo phẩm chất lao động của cô dâu tương lai nên cô gái nào cũng dốc hết khả năng để có được những bó củi đẹp. Họ chọn loại gỗ tốt nhất, dùng rìu cắt thành từng đoạn thật bằng (chừng 1 m), bổ sao cho thanh nào cũng bằng thanh nào rồi gùi về cho nhà trai… 100 bó củi tính ra phải hơn 5 m3 gỗ. Để hoàn thành thủ tục này, cô dâu tương lai phải bỏ công sức cả năm ròng.
Nhưng đó mới chỉ là thử thách đầu tiên. Thử thách kế tiếp còn nặng hơn nhiều: Đó là phải lo đủ cho cả họ hàng nhà chồng đàn ông mỗi người một chiếc khố, đàn bà một chiếc váy. Rồi khố áo, chăn đắp, tấm choàng cho 2 vợ chồng trẻ… Nếu không có họ hàng giúp sức và nhà chồng không đông người lắm thì một cô gái khéo léo, nhanh nhẹn cũng phải mất chừng 3 năm. Như vậy trước khi chính thức làm dâu, mỗi cô gái đã phải “lao động không công” cho họ nhà chồng cả ngần ấy năm trời.
Chính vì những phẩm chất chịu thương chịu khó đáng quý như vậy nên từ xưa con gái Giẻ Triêng đã rất “có giá”. Con trai các dân tộc khác muốn “bắt” được con gái Giẻ Triêng tối thiểu phải có 5 con trâu. Tiếng là vậy nhưng thực ra chẳng đáng là bao, bởi riêng về tài dệt, mỗi năm người phụ nữ Giẻ Triêng có thể hoàn thành 80 tấm đồ, tương đương giá trị của 4 con trâu. Tài dệt của họ nổi tiếng khắp vùng Bắc Tây Nguyên, sản phẩm không chỉ cung cấp cho hầu khắp các dân tộc vùng này mà còn “xuất khẩu” sang tận Lào. Vậy mới nói, những gia đình có con dâu người Giẻ Triêng cầm bằng như có vàng trong nhà…
Và cũng bởi phẩm chất cần cù lao động ấy mà trong kháng chiến chống Mỹ, Giẻ Triêng là dân tộc có nhiều phụ nữ thoát ly làm cách mạng nhất tỉnh Kon Tum. Không mai một theo thời gian, những phẩm chất ấy càng trở nên thu hút giữa thời bình với những chàng trai người Kinh là vậy.
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

Thợ rèn trong xã hội Tây Nguyên

(GLO)- Việc tìm thấy kim loại sắt đã giúp loài người tiến một bước dài trong lịch sử. Cũng vì thế mà người chế tác sắt-thợ rèn được nhiều tộc người trên thế giới tôn vinh. Riêng với người Tây Nguyên, thợ rèn được coi là người sáng thế, người tạo ra con người.
Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

Chuyện về hậu hiền họ Nguyễn ở Phú Cần

(GLO)- Hàng năm, cứ đến ngày 28-5 âm lịch, dân làng Phú Cần xưa (nay thuộc thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) lại tập trung về ngôi đền thờ tiền hiền của làng để tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có công xây dựng, phát triển làng xã.
Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc: Sức sống của nghệ thuật dân gian

(GLO)- Khởi đi từ đời sống, nghệ thuật dân gian chạm vào đời sống và có sức sống bền lâu. Điều đó thêm một lần thể hiện tại Liên hoan hát ru, hát dân ca và trình diễn nhạc cụ các dân tộc tỉnh Gia Lai năm 2024 qua phần trình diễn của các nghệ sĩ “chân đất”.
Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

Nghệ nhân ưu tú trao truyền di sản văn hóa

(GLO)- Các nghệ nhân ưu tú trong cộng đồng Bahnar, Jrai đã cùng gặp nhau tại phố núi Pleiku (tỉnh Gia Lai) để truyền dạy văn hóa phi vật thể cho thế hệ kế cận. Thay đổi không gian thực hành quen thuộc nhưng các nghệ nhân và truyền nhân vẫn đầy đam mê, luôn giữ lửa tình yêu với văn hóa dân tộc.
Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước Hồ Lắk

Lễ cúng bến nước hay còn gọi là lễ cúng bến hồ là một trong những lễ hội truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc M’nông huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Hoa tai bạc của người Bahnar

Hoa tai bạc của người Bahnar

(GLO)- Hoa tai bạc hay ngà voi là trang sức đặc trưng của phụ nữ Bahnar ở huyện Kông Chro. Nếu hoa tai ngà voi gần như biến mất cùng với tục căng tai thì hoa tai bạc vẫn tồn tại trong đời sống của người Bahnar như một tiêu chí của cái đẹp, của truyền thống văn hóa.
Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê

Trước ngày tổ chức lễ cúng sức khỏe, người dân trong buôn cùng nhau góp một ít gạo cho chủ nhà nấu rượu phục vụ lễ cúng. Qua đó, thể hiện sự gắn kết, sẻ chia trong cuộc sống, tình đoàn kết cộng đồng dân tộc.