(GLO)- Gần 15 năm công tác trong ngành Văn hóa, anh Rcom Heo (buôn Tang, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) bất ngờ chọn ngã rẽ khác. Người nghệ sĩ của làng ấy quan niệm, ai cũng có thể đóng góp cho văn hóa dù ở bất cứ cương vị nào.
Giữa những ngày bận rộn thu hoạch nông sản, anh Rcom Heo vẫn gác lại việc nhà để tham gia các tiết mục hát dân ca giúp Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện ghi hình làm clip dự thi trực tuyến. Nghỉ làm công chức Văn hóa-Xã hội xã Phú Cần đã nhiều năm, nhưng anh vẫn thường xuyên góp mặt trong các hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa tại địa phương. Người nghệ sĩ quan niệm, ai cũng có thể đóng góp cho văn hóa. Chỉ cần có tình yêu các giá trị di sản cũng là cách bảo vệ, gìn giữ. Từ tình yêu nguyên sơ ấy dẫn anh đến với những thôi thúc mãnh liệt phải tìm hiểu sâu về văn hóa nguồn cội.
Hiểu để mà yêu
|
Anh Rcom Heo. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai, anh Rcom Heo tiếp tục học liên thông Đại học Quản lý văn hóa, sau đó về công tác tại xã Phú Cần (năm 2003). Anh nhớ lại: “Một lần mình nghe các nghệ nhân đánh chiêng trong lễ bỏ mả nhưng không phân biệt được đâu là chiêng cổ, đâu là chiêng mới. Người Jrai có nhiều loại chiêng khác nhau và mỗi bộ cồng chiêng có số lượng, âm thanh không giống nhau. Mình rất muốn học để hiểu thêm về cồng chiêng, phân biệt được các loại chiêng hiện có. Hồi đó, cô H’Đa còn làm Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện. Mình nói với cô mong muốn này và được cô hết lòng ủng hộ”.Bắt đầu từ sự quan sát, đặt ra những câu hỏi, băn khoăn, anh Rcom Heo nhận ra kiến thức của bản thân vẫn rất khiêm tốn, cần học hỏi thêm nếu muốn trở thành một cán bộ văn hóa cơ sở đúng nghĩa. Có lần anh cùng đội nghệ nhân của huyện tham gia một sự kiện văn hóa tại TP. Pleiku, quan sát thấy nhạc cụ truyền thống của nghệ nhân trong huyện rất khiêm tốn so với các địa phương khác, dẫn đến kết quả không như ý, anh quyết tâm tìm hiểu sâu về nhạc cụ truyền thống. Anh nhớ lại: “Thời kỳ làm công chức xã, cứ đến thứ bảy, chủ nhật được nghỉ là mình bắt xe đò tìm đến nhà Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) để học chơi các loại nhạc cụ truyền thống như t’rưng, k’lông pút, goong… Tih không chỉ là nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc rất tài tình mà ngón đàn của anh cũng rất tài hoa. Nghệ nhân này còn có sự hiểu biết sâu rộng, phong phú về văn hóa dân tộc giúp mình học hỏi được nhiều điều. Sau đó, mình tiếp tục tìm đến Nghệ nhân Ưu tú Nay Phai ở thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa) để học chỉnh chiêng. Càng học thì mình càng mê”.
Anh Rcom Heo bỏ tiền túi tự học thêm kiến thức, kỹ năng để thỏa mãn tình yêu đối với văn hóa nghệ thuật dân tộc. Điều đó luôn cần thiết đối với một cán bộ văn hóa cơ sở. Từng bị một số nghệ nhân từ chối “hợp tác”, anh chia sẻ: “Khi gặp trực tiếp các nghệ nhân, nếu thiếu sự hiểu biết sẽ rất khó tiếp cận họ, khó để hiểu họ đang nắm giữ kho báu gì, khai thác từ đâu và cần khai thác như thế nào”. 15 năm gắn bó với văn hóa cơ sở, anh không ngừng trau dồi, học hỏi và tiến bộ nhiều mặt. Với kiến thức phong phú, anh có thể tham gia các hoạt động trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số, từ đánh cồng chiêng, chơi các loại nhạc cụ truyền thống, hát dân ca, đan lát, tạc tượng…
Văn hóa là nguồn cội
Ông Ngô Đức Mạo-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa:“Thời kỳ anh Rcom Heo làm công chức Văn hóa-Xã hội, xã Phú Cần luôn dẫn đầu huyện ở các hội thi văn hóa-thể thao. Từ năm 2016, anh nghỉ công tác nhưng vẫn thường xuyên góp mặt trong đoàn nghệ nhân của huyện tham gia các sự kiện, nhiều lần nhận giải thưởng thi hát dân ca toàn tỉnh”. |
Anh Rcom Heo có 3 người con đều là hạt nhân trong phong trào văn hóa-thể thao của huyện: con gái lớn Rơ Ô Mỹ Hiếu hiện học năm thứ 2 tại Trường Đại học Phú Yên, con gái thứ hai Rơ Ô Mỹ Hằng học lớp 12, con trai Rơ Ô Y Hữu học lớp 9. Anh cho biết, 2 con gái có giọng hát rất truyền cảm, con trai út lại say mê thể thao và là một “chân chạy” trong các giải việt dã. Anh thường dạy các con những bài dân ca Jrai để giúp trau dồi vốn ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, hướng các con theo học các chuyên ngành xã hội-nhân văn để có thể đóng góp được nhiều cho địa phương. Anh cho hay: Kho tàng tri thức văn hóa của ông bà rất rộng lớn, cần cho các con hiểu được giá trị, vẻ đẹp của nó rồi mới yêu và hành động trước di sản cha ông để lại. Đến một lúc nào đó, chính thế hệ trẻ sẽ tự ý thức và hành động bảo vệ, giữ gìn.
|
Anh Rcom Heo (thứ 6 từ phải sang) tham gia tích cực vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Điều khiến anh Rcom Heo suy tư nhiều nhất chính là tình trạng “mù chữ” Jrai của nhiều bạn trẻ người Jrai hiện nay. “Nhiều bạn trẻ Jrai hiện không được học chữ viết của dân tộc mình. Đây là sự mai một bản sắc văn hóa rất đáng lo, đáng buồn. Bản thân mình ghi chép phần lời bài dân ca để cảm nhận đầy đủ ca từ có ý nghĩa rất quan trọng, giúp có cảm xúc, có tình yêu với nó. Khi dạy các con hát dân ca, mình hướng chúng cảm nhận bài hát trước, sau đó mới học thuộc lời”-anh nói.
Thầy Kpă Pual-giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, người tham gia nhiều công trình biên soạn chữ viết Jrai-cho biết: “Tôi đề nghị Rcom Heo thu âm các bài dân ca mà anh thuộc để ký âm, viết thành nhạc, gồm cả nhạc và lời bằng tiếng Jrai góp phần lưu giữ bảo vệ. Ai muốn hát thì dựa vào đó là có thể hát được”.
HOÀNG NGỌC