Vào lúc 24h ngày 20/7/1954 (giờ Geneva), tức sáng 21/7/1954 (giờ Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, ngày 21/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel phối hợp với Hội Hữu nghị Israel-Việt Nam và Đại học Mở Israel tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954-21/7/2024), 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và 31 năm Việt Nam và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức (12/7/1993-12/7/2024).
Cuộc nói chuyện diễn ra theo hình thức trực tuyến, dưới sự điều phối của một giảng viên Đại học Mở, ngôi trường có bề dày lịch sử với khoảng 47.000 sinh viên theo học mỗi năm.
Hơn 500 sinh viên thuộc ngành quan hệ quốc tế và các chuyên ngành nghiên cứu khác đã được xem những thước phim tư liệu về chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng của Việt Nam, góp phần dẫn tới sự tan rã của chủ nghĩa thực dân Pháp trên toàn thế giới.
Đặc biệt, ngày 21/7/1954, Pháp đã buộc phải ký Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương, bãi bỏ quyền cai trị của người Pháp, công nhận nền độc lập của ba quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia.
Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung đã giới thiệu những thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam sau gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới. Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ một quốc gia bị tàn phá bởi hai cuộc chiến tranh lớn, đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và khách du lịch nước ngoài.
Đại sứ Lý Đức Trung nhấn mạnh những điểm chung của người dân Việt Nam và Israel, như sự thông minh, đức tính chịu khó.
Việt Nam quan tâm tới thế mạnh tri thức và công nghệ của Israel, đặc biệt là các công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương trong các lĩnh vực này.